Rạng danh dòng họ Nguyễn ở làng Mật Thôn

(Baohatinh.vn) - Xưa kia, vùng Mật Thôn thuộc tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, đến triều Khải Định (1916-1925) thì chuyển về huyện Thiên Lộc. Mật Thôn nay là làng Mật Thiết, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), nổi tiếng có nhiều người học giỏi và đỗ đạt cao.

Rạng danh dòng họ Nguyễn ở làng Mật Thôn

Đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Mật Thôn xưa nằm trong vùng đất có phong thủy tốt, mặt nhìn sông, lưng tựa núi. Núi Cài (Sạc Sơn hay Phượng Sơn) soi bóng sông Linh, hợp với Hồng Lĩnh đằng Đông và Trà Sơn, Bột Sơn đằng Tây làm nên một vùng thổ tú tụ anh tài với nhiều bậc khoa danh nổi tiếng. Trong đó, Nguyễn Thiếp là một bậc hiền tài kiệt xuất của đất nước từng được Hoàng đế Quang Trung ban tước hiệu “La Sơn phu tử”.

Ở nước ta, cùng với Tuyết Giang Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đại danh sư Chu Văn An, ông là một trong ba người được suy tôn bậc Phu tử như thế (tạm dịch là thầy của mọi nhà).

Viễn tổ họ Nguyễn làng Mật Thôn xa xưa là cụ Nguyễn Lưu, vốn người làng Tiền, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1476) thi đậu về khoa võ, được nhậm chức Võ lâm quân Chỉ huy sứ. Ông theo vua Lê và có công lớn dẹp giặc trên núi Thần Đầu (huyện Kỳ Anh) lúc bấy giờ.

Vào niên hiệu Lê Cảnh Thống, ông giúp vua dẹp nạn voi trắng phá hại ở dãy núi Trà Sơn, được vua ban tặng tước Quận công. Lúc khải hoàn đưa quân về đóng tại làng Nguyễn Xá, ông gặp gỡ và kết duyên với người con gái nhan sắc họ Võ và định cư tại đây. Từ đó mà sản sinh ra dòng họ Nguyễn Mật Thôn, đến nay đã có 22 đời và trải qua lịch sử trên 500 năm.

Họ Nguyễn ở Mật Thôn có truyền thống khoa danh nổi trội nhất trong vùng với 2 người đỗ đại khoa, hai người đỗ hương cống, trên 40 người đỗ sinh đồ và tú tài qua các kỳ thi. Cháu đích tôn của Lưu quận công là Nguyễn Bật Lãng đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa thi Đinh Sửu (1577) làm đến chức Thái thường tự khanh. Nguyễn Hành (chú ruột Nguyễn Thiếp) đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi Quý Sửu triều Lê (1733), giữ chức Đông các hiệu thư, Thái Nguyên tỉnh hiến sát sứ.

Rạng danh dòng họ Nguyễn ở làng Mật Thôn

Gia phả họ Nguyễn ở làng Mật Thôn, xã Kim Song Trường.

Danh nhân Nguyễn Thiếp (1723-1803), hậu duệ đời thứ 10, đậu Hương giải kỳ thi năm Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê (1743) là nhân vật lịch sử kiệt xuất thời cuối Lê đầu Nguyễn, nổi tiếng là một danh sĩ tài cao đức trọng.

Ông là nhà cải cách giáo dục với chủ trương lấy chữ Nôm làm quốc ngữ, từng giữ chức Viện trưởng Viện Sùng chính quốc gia, coi sóc việc biên dịch và phổ biến kinh sách. Ông đã phò giúp Hoàng đế Quang Trung binh kế đại phá 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh và được nhà Tây Sơn ủy thác việc khởi dựng Phượng Hoàng trung đô tại Nghệ An. La Sơn phu tử từng tấu trình vua Quang Trung phép trị quốc với 3 kế sách lớn về Quân đức, Nhân tâm và Học pháp. Ông được vua Quang Trung tôn trọng và ban mỹ hiệu La Sơn phu tử để ghi nhớ công lao.

Ông để lại tập “Hạnh Am thi cảo” với trên 100 bài thơ nặng lòng với thế cuộc và thấm đượm tình yêu quê hương xứ sở. Chính La Sơn phu tử là người đích thân bái soạn cuốn “Mật Thôn Nguyễn tộc gia phả”. Về sau được con cháu tục biên, trở thành tư liệu quý để Giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết nên cuốn sách “La Sơn phu tử” nổi tiếng về một nhân vật lịch sử. Nhiều tư liệu quý liên quan đến họ Nguyễn ở Mật Thôn và mối thâm giao giữa La Sơn phu tử với Hoàng đế Quang Trung như sắc phong, thư từ... cũng được con cháu dòng họ cất giữ cẩn thận, khá trọn vẹn và hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội.

Rạng danh dòng họ Nguyễn ở làng Mật Thôn

“Mật Thôn Nguyễn tộc gia phả” do Nguyễn Thiếp viết, về sau được con cháu tục biên, trở thành tư liệu quý để Giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết nên cuốn sách “La Sơn phu tử”. Ảnh Internet

Không chỉ nổi tiếng nhiều đời giàu có, nhiều người học giỏi và đỗ đạt cao, các thế hệ con cháu họ Nguyễn Mật Thôn có truyền thống gìn giữ nếp gia phong, coi trọng đạo lý, từ tâm và nhân hậu, yêu nước, thương nòi. Hiện tại, nhà thờ họ còn lưu giữ văn bia ca ngợi công đức của bà Hầu cụ, thân mẫu La Sơn phu tử, người đã đem hàng chục mẫu ruộng hiến tặng các làng trong tổng Lai Thạch để làm quỹ giúp đỡ người nghèo khó.

Bà còn bỏ công của, vận động dân làng đắp đê, trồng lũy phòng hộ xóm làng, tiếng thơm nhiều đời vẫn còn lưu. Ngày nay, các thế hệ nội ngoại tôn của họ Nguyễn Mật Thôn noi gương các bậc tiền nhân, nhiều người thành đạt, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước, xứng danh con cháu dòng cự tộc đất Hồng Lam.

Nhiều di tích như nhà thờ và mộ Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng, Tiến sĩ Nguyễn Hành, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở làng Mật Thiết (xã Kim Song Trường), đền thờ và mộ La Sơn phu tử thành Lục niên (trên núi Thiên Nhẫn, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An) được Nhà nước, ngành văn hóa, các địa phương, dòng họ và con cháu bảo vệ, tôn tạo khang trang, thành kính phụng thờ, trở thành những địa chỉ văn hóa danh tiếng, có ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt đẹp.

Tài liệu tham khảo:

- La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp; Hoàng Xuân Hãn, ấn bản đầu tiên, Nxb Minh Tân, Paris, 1952.

- Gia phả họ Nguyễn Mật Thôn (bản chép tay).

- La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - Thái Kim Đỉnh in chung trong cuốn Thiên Lộc - Can Lộc rạng rỡ một vùng địa linh nhân kiệt; Nxb Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; 2005.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.