Sâu keo mùa thu tái xuất ở Hương Khê với mức độ gây hại lớn hơn lứa cũ
Từ đầu vụ đến nay, bà Phan Thị Lam (thôn 8, xã Hà Linh, Hương Khê) mới chỉ gieo trỉa được 6 sào ngô nếp. Gần 1 tháng, đồng ngô của gia đình đã phải phun hai đợt sâu keo mùa thu, thậm chí lứa sâu mới này còn gây hại mạnh hơn đợt trước.
“Cây bắt đầu lên được 3 - 4 lá đã bị sâu keo mùa thu phá hại rồi. Chúng ăn trụi hết lá non, có cây chỉ còn trơ mỗi gốc. Đợt trước phun, sâu chết gần hết nhưng mấy ngày nay lại xuất hiện. Tôi đã phun đợt hai rồi nhưng không biết có hiệu quả không”, bà Lam cho biết.
Đồng ngô gần như không còn khóm lá nào nguyên vẹn. Chúng cắn phá còi cọc hết toàn bộ mấy sào ngô vừa mới bắt đầu vào kỳ sinh trưởng đầu tiên. Bà Lam vừa làm cỏ, vừa vạch cho chúng tôi xem, những ổ sâu nằm sâu trong nõn, gồm cả sâu non, sâu trưởng thành và trứng.
Bà Lam phải tranh thủ làm sạch cỏ để “cắt” chỗ lưu trú của sâu
Ở cánh đồng này, không ít gia đình cũng đang rơi vào cảnh đau đầu vì sâu keo mùa thu như bà Lam.
Ông Nguyễn Đình Thuận cho hay: “Sâu gối lứa, xen lứa nên gần như không hết sạch được trên đồng ruộng. Chúng tôi phun thuốc diệt trứng nhưng với loài sâu này thì chúng gối liên tục, có khi vừa phun hôm trước, hôm sau ra đã xuất hiện ổ trứng mới”.
Chỉ mới bắt đầu xuất hiện ở vụ đông 2019, sâu keo mùa thu đã gây hại trên cây ngô ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Điều đáng nói, sức lây lan của loài sâu này rất nhanh và độ tàn phá mạnh, ở cả cây non và cây trưởng thành, cả vùng ngô tập trung và phân tán vườn hộ.
Dù đã phun thuốc phòng trừ nhưng ổ sâu vẫn xuất hiện
Theo ghi nhận của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh, sâu keo mùa thu tập trung gây hại mạnh nhất trên các trà ngô ở một số xã của huyện Hương Sơn; Hà Linh, Phú Gia (Hương Khê); Đức Lập, Đức Dũng, Đức Lạng (Đức Thọ)... Mật độ trung bình 3-5 con/m2, nơi cao 7-10con/m2, sâu có sự xen gối lứa.
Thậm chí, sâu cũng đã xuất hiện ở những vùng “không chuyên” ngô như: Cẩm Mỹ, thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Trung (Cẩm Xuyên).
Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Diện tích sản xuất ngô của Cẩm Xuyên nhỏ, sâu chỉ mới xuất hiện rải rác ở một số vườn hộ. Tuy nhiên, đây là đối tượng dịch hại mới nên phòng chuyên môn cũng khuyến cáo người dân theo dõi và phun thuốc xử lý kịp thời để tránh những thiệt hại có thể gây ra”.
Trên cùng một đồng ngô, có cả sâu trưởng thành, sâu non và ổ trứng
Hiện nay, ngô đông chủ yếu đang ở giai đoạn ngô non, là giai đoạn mẫn cảm nhất với sâu keo mùa thu. Cơ quan Bảo vệ thực vật khuyến cáo, do chưa tìm ra loại thuốc đặc trị sâu keo mùa thu nên người dân phải thường xuyên thăm đồng, tiến hành bắt sâu trưởng thành và ngắt ổ trứng. Cùng đó, tiến hành làm sạch cỏ dại xung quanh để hạn chế nơi sâu non trú ẩn; làm đất, phơi đất, diệt nhộng trong đất…
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Chu kỳ của sâu keo mùa thu khoảng 25 - 30 ngày, đáng nói là mỗi lần phun phòng trừ thì hiệu quả cũng chỉ đạt 80% - 90%. Vì thế, hiện tượng gối lứa, “tái xuất” trở lại là điều khó tránh khỏi ở những vùng đã nhiễm.
Bên cạnh phòng trừ tại ruộng thì các địa phương cần nâng cao tính dự tính, dự báo; theo dõi, đánh giá tính kháng, sức chống chịu sâu keo mùa thu của các giống ngô gieo trồng trên địa bàn để đề xuất đưa vào cơ cấu thay thế các giống nhiễm nặng sâu keo mùa thu”.