Sạt lở ở hạ tràn hồ Kẻ Gỗ cuốn trôi nhiều diện tích keo của người dân thôn Mỹ Sơn, xã Cẩm Mỹ
Gần tháng nay, hồ Kẻ Gỗ phải xả tràn nhiều đợt để điều tiết hồ chứa do ảnh hưởng của mưa bão. Liên tiếp xả tràn với lưu lượng lớn nên khu vực hạ tràn thuộc thôn Mỹ Sơn và thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, đợt xả tràn từ ngày 18 – 21/10 có thời điểm lên đến 1.050 m3/s.
Người dân thu hoạch keo ở khu vực hạ tràn bị sạt lở để vợt vát thiệt hại
Theo quan sát của phóng viên, đoạn sạt lở kéo dài hàng trăm mét từ khu đất trồng keo của người dân đến điểm cuối hạ tràn. Sạt lở đã cuốn trôi nhiều diện tích keo của người dân thôn Mỹ Sơn, xã Cẩm Mỹ. Hiện nay, người dân đang tiến hành thu hoạch keo tại khu vực này để vớt vát thiệt hại về kinh tế.
Khu vực hạ tràn sạt lở hàng trăm mét
Chỉ tay về phần hạ tràn gần kè chống sạt lở vừa bị mưa lũ “xóa sổ”, ông Nguyễn Đình Phú – Trưởng Ban CHQS xã Cẩm Mỹ cho biết: “Nước lũ mạnh đã cuốn trôi một khối lượng đất đá và cây cối, tạo thành 2 dòng chảy ở cuối hạ tràn. Trước đây, dòng chảy cũ có độ võng để tránh nước đổ trực tiếp lên kè chống sạt lở ở thôn Mỹ Yên. Tuy nhiên, sau sạt lở chia đôi dòng chảy thì nước từ hồ Kẻ Gỗ đổ về xói trực tiếp lên bờ kè. Người dân sống xung quanh đang hết sức lo lắng và bất an”.
Cuối dòng chảy ở hạ tràn, sạt lở cuốn mất một phần đất và cây, tạo nên một dòng chảy mới uy hiếp kè chống sạt lở ở thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ
Ngoài vùng hạ tràn Kẻ Gỗ bị sạt lở nghiêm trọng, sau mưa lũ, trên địa bàn xã Cẩm Mỹ còn xuất hiện nhiều điểm sạt lở đe dọa sự an toàn của người dân.
Chính quyền địa phương xử lý sạt lở chia cắt đường vào đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong đợt mưa lũ từ 18 - 21/10
Kể lại sự việc sạt lở đất trên đường vào đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, anh Lưu Như Phương – thành viên Ban Quản lý đền vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc.
Đêm 18/10, khi đang ngủ ở điểm trông coi đền thờ, anh Phương nghe tiếng nổ lớn. Sáng ra, anh phát hiện một khối lượng lớn đất đá đổ từ trên núi xuống vùi lấp con đường dẫn vào đền. Phải mất 4 ngày sau, khi mưa lũ rút, chính quyền địa phương huy động máy móc xử lý khối đất đá trên thì đường mới được thông.
Đoạn sạt lở đã được xử lý nhưng những đợt mưa sau, đất đá lại tiếp tục trôi xuống
“Hiện nay, cứ có mưa lớn trên địa bàn là địa phương thực hiện cấm người và phương tiện qua lại đây. Theo quan sát, vách núi vào đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở. Ở điểm sạt cũ hiện có những vết nứt dài chừng 50 m, rộng khoảng 50 cm. Chỉ cần mưa lớn trong nhiều ngày là khối đất đá trên núi có thể đổ sập xuống lúc nào không hay” - Trưởng Ban CHQS xã Cẩm Mỹ Nguyễn Đình Phú cho hay.
Vết nứt dài ở vách núi đường vào đền thờ Lê Duẩn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở
Ngoài những điểm sạt lở lớn, đe dọa công trình dân sinh như: vùng hạ tràn Kẻ Gỗ ở thôn Mỹ Sơn, đường vào đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thì một số điểm sạt lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Tại khu vực núi Động Hường, thôn Mỹ Đông, xã Cẩm Mỹ, tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở 5 hộ dân với diện tích bị ảnh hưởng hơn 200 m2.
Vách núi Động Hường xuất hiện nhiều lỗ rỗng, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục sạt lở
Nhà nằm sát vách núi vừa bị sạt lở, ông Lê Đình Cẩm (thôn Mỹ Đông, xã Cẩm Mỹ) cho biết: “Sạt lở đã vùi lấp một số cây ăn quả của gia đình. Hiện nay, vách núi này có rất nhiều lỗ rỗng, khi mưa lớn là nước từ các lỗ này chảy ra giống như cống ngầm. Như vậy là bên trong Động Hường đã có nhiều đoạn bị nứt thì mới tạo thành những lỗ hổng như vậy. Chúng tôi đang rất lo lắng sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở nếu như có mưa lớn trong những ngày tới”.
Nhiều nhà dân bị “uy hiếp” ngay bên rú Động Hường
Trước tình trạng sạt lở núi diễn ra trên địa bàn, UBND xã Cẩm Mỹ đã tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê các điểm sạt lở trên địa bàn.
“Sau các đợt mưa lũ lớn xảy ra thời gian qua, trên địa bàn xã xuất hiện 7 địa điểm sạt lở. Một số điểm sạt lở đất lớn, nằm ngoài tầm kiểm soát của địa phương. Chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện để có phương án chỉ đạo, nhất là giải pháp đảm bảo an toàn cho Nhân dân” – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Mỹ Lê Quang Nghĩa nhấn mạnh.