Tính cách người xứ Nghệ trong La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

(Baohatinh.vn) - Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các học giả đi trước, trong bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích tính cách đặc thù nổi trội của người xứ Nghệ và sự thể hiện tính cách đó ở La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (Can Lộc, Hà Tĩnh) thông qua cách ứng xử của ông với những người có quyền lực cao nhất lúc bấy giờ, đặc biệt là với Quang Trung Nguyễn Huệ.

Tính cách người xứ Nghệ trong La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Nguyễn Thiếp sinh ra trong một gia đình hiếu học tại làng Mật, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay thuộc xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh)

Tính cách người xứ Nghệ

Cố học giả Đặng Thai Mai khi nói về con người xứ Nghệ, cho rằng, họ “can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến “cá gỗ”. Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Xuân Cần thì cho rằng, những hằng số phẩm chất của người Nghệ thường được nhắc đến là: trung dũng; quyết liệt; cần kiệm; khảng khái; hiếu học; giàu chí tiến thủ; chân thành, thẳng thắn... Hầu như đó cũng là phẩm chất, là cái nết của người Việt Nam nói chung.

Thực tế đã cho hay, những phẩm chất dù là tốt đẹp, nhưng khi bị đẩy lên cực đỉnh đến mức cực đoan có khi lại thành ra là điểm yếu. Quyết liệt quá thì thành ra cực đoan; thẳng thắn quá thì là thô ráp, cứng nhắc; cần kiệm quá trở nên ki bo, kẹt xỉn; khảng khái quá thì dễ trở thành “gàn”; kiên định quá thì có khi trở thành bảo thủ; cố kết cộng đồng quá thì dễ trở thành cục bộ, địa phương, kết bè kéo cánh... Cho nên, nhiều người đã cho rằng, tính cách xứ Nghệ nổi trội nhất chính là sự “thái quá”, hoặc “cực đoan”, thậm chí trở nên “gàn”.

Tính cách người xứ Nghệ trong La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

La Giang phu tử, Lam Hồng dị nhân và La Sơn phu tử là 3 trong rất nhiều biệt hiệu mà người đời vẫn thường dùng khi nói về Nguyễn Thiếp. Trong đó, La Sơn phu tử là biệt hiệu được dùng thường xuyên và quen thuộc nhất, do vua Quang Trung dùng để gọi tên ông. Tranh minh họa từ internet

Người xứ Nghệ có những ưu điểm nổi trội, thể hiện qua những phẩm chất sau: Một là, chịu khó học hành, ham học hỏi, hiếu học, cầu học và có ý chí thành danh bằng con đường học vấn; Hai là, thẳng thắn, trung thực, giàu tình cảm, chân thành trong quan hệ giao tiếp và trong ứng xử. Trong quan hệ ứng xử, người Nghệ thường là chân thành, thẳng thắn đến mức khí khái; Ba là, tinh thần đấu tranh cho lẽ phải. Người xứ Nghệ không e ngại dấn thân khi thấy việc mình làm là đúng. Cái gì đã cho là đúng, thì khó khăn, thua thiệt vẫn làm. Từ đây một nét tính cách khác cũng hình thành, đó là sự trung kiên. Người Nghệ thấy đúng mới phò, đã phò thì trung thành tuyệt đối.

Từ xa xưa người ta đã nói “Gàn như đồ Nghệ”. Gàn là không chịu nghe ai, không chịu thỏa hiệp với ai, cứ theo ý mình, cách của mình mà làm. Tính cách này có vẻ không hay lắm, nếu biết tự nhìn nhận về mình, thấy được đúng - sai, tự điều chỉnh mình chắc sẽ hay hơn, hiệu quả công việc sẽ tốt hơn. Nhưng để thay đổi tính cách không thể ngày một ngày hai, mà phải kiên trì, chịu khó học hỏi trong một quá trình.

Điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh xã hội sản sinh ra những con người với những đặc điểm tính cách riêng và chính những con người ấy đã cộng hưởng tạo dựng những cái riêng thành bản sắc đặc thù của miền quê xứ Nghệ.

Tính cách người xứ Nghệ trong La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là tấm gương sáng trong việc điều tiết linh hoạt tính cách Nghệ một cách đúng mực.

Trong con người La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp có đầy đủ những nét thuộc tính cách, phẩm chất nổi trội của người xứ Nghệ, song, có sự khác biệt là những tính cách, phẩm chất đó luôn được ông gìn giữ, điều tiết linh hoạt, năng động, đúng mực trong chính cuộc đời và quá trình hoạt động giúp ích cho dân, cho nước. Điều này trở thành tấm gương để hậu thế học tập, noi theo.

Tính cách người xứ Nghệ ở La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Cuộc đời Nguyễn Thiếp chủ yếu gắn bó mật thiết với quê hương xứ Nghệ. Vì vậy ở ông có đầy đủ những phẩm chất, tính cách của người xứ Nghệ.

