Sôi nổi ra quân dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất

(Baohatinh.vn) - Trước thềm vụ xuân 2025, các địa phương ở Hà Tĩnh đồng loạt ra quân dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất với khí thế sôi nổi nhằm hình thành vùng sản xuất quy mô lớn.

Với mục tiêu hoàn thành chuyển đổi trên 140 ha đất sản xuất lúa trước vụ xuân 2025, xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) đang tập trung huy động máy móc tăng tốc dồn điền đổi thửa, phá bờ thửa nhỏ, hình thành các cánh đồng lớn.

img-4985-8401.jpg
Xã Cẩm Lạc huy động máy móc tăng tốc phá bờ thửa nhỏ, hình thành các cánh đồng lớn.

Trên cánh đồng của thôn Lạc Thọ, hàng chục chiếc máy xúc, máy san đất, máy ủi đang “miệt mài” thực hiện việc đào đắp bờ vùng bờ thửa, nạo vét hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng.

Ông Võ Hữu Minh - Trưởng thôn Lạc Thọ (xã Cẩm Lạc) chia sẻ: “Lần chuyển đổi này, thôn chúng tôi thực hiện trên hơn 50 ha đất sản xuất lúa. Khi tổ chức họp bàn, tuyên truyền, vận động, bà con nhân dân toàn thôn hưởng ứng tích cực với chủ trương lớn. Thôn sẽ "rút gọn" từ 576 thửa xuống còn 79 thửa gắn với cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các tuyến đường nội đồng sẽ được mở rộng lên 7 - 10m”.

img-4943-7452.jpg
Nông dân Cẩm Lạc phấn khởi tham gia phong trào chuyển đổi, tích tụ ruộng đất.

Từ hiệu quả trên những cánh đồng đã chuyển đổi ruộng đất, người dân càng thêm tin tưởng và đồng thuận triển khai chủ trương. Đến nay, toàn huyện Cẩm Xuyên có 16 xã đã đăng ký thực hiện dồn điền đổi thửa trên diện tích hơn 2.200 ha. Các địa phương đang hồ hởi khí thế, tăng tốc hình thành vùng sản xuất quy mô lớn để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Ông Biện Văn Thanh - Trưởng phòng TN&MT huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận, huy động máy móc, nhân lực cải tạo lại ruộng ruộng đồng cũng như có giải pháp huy động nguồn lực để hỗ trợ bà con thực hiện chuyển đổi ruộng đất. Đặc biệt, sau khi tỉnh kịp thời bổ sung, điều chỉnh Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025, các địa phương đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ nên công tác chuyển đổi ruộng đất trên địa bàn được triển khai thuận lợi hơn".

img-4976-6848.jpg
Khí thế rộn ràng chuyển đổi ruộng đất lần 3 lan tỏa khắp các địa phương.

Là địa phương duy nhất của huyện huyện Thạch Hà thực hiện chuyển đổi, tích tụ 100% diện tích đất trồng lúa trong năm nay, xã Thạch Kênh đã huy động máy xúc, máy đào tất bật tiến hành phá bờ vùng, bờ thửa để hình thành các ô thửa lớn, vùng sản xuất tập trung; nâng cấp mở rộng các tuyến đường nội đồng…

Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh (Thạch Hà) Nguyễn Thiện Chung cho biết: “Chuyển đổi, tích tụ ruộng đất được chính quyền xã xác định rất cần thiết để hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn có hệ thống đường nội đồng, kênh tưới, tiêu phù hợp. Nhằm đạt hiệu quả và sự thống nhất cao, xã đã họp bàn, đưa ra đề án chuyển đổi để thảo luận trong Nhân dân, phấn đấu hoàn thành dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất trước khi bước vào sản xuất vụ xuân với tổng diện tích gần 400 ha”.

z5918626504842-582e84b8985b584b79ca51e98195654b-3040.jpg
Xã Thạch Kênh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi, tập trung ruộng đất theo kế hoạch năm 2024.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, huyện Thạch Hà tiến hành phá bờ vùng, hình thành ô thửa lớn 300 ha; chuyển đổi, tập trung ruộng đất 700 ha. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tập trung tích tụ ruộng đất, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tập trung tháo gỡ các “điểm khó” trong sản xuất nông nghiệp như: ruộng phân tán, manh mún, không bằng phẳng; tâm lý người dân còn ngại thay đổi lối sản xuất cũ, huyện Hương Khê cũng đang tập trung chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo Phòng TN&MT huyện Hương Khê, để chuẩn bị cho vụ xuân 2025, toàn huyện dự kiến triển khai chuyển đổi ruộng đất lần 3 trên diện tích gần 150 ha ở các xã: Hà Linh, Gia Phố, Hương Thủy… Để đạt mục tiêu đề ra, các xã đã chỉ đạo các thôn phát huy vai trò chủ thể của người dân, bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong thực hiện.

z5908643249936-2e6294022fdc8184100cc86950a657ff-4265.jpg
Đồng ruộng huyện Thạch Hà rền vang tiếng máy san ủi mặt bằng.

Thời điểm này, tranh thủ lúc đồng ruộng chưa vào vụ sản xuất 2025, các địa phương như: Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa và phá bỏ bờ thửa nhỏ để chỉnh trang đồng ruộng, từ đó, giảm số thửa/hộ nông dân, hình thành ô thửa lớn, cánh đồng lớn, gắn với hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ. Cùng đó, thực hiện đo vẽ, chỉnh lý bản đồ, hoàn thiện hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất sau khi thực hiện tập trung, tích tụ 3 ruộng đất làm cơ sở thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu xuống giống trên 59.000 ha lúa các loại. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, các huyện, thành phố đã triển khai công tác tập trung, tích tụ ruộng đất và có sản phẩm trên thực tế. Toàn tỉnh đã tập trung, tích tụ được 9.311,93 ha, đạt 62% chỉ tiêu tại Nghị quyết 06-NQ/TU.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.