Nhiều năm qua, do nguyên liệu trong nước khan hiếm, người dân làng nghề Hà Ân tìm đến vùng nguyên liệu dồi dào ở một số tỉnh nước bạn Lào để thu mua nguyên liệu.
Nguyên liệu đót thu hoạch từ Lào được chuyển về thôn Hà Ân.
Hiện nay, ngoài các gia đình trực tiếp sản xuất chổi, thôn Hà Ân có 20 hộ chuyên thu gom, phân phối nguyên liệu đót.
Đến nay, các hộ ở thôn Hà Ân đã đưa về được khoảng trên 1.000 tấn. Ngoài ra, một số lượng lớn đót nguyên liệu đã được thu mua đang chờ chuyển qua cửa khẩu. Ước tính cả vụ đót năm 2022 (từ tháng 12 đến hết tháng Giêng âm lịch), các hộ kinh doanh ở thôn Hà Ân thu được trên 2000 tấn.
Nhiều hộ thu mua, chuyển về địa phương số lượng đót lớn như: hộ ông Phan Văn Hùng gần 300 tấn, ông Lê Tiến Hoa gần 200 tấn, anh Lê Tiến Thương trên 120 tấn, ông Phan Văn Hiền 100 tấn...
Người lao động vận chuyển đót khô trong kho của ông Phan Văn Hùng.
Ông Phan Văn Hùng - một chủ hộ kinh doanh nguyên liệu đót ở thôn Hà Ân cho biết: “Tết Nguyên đán ai cũng muốn nghỉ ngơi nhưng nếu không thu mua, chuyển nguyên liệu về kịp thời thì ảnh hưởng đến việc sản xuất của cả năm. Do vậy, trước tết 1 tháng, chúng tôi vẫn thuê người sang Lào để thu gom đót chuyển về”.
Thu mua số lượng nguyên liệu đót lớn nên từ đầu tháng 12 âm lịch, ông Hùng đã thuê 15 công nhân sang Lào, kết nối với người bản địa bóc và phơi khô bông đót. Đến thời điểm này, gia đình ông Hùng đã chuyển về kho của mình hơn 100 tấn nguyên liệu, hiện còn khoảng 200 tấn đã thu mua sẽ được ông thuê xe chở về trong thời gian tới.
“Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, tôi thuê lái xe người Lào chở nguyên liệu về Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, sau đó sẽ đổi tài xế người Việt và khử khuẩn xe rồi mới đưa nguyên liệu về thôn Hà Ân” - ông Hùng cho biết thêm.
Sau khi chuyển từ Lào về, nguyên liệu đót được các hộ kinh doanh ở thôn Hà Ân xuất bán cho khách hàng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Số đót thu mua được, ngoài phân phối cho bà con làng nghề Hà Ân, các hộ kinh doanh còn phân phối ra thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước, phục vụ cho việc sản xuất chổi và các sản phẩm sử dụng nguyên liệu đót.
Ông Nguyễn Xuân Văn ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An) - một khách hàng mua nguyên liệu đót cho biết: “Làng nghề chúng tôi có khoảng 50 hộ sản xuất chổi đót. Trước đây, chúng tôi thường mua đót ở miền Tây Nghệ An nhưng nhiều năm qua, nguyên liệu ít dần, vì vậy, chúng tôi tìm đến thôn Hà Ân để mua. Nguyên liệu đót ở đây vừa dồi dào, chất lượng, giá cả cũng hợp lý”.
Ông Nguyễn Xuân Văn (xã Nghi Thái, Nghi Lộc, Nghệ An) thu mua 2 tấn nguyên liệu đót từ làng nghề Hà Ân về phục vụ sản xuất trong năm mới.
Nguyên liệu đót thu hoạch từ Lào được các tư thương ở thôn Hà Ân bán ra thị trường với 3 mức giá: loại 1 giá 34 triệu đồng/tấn, loại 2 giá 30 triệu đồng/tấn và loại 3 là 23-24 triệu đồng/tấn. So với năm 2021 giá nguyên liệu đót vẫn giữ ở mức ổn định.
Trong khi các chủ hộ kinh doanh rộn ràng thu hoạch, phân phối nguyên liệu thì các hộ sản xuất chổi đót ở thôn Hà Ân cũng tranh thủ tích trữ đót để phục vụ công việc làm chổi cho cả năm.
Dịp này, ông Lê Tiến Nươm (62 tuổi) - một người có thâm niên làm chổi 30 năm nay ở thôn Hà Ân cũng đã mua được 4 tấn nguyên liệu. Ông Nươm cho biết: “Trước đây, vợ chồng tôi thường tự đi lấy nguyên liệu về làm hoặc sau này thì mua của người dân các vùng lân cận. Có những thời điểm, nguyên liệu đót khan hiếm, giá vừa đắt mà chất lượng không cao khiến người làm chổi không còn mấy mặn mà. Thời gian gần đây, khi các tiểu thương tìm được mối thu mua đót từ Lào thì nguồn nguyên liệu rất dồi dào. Có được nguyên liệu tốt thì sản phẩm làm ra đẹp, tiêu thụ cũng dễ hơn. Từ chỗ sản xuất quy mô nhỏ nay tôi đã mở rộng hơn, nếu như trước đây mỗi năm tôi chỉ mua hơn 2 tấn nguyên liệu thì nay số lượng tăng gấp đôi”.
Nghề sản xuất chổi đót mang lại thu nhập ổn định cho người dân làng nghề thôn Hà Ân. Ảnh: Ông Lê Tiến Nươm đang thực hiện các công đoạn sản xuất chổi.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào được cung cấp ngay tại địa phương, ngay sau kỳ nghỉ tết, không khí mua bán, sản xuất ở thôn Hà Ân đã khá nhộn nhịp, tấp nập. Cùng với những lo toan, sửa soạn chăm sóc vụ mùa, người dân Hà Ân cũng đã bắt đầu mùa sản xuất chổi.
Làng nghề chổi đót thôn Hà Ân được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2016. Đó là động lực để người dân duy trì và phát triển nghề truyền thống.
Hiện nay, toàn xã có 125 hộ trực tiếp thu mua nguyên liệu và sản xuất chổi, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động với thu nhập bình quân trung bình 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trong các giai đoạn cao điểm, làng nghề còn giải quyết việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.