Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng
Từ giữa tháng 10/2016 đến nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, trong đó đặc biệt là 2 đợt mưa lũ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11/2016. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), trước diễn biến bất thường của thời tiết, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sự chủ động phòng tránh cũng như tham gia của người dân nên đã hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Công tác cứu trợ được thực hiện kịp thời, nhất là huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai; công tác khôi phục, tái thiết sau thiên tai được tổ chức nhanh chóng.
Tuy vậy, báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo PCTT Trung ương cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưu lũ, như: Thiệt hại về người vẫn còn lớn, nguyên nhân chính vẫn do một số bộ phận người dân, chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công điện của Chính phủ và các cấp, nhất là khi lũ lên nhanh. Công nghệ dự báo bao gồm hệ thống quan trắc, rada, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều hồ chứa chưa xây dựng và cập nhật bản đồ ngập lụt, phương án đảm bảo an toàn hạ du, việc phối hợp với địa phương và thông tin xả lũ còn hạn chế…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, mặc dù mưa lũ xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh với cường độ lớn, gây thiệt hại nặng nề về tài sản nhưng nhờ làm tốt công tác “4 tại chỗ” và chỉ đạo điều hành tìm kiếm cứu hộ, khắc phục sự cố kịp thời nên người dân không bị đói rét, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Đặc biệt, tại các huyện bị ngập lụt nặng như Hương Khê, Vũ Quang không có người chết do lũ lụt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất Trung ương có các chương trình, dự án về nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa lũ; đầu tư xây dựng các công trình phòng tránh cho người dân ở vùng có nguy cơ cao; đầu tư, mua sắm phương tiện, trang bị phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn phù hợp; hỗ trợ người dân các loại giống cây trồng, xây dựng các công trình hạ tầng bị hư hỏng do mưa lũ...
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động PCTT, khắc phục hậu quả mưa lũ của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của người dân trong tìm kiếm cứu nạn, ứng phó, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khắc phục thiệt hại.
Mưa lũ xảy ra với cường độ lớn đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản trên địa bàn Hà Tĩnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bên cạnh nỗ lực và kết quả đạt được, vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là công tác dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu; việc vận hành điều tiết tại các hồ đập còn bất cập; thiếu cơ sở hạ tầng, lực lượng, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu… dẫn đến công tác tham mưu chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để người dân biết, không chủ quan và có kỹ năng phòng tránh, ứng phó; hỗ trợ kịp thời người dân khắc phục hậu quả, sớm ổ định sản xuất, đời sống.
“Công tác chỉ đạo phải nhanh nhạy, sát thực tiễn, huy động và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình của nhân dân trong quá trình ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả. Công tác “4 tại chỗ” phải được đặt lên hàng đầu.” - Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.