Giá lợn giống, dịch vụ tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh gặp khó khi tái đàn

(Baohatinh.vn) - Tái đàn là một trong những biện pháp để tăng nguồn cung, “hạ nhiệt” thị trường thịt lợn. Song, việc tái đàn tại Hà Tĩnh hiện gặp nhiều gian nan do giá con giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí phòng dịch… đều tăng cao.

Giá lợn giống, dịch vụ tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh gặp khó khi tái đàn

Các cơ sở chăn nuôi ở Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng cao.

Do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) từ năm 2019, đàn lợn tại các trang trại và hộ chăn nuôi vẫn chưa thể phục hồi. Nguồn cung thiếu khiến giá thịt lợn đang ở mức cao dù Chính phủ cùng các cơ quan chức năng liên tục kêu gọi và tìm các giải pháp để giảm giá lợn hơi.

Để “giảm nhiệt” giá thịt lợn, một trong những biện pháp hiện nay là tái đàn. Tuy nhiên, việc tái đàn đang gặp khó vì đàn lợn nái giảm dẫn đến giá con giống cao. Hơn nữa, chi phí chăn nuôi như thức ăn, vắc-xin... đều tăng giá 5 - 10% so với trước.

Cùng với chi phí phòng dịch, bên cạnh vắc-xin, thuốc thú y thì người chăn nuôi phải chịu thêm một khoản lớn chi phí nhân công và vận chuyển.

Giá lợn giống, dịch vụ tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh gặp khó khi tái đàn

Giá lợn giống hiện nay trên dưới 3 triệu đồng/con.

Ông Trương Xuân Bính – Giám đốc HTX Chăn nuôi tổng hợp và Xây dựng Minh Lộc (Cẩm Xuyên) cho biết: “Hiện, số lợn nái của HTX đạt gần 400 con. Tuy nhiên, lợn giống được sinh ra chúng tôi chỉ xuất số lượng ít ra thị trường trong tỉnh, còn lại để phục vụ việc chăn nuôi lợn thịt trong trang trại. Giá lợn giống hiện nay khoảng 3,3 – 3,4 triệu đồng/con”.

Theo ông Bính, việc tái đàn cũng cần cân nhắc cẩn thận, không ồ ạt và phải tính đến yếu tố thị trường chăn nuôi bền vững, nhất là khi giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức khá cao như hiện nay.

Giá lợn giống, dịch vụ tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh gặp khó khi tái đàn

HTX Chăn nuôi tổng hợp và Xây dựng Minh Lộc thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn lợn nái.

Theo ông Hồ Sỹ Huy Thảo – Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco, tổng đàn lợn của công ty hiện giảm khoảng một nửa so với trước DTLCP. Thời gian qua, doanh nghiệp vẫn đang tích cực tái đàn tại chỗ với 2.500 con lợn nái trong điều kiện đảm bảo các quy định phòng dịch. Đồng thời, cũng đảm bảo cung cấp lợn giống đặt hàng cho các cơ sở chăn nuôi liên kết.

Sắp tới, công ty sẽ nhập khẩu khoảng 200 - 400 con lợn nái chất lượng cao để tăng tốc độ tái đàn. Tuy nhiên, thời điểm này, chi phí đầu vào cao nên việc tái đàn là rất khó khăn với người chăn nuôi.

Giá lợn giống, dịch vụ tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh gặp khó khi tái đàn

Chi phí đầu vào cao nên việc tái đàn đang gặp nhiều khó khăn

Đối với chăn nuôi nông hộ, bà con có nguồn vốn hạn chế nên với giá lợn giống hiện nay thì việc mua giống tái đàn không phải là dễ dàng.

Ông Phan Xuân (xã Thạch Ngọc – Thạch Hà) chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi nuôi lợn nái để lấy lợn giống. Tuy nhiên, sau DTLCP, lợn nái không còn nên phải mua lợn giống. Hiện tôi đang nuôi 50 con lợn đã được hơn 2 tháng, chuồng trại có thể nuôi thêm 50 con nữa nhưng giá lợn giống hơn 3 triệu đồng nên chưa đủ tiền và cũng khó tìm nguồn mua”.

Giá lợn giống, dịch vụ tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh gặp khó khi tái đàn

Gia đình ông Xuân muốn mua thêm 50 con giống để nuôi nhưng giá đang quá cao.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết: “Việc tái đàn trên địa bàn chậm do đàn nái thời điểm quý I/2020 chỉ có 4.965 con (đạt 44,6% tổng đàn nái so với cùng kỳ năm 2019), giá con giống và nái giống đều cao.

Mức độ tái đàn chủ yếu tăng ở khối trang trại, còn trong nông hộ đạt thấp. Tổng đàn toàn huyện hiện có 40.159 con, trong đó đàn nái gần 7.000 con. Trong tháng 5, một số cơ sở đã nhập thêm nái giống nên hi vọng thời gian tới có thể đẩy nhanh tiến độ tái đàn.

Giá lợn giống, dịch vụ tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh gặp khó khi tái đàn

Các cơ sở chăn nuôi chỉ tái đàn khi đảm bảo điều kiện phòng dịch.

Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, hiện nay, các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là trang trại lớn vẫn thường xuyên tái đàn nhưng chưa thể phục hồi như trước. Do ảnh hưởng DTLCP xảy ra từ năm ngoái nên tổng đàn lợn giảm, dẫn đến nguồn cung thiếu khiến giá thịt tăng cao. Tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện nay gần 370.000 con, đạt khoảng 80% so với trước khi xảy ra DTLCP. Trong đó, có gần 36.000 con lợn nái (trước DTLCP là khoảng 43.000 con).

Ông Trần Hùng cho biết, việc tái đàn không thực hiện một cách ồ ạt mà phải triển khai đúng lộ trình, hướng dẫn của ngành chuyên môn, chỉ tái đàn trong điều kiện đảm bảo an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Thời điểm hiện nay, vừa đảm bảo phòng dịch, các chi phí đầu vào chăn nuôi cao là những yếu tố gây khó cho người chăn nuôi tái đàn.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast