Sáp nhập các trạm, nâng cao chất lượng cấp nước cho người dân miền núi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau khi sáp nhập, 2 trạm cấp nước ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) tăng từ 950 khách hàng lên 1.100, đội ngũ lao động giảm từ 21 người xuống còn 13, thu nhập tăng...

Công nhân vận hành hệ thống cấp nước tại Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn.

Năm 2015 trở về trước, 2 trạm cấp nước Tây Sơn và Cầu Treo là những đơn vị sự nghiệp trực thuộc sự quản lý điều hành của Khu kinh tế Cầu Treo.

Ngày 24/3/2015, sau khi Ban Quản lý Khu kinh tế Cầu Treo sáp nhập vào Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng thành Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh theo Quyết định số 381/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trạm Cấp nước Tây Sơn và Trạm Cấp nước Cầu Treo nằm dưới sự quản lý điều hành của Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh (đứng chân tại TX Xỳ Anh).

Hoạt động tại Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn ngày càng hiệu quả.

Xa đơn vị chủ quản hơn 150 km khiến việc điều hành, quản lý, giám sát mọi hoạt động ở 2 đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tư tưởng “được chăng hay chớ” theo mô hình đơn vị sự nghiệp, tỷ lệ lao động gián tiếp quá nhiều cũng là rào cản rất lớn khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả.

Hệ thống khử trùng vừa được nhập khẩu từ nước ngoài về nên chất lượng nước ở Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn ngày càng được đảm bảo.

Ngày 14/11/2017, UBND tỉnh ra Quyết định số 3344 “Về việc giải thể và chuyển giao Trung tâm Cấp nước thuộc Khu kinh tế Hà Tĩnh cho Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh”. Quyết định này mang tính đột phá trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động hành chính sự nghiệp sang hạch toán kinh doanh, “lời ăn lỗ chịu”.

Sau khi tiếp nhận thành viên mới, ngày 19/7/2018, Hội đồng quản trị Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh ra Quyết định số 145 QĐ/HĐQT, sáp nhập 2 đơn vị cấp nước Tây Sơn, Cầu Treo về Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn.

Được trở về “mái nhà chung” Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh, các trạm cấp nước Tây Sơn và Cầu Treo (Hương Sơn) đã thực sự “lột xác”. Hiệu quả hoạt động của các đơn vị không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn đảm bảo nguồn nước - tài nguyên quan trọng cho người dân khai thác, sử dụng.

Trở về “đúng tuyến”, bước đầu, 2 trạm đã có sự đổi thay đáng kể. Theo đó, hàng chục điểm đấu nối (“điểm đen” thất thoát nước) tại các đường ống cấp 1, cấp 2 rò rỉ ở huyện miền núi Hương Sơn đã được đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty kịp thời khắc phục.

Nhân viên kỹ thuật kiểm tra chất lượng nước tại phòng thí nghiệm.

Cùng với đó, hơn 700 đồng hồ nước kém chất lượng được thay thế bằng những đồng hồ mới hiện đại hơn; được chuyển dịch ra ngoài hàng rào để vừa tiện theo dõi mức tiêu thụ lại dễ phát hiện những trường hợp “ăn cắp” nước.

Đặc biệt là công ty còn đầu tư hệ thống máy “nội soi” đường ống trị giá 70 triệu đồng để phát hiện những điểm tắc nghẽn, rò rỉ… Nhờ vậy, tỷ lệ thất thoát nước giảm từ hơn 30% xuống còn 24%.

Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn Trần Quốc Tuyết khẳng định: “Từ khi sáp nhập về Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn, 2 trạm tăng từ 950 khách hàng lên 1.100 khách hàng. Đáng nói hơn là đội ngũ lao động giảm từ 21 người xuống còn 13 người, trong khi thu nhập bình quân người lao động lại tăng từ 5,5 triệu đồng lên 6,5 triệu đồng/người/tháng”.

Công nhân vận hành hệ thống cấp nước tại thị trấn Tây Sơn.

Thêm các thành viên mới, đến nay, Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn có 24 thành viên, đảm nhận cấp nước cho hơn 3.000 khách hàng với sản lượng tiêu thụ hằng năm lên đến 200.000 m3 nước.

Cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị của công ty, Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn đặt mục tiêu phấn đấu nâng số lượng lên 3.300 khách hàng trong năm nay; đồng thời, tăng thu nhập bình quân người lao động lên 7 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, quyết định đưa 2 thành viên cấp nước “trái tuyến” về đúng vị trí đã đảm bảo cả về “chất” và “lượng”, mang lại hiệu quả kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp mà còn đảm bảo nguồn nước cho người dân khai thác và sử dụng.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói