Phụ nữ Hà Tĩnh tự chủ hơn nhờ phát triển mô hình kinh tế

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của hội LHPN các cấp, nhiều hội viên phụ nữ Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập khá, qua đó cuộc sống không ngừng được nâng cao.

Nhiều năm trước đây, cứ đến gần tết Nguyên đán, chị Bùi Thị Quý (SN 1986, ở thôn Trung Phú, Thạch Thắng, Thạch Hà) lại lo âu vì thiếu nguồn lực sắm tết. Tuy nhiên, năm nay, niềm lo lắng ấy đã được đẩy lùi, thay vào đó, chị Quý đang phấn khởi chờ đợi đàn bò, lợn... sắp đến kỳ xuất bán.

Phụ nữ Hà Tĩnh tự chủ hơn nhờ phát triển mô hình kinh tế

Chị Bùi Thị Quý ở thôn Trung Phú, xã Thạch Thắng (Thạch Hà) phấn khởi khi đàn gia súc sắp đến kỳ xuất bán.

Chị Quý cho biết: "Trước đây, kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào mấy sào ruộng và công việc khoan cắt bê tông không mấy ổn định của chồng nên cuộc sống khá khó khăn. Năm 2018, sau khi được động viên và tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp phát triển mô hình kinh tế do các cấp hội phụ nữ tổ chức, tôi quyết tâm xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, bò. Sau 5 năm xây dựng, mô hình đã mang lại cho gia đình tôi thu nhập ổn định. Từ chỗ phải phụ thuộc vào công việc của chồng, tôi đã có thể tự chủ kinh tế, không còn chịu áp lực về tiền bạc, nhất là mỗi dịp tết đến, xuân về như trước đây".

Phụ nữ Hà Tĩnh tự chủ hơn nhờ phát triển mô hình kinh tế

Đàn bò lai 3B dự kiến xuất bán dịp tết Nguyên đán của gia đình chị Bùi Thị Quý.

Mô hình chăn nuôi của chị Bùi Thị Quý hiện có diện tích chuồng trại khoảng 300m2, cùng với 3 sào vườn (1.500m2) dùng để trồng cỏ, rau phục vụ thức ăn cho đàn bò, lợn. Trong đó, dịp cận tết Nguyên đán sắp tới, dự kiến chị sẽ xuất bán 10 con bò và 18 con lợn thịt. Với giá trị trường hiện tại, số bò, lợn xuất bán sẽ mang về cho chị Quý doanh thu gần 550 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng. Nếu tính cả năm (gồm bò, lợn dịp cận tết và 2 lứa lợn thịt trước đó), thu nhập từ mô hình chăn nuôi của chị Quý ước đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.

"Để có được cuộc sống ổn định như hiện tại, tôi luôn biết ơn các cấp hội phụ nữ. Ngoài động viên xây dựng mô hình, được trang bị kiến thức qua nhiều lớp tập huấn khởi nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi, các cấp hội còn tạo điều kiện để tôi được vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư, hỗ trợ trực tiếp dụng cụ phân loại rác thải, ống bi xử lý rác... cho mô hình. Sự tiếp sức ấy đã giúp tôi có thêm động lực để nỗ lực xây dựng mô hình phát triển kinh tế thành công" - chị Bùi Thị Quý bày tỏ.

Phụ nữ Hà Tĩnh tự chủ hơn nhờ phát triển mô hình kinh tế

Cán bộ Hội LHPN xã Thạch Thắng thăm hỏi động viên chị Bùi Thị Quý.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Tường (SN 1973, ở thôn Chùa, xã Thuận Lộc, TX Hồng Lĩnh) cũng đã vươn lên thay đổi cuộc sống thông qua xây dựng mô hình “Nuôi lươn không bùn”, dưới sự giúp sức của các cấp hội phụ nữ.

Chị Tường cho biết: "Có được kiến thức từ các lớp tập huấn khởi nghiệp do các cấp hội phụ nữ tổ chức, cũng như sự động viên của chị em cán bộ hội, tháng 3/2022, tôi bắt đầu đầu tư xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn. Mô hình được đầu tư với số vốn ban đầu 200 triệu đồng, trong đó, hơn 1 nửa số tiền tôi được Hội hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp, đồng thời, Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN TX Hồng Lĩnh, xã Thuận Lộc cũng hỗ trợ 6 triệu đồng để lắp đặt một số hệ thống đường ống lọc nước... Đến nay, mô hình mang lại cho gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng/năm".

Phụ nữ Hà Tĩnh tự chủ hơn nhờ phát triển mô hình kinh tế

Chị Nguyễn Thị Tường (bên trái) cùng cán bộ Hội LHPN xã Thuận Lộc bên mô hình nuôi lươn không bùn, cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.

Được biết, ý tưởng mô hình nuôi lươn không bùn của chị Nguyễn Thị Tường cũng từng đạt giải 3 Cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN Hà Tĩnh tổ chức năm 2022 và được chọn là 1 trong 5 ý tưởng dự thi cấp Trung ương năm 2023.

Ngoài xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn, chị Tường hiện còn là Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Dịch vụ nấu ăn tại gia Hoàn Hảo tại xã Thuận Lộc. THT có 7 thành viên nòng cốt và 8 chị em là cộng tác viên. Hoạt động hiệu quả, THT đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 chị em, với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Phụ nữ Hà Tĩnh tự chủ hơn nhờ phát triển mô hình kinh tế

Chị Nguyễn Thị Tường (ngoài cùng bên phải) nhận giải ba tại Cuộc thi Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2022.

Mô hình của chị Bùi Thị Quý (ở xã Thạch Thắng, Thạch Hà) và chị Nguyễn Thị Tường (ở xã Thuận Lộc, TX Hồng Lĩnh) là 2 trong hàng trăm mô hình kinh tế được chị em xây dựng thành công nhờ sự giúp sức của các cấp hội phụ nữ trong thời gian qua.

Chỉ tính trong năm 2023, các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn vận động, hỗ trợ thành lập mới 52 THT, 1 HTX và 422 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm trở lên. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ thành lập 21 sản phẩm do phụ nữ làm chủ đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Các cấp hội phụ nữ còn tạo mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nữ, góp phần khích lệ tinh thần khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp có nữ tham gia, quản lý.

Cùng đó, để hỗ trợ chị em tiếp cận với các nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, ký kết liên tịch, nhận ủy thác từ các ngân hàng như: Ngân hàng NN&PTNT, ngân hàng CSXH, các tổ chức tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp, THT, HTX, mô hình vay vốn. Kết quả, đến nay, các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh đang quản lý trên 4.500 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với năm 2022.

Phụ nữ Hà Tĩnh tự chủ hơn nhờ phát triển mô hình kinh tế

Bằng nhiều hình thức thiết thực, các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh luôn hỗ trợ các hội viên xây dựng phát triển mô hình kinh tế vươn lên tự chủ trong cuộc sống. Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo tỉnh và Hội LHPN tỉnh biểu dương 13 mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu do phụ nữ làm chủ năm 2023.

Hỗ trợ phụ nữ xây dựng mô hình phát triển kinh tế là một trong những nội dung trọng tâm nhằm thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ hướng đến liên kết trong sản xuất kinh doanh, giai đoạn 2022 - 2026”. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh hướng tới tăng cường các chương trình tập huấn ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tới các hội viên, qua đó, nhằm thúc đẩy việc hỗ trợ để phụ nữ khởi nghiệp, xây dưng mô hình phát triển kinh tế ngày càng hiệu quả.

Bà Trương Thị Lượng
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh

Chủ đề Lao động việc làm

Chủ đề Khởi nghiệp

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.