Nhiều gia đình ở Sơn Lâm thực sự khá giả nhờ nuôi ong lấy mật
Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm Nguyễn Trọng Thuần phấn khởi: “Chúng tôi có hàng ngàn ha rừng, trong đó có trên 1.300 ha rừng keo, là nguồn mật tự nhiên vô tận. Tận dụng lợi thế rừng, từ hàng chục năm nay người dân Sơn Lâm đã biết nuôi ong để tăng thu nhập.
Đặc biệt, khoảng 4-5 năm lại đây, xã đã tuyên truyền, vận động người dân tăng cường phát triển đàn ong. Đến nay, toàn xã có khoảng 500 - 600 đàn ong, mỗi năm cho hàng nghìn chai mật, đưa lại giá trị kinh tế cao cho người dân chúng tôi”.
Trung bình mỗi tổ ong cho 10 chai mật mỗi vụ
Theo chân anh Phan Bội Châu, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sơn Lâm tham quan một số hộ nuôi ong, chúng thật sự bị cuốn hút bởi nghề "làm chơi ăn thật" này. Nghề nuôi ong ở Sơn Lâm tập trung nhiều ở thôn Lâm Đồng và Lâm Khê, lên đến khoảng 300 đàn.
Anh Phan Bội Châu cho biết, nghề này không cần đầu tư nhiều vốn và công sức mà chỉ cần nắm được kỹ thuật, tập tính con ong để chăm sóc, quản lý, nhất là đối với việc phân tách đàn mỗi khi đàn ong quá đông. Chỉ cần một diện tích đất vừa phải để đặt tổ, và nắm được kiến thức, kỹ thuật nuôi, thì ai cũng có thể khá lên từ nghề này.
Những "cầu mật" vàng ươm
Ong được các hộ dân Sơn Lâm chọn nuôi là ong rừng địa phương, thân nhỏ nên có thể hút được mật ở các loài hoa nhỏ, cành yếu, vì thế mật cũng chất lượng hơn. Mặt khác, do thích ứng với khí hậu địa phương nên ong phát triển tốt, ít bị chết vào mùa rét.
Trung bình, mỗi tổ ong cho 10-12 chai mật, thu nhập trên 2 triệu đồng. Ở Sơn Lâm hiện nay, có khoảng trên 100 hộ nuôi ong, trong đó có 40 hộ nuôi từ 10 đàn trở lên. Một số hộ có thu nhập mỗi năm lên đến trên 100 triệu đồng.
Anh Phan Văn Giáp (thôn Lâm Đồng), cho biết: “Hiện tại tôi đang có trên 60 đàn, cho mật rất tốt. Vụ mật năm nay tôi thu được trên 400 chai, với giá bán trung bình từ 200-250 ngàn đồng/chai, cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Vì nghề nuôi ong nhẹ nhàng, thu nhập tốt nên tôi quyết định tiếp tục duy trì số lượng đàn nhiều để có thu nhập ổn định lâu dài”.
Nuôi ong không cần nhiều diện tích
Nghề nuôi ong cho thu nhập tốt nên gần đây có nhiều gia đình đã bắt đầu tham gia. Anh Phạm Văn Quyền (thôn Lâm Trung) là một trong những hộ “lính mới” như vậy.
Anh Quyền cho biết: “Trước đây tôi cũng chưa để ý đến nghề này, nhưng gần đây thấy nhiều hộ phát triển tốt nên tôi cũng bắt đầu nuôi. Ngoài nuôi tại nhà, tôi còn đem một số tổ đi gửi ở nhà người quen ngay tại bìa rừng để ong phát triển được tốt hơn. Rừng rú bao la nên nghề nuôi ong ở đây rất có điều kiện để phát triển, nhân rộng.”