Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá “đe dọa" năng suất lúa hè thu

(Baohatinh.vn) - Thời tiết vào thu, nắng mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển và gây hại trên lúa hè thu, nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá… Ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, phát hiện các ổ dịch để phòng trừ kịp thời.

Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá “đe dọa năng suất lúa hè thu

Chị Trần Thị Tám (thôn Dư Nại, Xuân Lộc, Can Lộc) phun phòng trừ rầy nâu cho trà lúa muộn.

Nguy cơ rầy nâu, rầy lưng trắng gia tăng

Hiện nay, lúa hè thu toàn tỉnh đã cơ bản trổ xong, bước vào giai đoạn chắc xanh đến chín sáp (dự kiến khoảng 15 ngày nữa sẽ đồng loạt bước vào thu hoạch). Nhìn chung, các trà lúa đang sinh trưởng tương đối thuận lợi.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, qua theo dõi trên đồng ruộng, rầy nâu, rầy lưng trắng đợt mới đã xuất hiện với mật độ trung bình 300 - 500 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2, rầy tuổi 2, tuổi 3, tuổi 4, tuổi 5. Khu vực tập trung chủ yếu ở các huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn…

Qua theo dõi, gia đình chị Trần Thị Tám ở thôn Dư Nại (xã Xuân Lộc, Can Lộc) có 3 sào lúa đã bắt đầu xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng. Chị Tám cho biết: “Sau khi phát hiện ổ dịch, gia đình đã chủ động phun trừ kịp thời để hạn chế thiệt hại đối với năng suất lúa của gia đình. Tuy nhiên, rầy phát sinh vào cuối vụ là điều rất đáng lo ngại vì nếu nhiễm nặng, lúa sẽ ảnh hưởng nặng nề đến năng suất”.

Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá “đe dọa năng suất lúa hè thu

Rầy nâu, rầy lưng trắng đợt mới đã xuất hiện với mật độ trung bình 300 - 500 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2.

Theo ông Phan Cao Kỳ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc, vào giai đoạn sinh trưởng cuối cùng của lúa hè thu, huyện đã tập trung cao cho công tác điều tra phát hiện, dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh, phòng trừ sớm để không phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng, nếu chủ quan, không kịp thời xử lý những ổ nhỏ, lúc rầy tuổi 1, tuổi 2 thì rất dễ lây lan trên diện rộng, thậm chí xảy ra hiện tượng “cháy rầy”, thiệt hại về năng suất là rất lớn.

Tuy nhiên, hiện nay, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng xen kẽ, sáng sớm có sương mù, độ ẩm tăng lên, rầy sẽ nhân nhanh về số lượng trong một thời gian ngắn. Cùng đó, trên địa bàn còn một số diện tích lúa thuộc trà muộn, đang bước vào giai đoạn trổ bông, việc “lệch” trà sinh trưởng cũng gây ra những nguy cơ phát sinh và bùng phát dịch bệnh. Huyện Can Lộc đang yêu cầu các địa phương thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi lứa rầy chuyển tiếp để chủ động phòng trừ, bảo vệ năng suất cuối vụ.

Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá “đe dọa năng suất lúa hè thu

Đến nay, diện tích lúa hè thu toàn tỉnh đã cơ bản trổ đòng, bước vào giai đoạn chắc xanh đến chín sáp.

Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Theo điều tra của ngành chuyên môn, khoảng 7 - 10 ngày tới sẽ xuất hiện lứa rầy mới, gây hại trên đồng ruộng, đặc biệt là đối với các diện tích lúa trổ muộn. Hiện, toàn tỉnh còn khoảng hơn 4.000 ha lúa bắt đầu vào giai đoạn trổ bông, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng để khoanh vùng, phòng trừ theo từng diện hẹp. Đối với những diện tích lúa mới trổ xong - chín sáp (10 - 20 ngày nữa cho thu hoạch) khuyến cáo phòng trừ những diện tích có mật độ cao (750 - 1.500 con/m2). Đối với những ruộng lúa chín sáp - chín hoàn toàn (còn khoảng 5 - 7 ngày cho thu hoạch) nhiễm rầy mật độ cao, khuyến cáo nông dân thu hoạch sớm để hạn chế thiệt hại.

Đề phòng bệnh bạc lá tấn công

Chưa hết lo về sự phát sinh của rầy nâu, rầy lưng trắng, tại huyện Đức Thọ, một số vùng lúa của xã Lâm Trung Thủy, Thanh Bình Thịnh đã bắt đầu xuất hiện rải rác các ổ bệnh bạc lá gây hại. Trước tình hình này, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ đã cử cán bộ trực tiếp xuống đồng để theo dõi, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ phù hợp.

Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá “đe dọa năng suất lúa hè thu

Bệnh bạc lá thường gây hại bộ lá và lá đòng trong giai đoạn đòng - trổ - chín nhất là trong điều kiện xuất hiện các đợt mưa kèm theo gió lớn.

Ông Lê Xuân Thọ - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ cho biết: “Đối với số diện tích gieo cấy sau đang vào đợt trổ bông, trung tâm đã khuyến cáo bà con bám đồng, “bắt bệnh” sớm nhất có thể, nhất là các vùng lúa có màu lá xanh đậm hơn (do thừa đạm), gần bờ, chỗ trũng, vùng lúa bị bệnh bạc lá từ vụ trước để phun thuốc phòng trừ”.

Ngoài huyện Đức Thọ, bệnh bạc lá cũng đã phát sinh gây hại ở huyện Cẩm Xuyên, TX Hồng Lĩnh... với tỷ lệ 5 - 7% Các giống bị nhiễm bệnh phổ biến là: Nếp 98, Nếp 87, Khang dân 18...

Bệnh này thường gây hại bộ lá và lá đòng trong giai đoạn đòng - trổ - chín, có thể làm giảm năng suất từ 25 - 50% nếu nhiễm nặng. Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục phát sinh và có xu hướng lây lan, đặc biệt là khi thời tiết xuất hiện các đợt mưa kèm theo gió lớn, trên các chân đất lầy thụt, diện tích bón phân không cân đối (bón thừa đạm).

Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá “đe dọa năng suất lúa hè thu

Bà con nông dân cần bám đồng để theo dõi diễn tiến dịch bệnh trong thời điểm này.

Chỉ khoảng 1 tuần lễ nữa, những trà lúa hè thu đầu tiên ở Hà Tĩnh có thể cho thu hoạch. Đây được xem là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định thắng lợi của vụ lúa nhiều khó khăn. Theo ngành chuyên môn, bà con nông dân cần bám sát đồng ruộng, chủ động điều tra, phát hiện diện tích đã nhiễm bệnh hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh cao để khoanh vùng, xử lý trong diện hẹp, hạn chế thấp nhất khả năng lây lan của dịch bệnh. Cùng đó, cần phun đúng, phun đủ các loại thuốc BVTV theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT; có thể phun lại lần hai sau 5 - 7 ngày nếu bệnh vẫn tiếp tục phát sinh.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.