Sáng nay, Việt Nam thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 giai đoạn 2

Hôm nay - 26/2, Việt Nam sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax trên người giai đoạn 2 ở Hà Nội và Long An. Với sự kiện này, Việt Nam đang tiến một bước trong hành trình cho ra lò các lô vắc xin ngừa COVID-19 "Made in Viet Nam" trong ngày gần nhất...

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học - công nghệ (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin cho biết để chuẩn bị cho đợt thử nghiệm quan trọng này, trước đó các tình nguyện viên đã được sàng lọc kỹ lưỡng.

Cụ thể sẽ có 560 tình nguyện viên (tuổi 18-65) tham gia tiêm thử nghiệm ở Học viện Quân y (Hà Nội) và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (tỉnh Long An).

Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã thông qua việc tuyển chọn tình nguyện viên giai đoạn 2 trên 65 tuổi, một số người có bệnh nền không quá nặng như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường...

Sáng nay, Việt Nam thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 giai đoạn 2

Chuẩn bị tiêm vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax do Việt Nam nghiên cứu, phát triển cho người tình nguyện tại Học viện Quân y

Ở đợt thử nghiệm giai đoạn 2, theo TS Quang, có sự khác biệt so với giai đoạn 1 là có 4 nhóm thử nghiệm. Trong đó 3 nhóm sử dụng vắc xin, còn 1 nhóm sử dụng giả dược.

Điều này hoàn toàn ngẫu nhiên, bản thân người nghiên cứu, nhân viên y tế và tình nguyện viên đều không biết để có sự khách quan. Mục đích của việc làm này là để đánh giá với từng đối tượng thì tỉ lệ sinh miễn dịch ra sao. Do đó giai đoạn 2 vô cùng quan trọng.

Đúng theo tiến độ, vào cuối tháng 3/2021 sẽ tiêm mũi vắc xin thứ 2. Đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn và đặc biệt, tính sinh miễn dịch, sẽ chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5/2021.

Tại cuộc họp mới đây về tình hình, tiến độ sản xuất vắc xin trong nước diễn ra ở Trụ sở Chính phủ, TS Nguyễn Ngô Quang cho hay: Với kết quả nghiên cứu ở cả 3 mức liều tiêm, văc xin ngừa COVID-19 Nano Covax an toàn, sinh miễn dịch tốt, không có biến cố bất lợi. Biểu hiện như sưng nóng, đỏ đau tại vết tiêm đều nằm trong dự đoán; đều tự khỏi, không cần can thiệp thuốc hoặc các biện pháp y tế khác.

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y (Bộ Quốc phòng)- đơn vị thực hiện tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 Nano Covax trên 60 người tình nguyện giai đoạn 1 thông tin thêm: Đối với vắc xin Nano Covax, 60 tình nguyện viên an toàn, không có biến cố nặng. Hiệu quả kháng thể tăng gấp 4 lần, đáp ứng 90% khả năng trung hòa của kháng thể với virus.

Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia cũng đã xem xét kỹ hồ sơ, kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 để rút lại liều tối ưu bởi giai đoạn này đang đề xuất 3 mức liều Tuy nhiên, các dữ liệu hiện nay chưa có sự khác biệt giữa 3 mức liều, do vậy, Hội đồng nhất trí, giai đoạn 2 vẫn triển khai 3 mức liều như giai đoạn 1 để đảm bảo tính khoa học cũng như không mất liều tối ưu; đồng thời sẽ cộng thêm một nhóm “placebo” (nhóm người không tiêm vắc xin) để làm kết quả đối chứng, đánh giá hiệu quả, phân tích khoa học của vắc xin.

Theo đó, hai nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Quân y cam kết, từ nay đến cuối tháng 4/2021 sẽ hoàn thiện toàn bộ nghiên cứu giai đoạn 2 để đến đầu tháng 5/2021, có dữ liệu nghiên cứu, làm cơ sở cho Hội đồng xem xét, có thể chuyển sang giai đoạn 3.

Sau khi thực hiện giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá các chỉ số miễn dịch kỹ hơn đối với miễn dịch dịch thể (kháng thể) mà đánh giá miễn dịch tế bào để kiểm tra khả năng đáp ứng của vắc xin.

Giai đoạn 3 giữ nguyên nguyên tắc, tuân thủ theo đúng các quy định, với cỡ mẫu khoảng từ 10.000 đến 15.000 đối tượng tham gia nghiên cứu, có thể mở rộng việc lựa chọn các đối tượng tham gia để đảm bảo tính phổ rộng cũng như những vấn đề liên quan đến tính khoa học.

Với tiến độ triển khai như hiện nay, ông Nguyễn Ngô Quang hy vọng, Việt Nam sẽ mất khoảng 4-5 tháng để kết thúc giai đoạn 3.

Sáng nay, Việt Nam thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 giai đoạn 2

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam cho người tình nguyện thử nghiệm tại Học viện Quân y

Như vậy, so với kế hoạch ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị, triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.

Cùng với đó, tiến độ sản xuất vắc xin COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), Bộ Y tế và vắc xin của Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang tiến hành theo đúng kế hoạch, chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Theo Thái Bình/SK&ĐS

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.