Về tính cách ham học, hiếu học, Nguyễn Thiếp là người kiên trì học tập miệt mài trên con đường học vấn. Thuở ấy, việc học chủ yếu là học thuộc lòng, chú trọng đến chữ nghĩa, phải nhớ kỹ “thiên thi, bách phú, văn sách ngũ thập”, nghĩa là phải thuộc một nghìn bài thơ, một trăm bài phú, năm mươi bài văn sách. Cách học đó không mấy người đủ sức. Tuy nhiên, Nguyễn Thiếp không dừng lại ở học thuộc lòng mà luôn phát huy vốn kiến thức học được rồi suy ra theo chiều sâu, bề rộng. Nhờ vậy, Nguyễn Thiếp sớm quan tâm đến việc lý giải xã hội, phân tích các vấn đề kinh tế, địa lý, lý số, phong thủy...

Là người xứ Nghệ, song, Nguyễn Thiếp miệt mài chăm chỉ học tập không phải để thi thố với tham vọng đỗ đạt ra làm quan, có chức tước, được hưởng bổng lộc của triều đình mà để không ngừng mở rộng hiểu biết, giúp dân và phụng sự đất nước. Như vậy, sự ham học, khổ học, kiên trì học của Nguyễn Thiếp không vì mục đích thoát nghèo, thoát cuộc sống khổ cực của xứ thiên nhiên khắc nghiệt, thổ nhưỡng cằn cỗi...

Khí khái, thẳng thắn, trung thực, nhưng giàu tình cảm, chân thành trong quan hệ giao tiếp và trong ứng xử là một trong những tính cách của người Nghệ nói chung, song, ở La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp được thể hiện theo một cách riêng, vừa khéo léo, vừa tinh tế, vừa khôn ngoan, linh hoạt, năng động và đạt được hiệu quả trong công việc. Tính cách này được thể hiện rất rõ trong quá trình giao tiếp giữa Nguyễn Thiếp với Quang Trung Nguyễn Huệ.

Cũng như các bậc chân nho khác, Nguyễn Thiếp coi lòng trung với vua là thước đo giá trị của cá nhân trong cuộc đời. Vì trung quân, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã “rắp mong treo ấn từ quan”. Vì trung quân, mà giai đoạn đầu, ông khước từ việc hợp tác với Quang Trung. Về sau phu tử mới thực sự thừa nhận Quang Trung là ông vua xứng đáng, là người thực lòng mang trên mình sứ mệnh gánh vác giang sơn. Và tuy không ra làm quan, Nguyễn Thiếp vẫn trung thành giúp nhà vua nhiều việc đại sự.

La Sơn phu tử - một người tha thiết nỗi thương đời, trĩu nặng lòng nhân đạo hết sức thiết thực và trung thành hết mực đối với vua Quang Trung, nên không giấu những điều nặng trĩu về dân tình. Khi đã phò vua, La Sơn phu tử đã thành thật rất mực nói lên nỗi lòng mình đối với Nhân dân mà không hề sợ liên lụy vì đụng đến lòng tự ái của nhà vua. Nguyễn Thiếp đã nhiệt tình, trung thành phò vua giúp nước, cùng đức vua lo việc giang sơn, như phẩm chất nổi trội của người xứ Nghệ là “người Nghệ thấy đúng mới phò, khi đã phò thì trung thành tuyệt đối”.

Tính cách người xứ Nghệ trong La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Nguyễn Thiếp đã 3 lần từ chối lời mời của Nguyễn Huệ. Đến tháng 6/1788, khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ hai, đến đất Nghệ An, ông đã cử Cẩn Tín hầu Nguyễn Quang Đại mang thư đến mời Nguyễn Thiếp đến hội kiến. Lần này, Nguyễn Thiếp đồng ý ra giúp vua Quang Trung. Tranh minh họa Internet.

Xét cho cùng văn hóa tính cách là sản phẩm của điều kiện tự nhiên và KT-XH. Khi hoàn cảnh khách quan thay đổi và có sự chủ động của yếu tố chủ quan thì văn hóa tính cách cũng có thể thay đổi để thích ứng. Để phát huy hằng số văn hóa tính cách xứ Nghệ, người Nghệ Tĩnh cần ra sức học tập, phát huy truyền thống, phẩm chất, tính cách tốt đẹp của quê hương để phát triển. Cần nhận thức sâu sắc sức mạnh văn hóa truyền thống để từ đó coi trọng, tôn vinh, tạo điều kiện để các nhân tố điển hình được nảy nở, phát huy.

Xóa bỏ những tập tính xấu, cởi mở đón nhận những nét đẹp văn hóa của các vùng miền khác, khắc phục những điểm yếu, những mặt tiêu cực trong văn hóa tính cách địa phương để thích nghi theo hướng hiện đại, văn minh, hội nhập, toàn cầu. Ra sức khắc phục những mặt tiêu cực của điều kiện tự nhiên ở địa phương, phát triển KT-XH, tạo điều kiện để con em được học hành, cống hiến, bồi đắp truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của quê hương.

Các cấp lãnh đạo cần có chính sách khuyến khích những nhân sĩ, trí thức xứ Nghệ trở về bằng nhiều cách để giúp đỡ quê hương. Giữ gìn và tạo dựng các tượng đài danh nhân, các nhà văn hóa, trong đó có La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp để các thế hệ hôm nay và mai sau chú ý tìm hiểu, học hỏi, noi theo.

Video: Theo dấu chân nhà hiền triết Nguyễn Thiếp. Thực hiện: Thiên Vỹ - Đức Quang

Giảng viên Khoa Sư phạm kỹ thuật - Trường ĐHSP Kỹ thuật Vinh

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Chủ đề Kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.