Bộ Công thương tiếp tục có động thái mới quyết liệt hơn

Sau khi quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh, vốn chiếm tới 55,5% tổng số các điều kiện đang tồn tại, Bộ Công thương tiếp tục có động thái mới nhằm thể hiện quyết tâm của mình.

Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập sửa đổi các văn bản

Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương.

bo cong thuong tiep tuc co dong thai moi quyet liet hon

Quy định điều kiện liên quan đến an toàn trong hoạt động kinh doanh khí được coi trọng

Ngày 21/9/2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2015 của Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.

Để triển khai triệt để Quyết định 3610, ngày 26/9 Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định số 3696/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương.

Tại quyết định này, Ban soạn thảo, Tổ biên tập có trách nhiệm rà soát nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh đã được đề xuất bãi bỏ tại Quyết định 3610a/QĐ-BCT liên quan đến quy định của các luật, nghị định của Chính phủ nhằm mục tiêu đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Qua phản ánh về một số lỗi trùng lặp trong các điều kiện đầu tư, kinh doanh được đề xuất cắt giảm theo Phụ lục Quyết định 3610a/QĐ-BCT (liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thực phẩm), Bộ Công thương khẳng định vẫn quyết tâm cắt giảm các điều kiện này theo các nguyên tắc đã được nêu rất rõ ràng tại điều 2 của Quyết định 3610a.

Cụ thể, việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh sẽ thực hiện trên nguyên tắc: chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh; Việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Luật Đầu tư 2014.

Bên cạnh đó, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện. Đồng thời, cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

Chú trọng sự an toàn

Đối với lĩnh vực kinh doanh khí, Bộ Công thương đã soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét trong ít ngày tới.

Theo quan điểm của Bộ Công thương, các hoạt động kinh doanh khí gắn liền với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân như bồn chứa khí, chai LPG, đường ống, trạm nạp, trạm cấp, trạm nén, các cơ sở sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG, chai LPG mini tiềm ẩn, chứa đựng nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng, tác động đến môi trường cần được kiểm soát.

Hiện nay, theo Nghị định 19/2016/NĐ-CP chỉ trú trọng đến quản lý, quy định các điều kiện kinh doanh chưa tập trung quy định các điều kiện liên quan đến an toàn trong hoạt động kinh doanh khí. Do vậy, việc quản lý hoạt động kinh doanh khí theo hướng tập trung vào các yêu cầu liên quan đến an toàn đối với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời là cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác hậu kiểm trong lĩnh vực này.

Dự thảo nghị định quy định các điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, cụ thể: Thương nhân xuất, nhập khẩu khí chỉ cần có cầu cảng hoặc thuê cầu cảng, có bồn chứa khí hoặc chai chứa LPG chai đảm bảo các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định; Thương nhân sản xuất chế biến có cơ sở sản xuất được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng, có phòng thử nghiệm hoặc thuê phòng thử nghiệm, có dây chuyền, máy thiết bị được kiểm định; thương nhân kinh doanh mua bán khí chỉ cần có bồn chứa khí hoặc chai chứa LPG chai đảm bảo các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định; Cửa hàng bán lẻ LPG chai chỉ cần có hợp đồng bán chai LPG với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điểu kiện còn hiệu lực; Các cơ sở vật chất của thương nhân như trạm nạp, trạm cấp, trạm nén khí chỉ cần đáp ứng điều kiện được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng…

Với việc đơn giản và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh đối với thương nhân và cơ sở vật chất của thương nhân như trên thì Dự thảo Nghị định tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm bớt các giấy tờ thủ tục hành chính liên quan đến cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện cho thương nhân kinh doanh khí, đồng thời điều chỉnh thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện từ 5 năm lên 10 năm và giảm thời hạn cấp các Giấy chứng nhận đủ điều kiện từ 30 ngày làm việc xuống còn 15 ngày trên tinh thần phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ năm 2017 đã được phê duyệt.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast