Người dân đến Trạm Y tế xã Hòa Lạc thực hiện chiến dịch.
Đợt 2 chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở Đức Thọ được tổ chức tại 4 cụm/12 xã, thị trấn, là những địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong công tác DS/KHHGĐ. Chính vì thế, để nâng cao hiệu quả của chiến dịch, Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường truyền thông, vận động đến từng đối tượng.
Ông Trần Anh Văn - Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Đức Thọ thông tin: “Chúng tôi đã chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên dân số tích cực bám địa bàn để lập danh sách phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa thực hiện các biện pháp tránh thai. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức; thậm chí gửi giấy mời trực tiếp đến từng đối tượng tham gia chiến dịch”.
Với việc lựa chọn thời điểm nông nhàn, cộng với chiến dịch lần này có thêm gói tầm soát ung thư cổ tử cung nên đã thu hút đông đảo phụ nữ trong độ tuổi tham gia.
Chị Đào Thị Nghĩa - thôn Đồng Lạc, xã Hòa Lạc (Đức Thọ) chia sẻ: “Đến với chiến dịch tôi rất yên tâm khi được đội ngũ y bác sỹ thăm khám và tư vấn tận tình về tình hình sức khỏe sinh sản và việc lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp. Tôi mong, hàng năm việc tổ chức chiến dịch được duy trì để tạo điều kiện cho chị em phụ nữ vùng nông thôn, vùng xa như chúng tôi có điều kiện được chăm sóc sức khỏe”.
Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 2 được tổ chức tại 20/20 xã ở huyện Kỳ Anh.
Là một trong những địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 2, đến thời điểm hiện tại, huyện Kỳ Anh đã hoàn thành tại 4/5 cụm. Lần thực hiện chiến dịch cuối cùng trong năm, Kỳ Anh vẫn tiếp tục triển khai rộng khắp trên địa bàn 20/20 xã với mong muốn nâng cao tỷ lệ người thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng.
Chị Lê Thị Xuân Hương - Trưởng phòng Dân số truyền thông (Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh) cho biết: “Kết thúc chiến dịch đợt 1, chỉ tiêu các biện pháp tránh thai hiện đại đều đạt trên 100% kế hoạch, nhưng gói đặt vòng tránh thai mới chỉ đạt khoảng 56% kế hoạch năm và hiện tại, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn vẫn còn cao (36,3%). Triển khai chiến dịch lần này, chúng tôi hy vọng sẽ nâng tỷ lệ người thực hiện biện pháp tránh thai lâm sàng, góp phần tạo tiền đề cho mục tiêu giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong năm tới”.
Cùng với các hoạt động đến từng ngõ, gõ từng nhà, các địa phương còn tăng cường tuyên truyền trên băng rôn, khẩu hiệu.
Đợt 2 chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên địa bàn Hà Tĩnh triển khai từ 30/9, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 11/2023, với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng.
Để chiến dịch triển khai có hiệu quả, ngoài kế hoạch, chỉ đạo của Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, tăng cường nhân lực, thành lập 2 đoàn công tác nhằm đảm bảo thời gian theo đúng quy định.
Mục tiêu của chiến dịch đợt 2 là phấn đấu 95% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn triển khai được cung cấp thông tin, tư vấn, nâng cao hiểu biết về KHHGĐ/SKSS; 100% cặp vợ chồng có đủ 2 con chưa sử dụng các biện pháp tránh thai được cung cấp thông tin, tư vấn để tự nguyện lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp. Chiến dịch dự kiến sẽ khám cho 7.560 người, đặt dụng cụ tử cung cho 1.296 ca, tiêm thuốc tránh thai cho 50 ca.
Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cũng đã thành lập các đoàn công tác thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các địa phương để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những phát sinh trong quá trình diễn ra chiến dịch.