Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh hiện nằm trong khuôn viên khu sinh thái Green (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh).
Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 68/NQ-HKHVN, ngày 12/3/2013 của Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam. Từ ban đầu chỉ có 16 hội viên, đến nay (năm 2022) đã có 65 hội viên là những nhà nghiên cứu, người yêu Truyện Kiều tham gia.
Sau 9 năm thành lập, văn phòng đã phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều trên địa bàn. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2017-2022, văn phòng đã phối hợp hoặc đứng ra tổ chức trên 20 sự kiện, hoạt động tiêu biểu như: hội thảo “Nguyễn Du - Puskin, tương đồng và khác biệt”, tọa đàm khoa học “Xây dựng lễ hội về Đại thi hào Nguyễn Du, những vấn đề cần bàn”, hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều”, các cuộc thi: Thi viết văn tế Nguyễn Du, “Bạn đọc thuộc Kiều”…
Một trong những chương trình tọa đàm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều do Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh phối hợp tổ chức.
Trong đó, văn phòng trở thành cầu nối quan trọng giữa Hội Kiều học Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh, cùng các cấp, ngành liên quan tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 250 năm sinh (2015) và 255 năm sinh, 200 năm mất Đại thi hào Nguyễn Du (2020).
Cùng với các hoạt động mang tính nghiên cứu, học tập, văn phòng còn góp phần lan tỏa các giá trị di sản qua việc quảng bá, tạo sân chơi giao lưu, biểu diễn nghệ thuật dân gian về Truyện Kiều thu hút đông đảo khán giả quan tâm theo dõi. Tiêu biểu như: Trong năm 2021 và 2022, phối hợp với Quỹ Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều, Đài PTTH tỉnh tổ chức sản xuất chương trình truyền hình “Nguyễn Du và Truyện Kiều” phát sóng gần 50 số;
Tổ chức chương trình “Thơ Kiều qua các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh”; hỗ trợ đơn vị sản xuất phim “Kiều” do đạo diễn Mai Thu Huyền dẫn đoàn, quảng bá phim tại Hà Tĩnh. Dịp này, văn phòng đã mua vé mời toàn thể hội viên Hội Kiều học Hà Tĩnh, các lãnh đạo tỉnh, các nhà văn hóa xem công chiếu phim “Kiều”.
Đại diện Văn phòng Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh cùng lãnh đạo huyện Nghi Xuân chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn phim “Kiều” nhân dịp ra mắt bộ phim vào tháng 6/2021.
Những hoạt động của Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh đã thực sự tạo nên sự lan tỏa các giá trị di sản Truyện Kiều và Nguyễn Du đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời là diễn đàn, sân chơi để các hội viên là nhà nghiên cứu, nghệ nhân và những người yêu thích Truyện Kiều tham gia sinh hoạt, biểu diễn…
Bà Bùi Thị Lan (SN 1952, hội viên Hội Kiều học ở TP Hà Tĩnh) bày tỏ: “Là một cựu giáo chức yêu thích Truyện Kiều, khi tham gia sinh hoạt ở Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh, tôi đã có cơ hội được thể hiện tình yêu của mình trong việc giao lưu, học tập, nghiên cứu và lan tỏa Truyện Kiều đến đông đảo người dân, nhất là các bạn trẻ”.
Được biết, bà Bùi Thị Lan là nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, năm 2020 là một trong 3 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” do Hội Kiều học và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức. Sau cuộc thi, bà đã được nhiều trường học trong tỉnh mời đến nói chuyện về Truyện Kiều cho các em học sinh.
Sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh giao lưu cùng đoàn làm phim “Kiều” tại chương trình do Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh tổ chức.
Không chỉ mang lại sân chơi cho các hội viên, những hoạt động của Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh cũng khiến nhiều nghệ nhân dân gian đang tham gia bảo tồn, phát huy truyện Kiều trong, ngoài tỉnh biết đến và hưởng ứng.
Đặc biệt, trong tháng 8/2022 vừa qua, chương trình “Thơ Kiều qua các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh” đã quy tụ nhiều nghệ nhân trong tỉnh và các tỉnh, thành như: Nghệ An, TP Hồ Chí Minh… tham gia diễn hát thơ Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều…
CLB Trò Kiều Xuân Liên (Nghi Xuân) biểu diễn tại chương trình “Thơ Kiều qua các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh”
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Chương trình thực sự là một đêm diễn ấn tượng, kho báu di sản Truyện Kiều và Đại thi hào Nguyễn Du đã và đang được các nghệ nhân, Nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống hiện đại”.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh biểu diễn tại chương trình “Thơ Kiều qua các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh”.
Hoạt động lan tỏa các giá trị di sản của Truyện Kiều và Nguyễn Du thời gian qua của Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh không chỉ được chính quyền ghi nhận mà còn được người dân ủng hộ.
Trong dịp đầu năm 2022 vừa qua, Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh đã phối hợp với Quỹ Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều chuyển văn phòng về Khu du lịch sinh thái Green (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) theo lời mời cho thuê miễn phí dài hạn của chủ khu sinh thái. Với diện tích khuôn viên trên 1.000m2, văn phòng rộng 120m2, khu sinh hoạt hội trường 200m2 tạo thuận lợi để tổ chức các hoạt động, sự kiện, sinh hoạt văn hóa về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Kiều học Hà Tĩnh sẽ tập trung vào việc phát triển hội viên, tích cực vận động nguồn tài chính để tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên đề, phối hợp với Quỹ Nguyễn Du và ngành giáo dục tổ chức các hoạt động ngoại khóa về Nguyễn Du và Truyện Kiều trong trường học.