Trưởng ban Văn hóa – xã hội Đoàn Đình Anh lưu ý huyện cần tích cực kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở
Từ năm 2013 đến nay, UBND huyện Can Lộc đã xây dựng các kế hoạch, đề án nhằm giám sát, chỉ đạo xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở. Các cấp, ngành chức năng cũng đã triển khai tuyên truyền sâu rộng, quán triệt nghiêm túc, thực hiện tốt các nội dung trong nghị quyết và có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể để chủ trương này đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa cao.
Thực hiện Nghị quyết 55, trong 4 năm qua (từ 2013 - 2017), Can Lộc đã xây mới 12 nhà văn hóa xã, 79 nhà văn hóa thôn; xây mới 10 khu thể thao xã; làm mới 36, nâng cấp 41 khu thể thao thôn; lắp đặt và sửa chữa 18 trạm truyền thanh cơ sở; thành lập 7 CLB dân ca ví, giặm cùng 6 CLB thể thao cấp xã với tổng kinh phí 170,630 tỷ đồng. Có 29 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh được đầu tư, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 37,8 tỷ đồng.
Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh cùng đoàn kiểm tra tại nhà văn hóa thôn Minh Tân và thôn Tân Mỹ, thuộc xã Trung Lộc.
Đến nay, 51% thiết chế văn hóa, thể thao thôn, khối phố đạt chuẩn, thu hút 40% tổng số dân tham gia vào các hoạt động văn hóa; 100% đài truyền thanh cấp xã có hệ thống thiết chế truyền thanh hoạt động tốt.
Thời gian tới, Can Lộc tập trung xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, viên chức trong thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra về văn hóa; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng; tăng cường vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao và điểm vui chơi trẻ em cấp thôn; khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao xã hội hóa; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và truyền thanh cơ sở…
Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường báo cáo và giải trình một số vấn đề liên quan tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã tập trung làm rõ việc một số nơi chưa lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà văn hóa thôn; kinh nghiệm trong công tác xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; các mẫu thiết kế nhà văn hóa thôn có gì bất cập; việc phát huy công năng sử dụng đối với những nhà văn hóa thôn vùng giáo; chính sách trong lĩnh vực này đã phù hợp với thực tiễn, có cần điều chỉnh, sửa đổi?...
Phó ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt: Việc đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất bên ngoài một số nhà văn hóa khá khang trang, sạch sẽ nhưng chưa phát huy hiệu quả công năng sử dụng. Các CLB văn hóa thể thao, CLB gia đình nhằm gắn kết cộng đồng tại một số xã vẫn chưa được thực hiện thường xuyên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải đánh giá cao tinh thần chỉ đạo, cách làm và hiệu quả đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở Can Lộc.
Tuy vậy, địa phương cần lưu ý tăng cường chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà văn hóa thôn; quan tâm đến chỉnh trang khuôn viên và đôn đốc hoàn thiện trang trí các thiết chế bên trong nhà văn hóa sau khi được tu sửa, cải tạo và xây mới nhằm đảm bảo tính tôn nghiêm; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ văn hóa từ huyện đến cơ sở; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện thiết chế văn hóa cơ sở…