Thạch Hà tập trung bao vây, dập tắt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở diện hẹp

(Baohatinh.vn) - Huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân bám sát địa bàn; kiên quyết dập tắt dịch ở diện hẹp... là những phần việc huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang triển khai để khống chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Thạch Hà tập trung bao vây, dập tắt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở diện hẹp

Khi lợn bị chết, gia đình chị Đoàn Thị Lệ (thôn Nam Sơn, xã Ngọc Sơn) đã áp dụng ngay các biện pháp xử lý theo quy định để đưa đi tiêu hủy.

Gia đình chị Đoàn Thị Lệ (thôn Nam Sơn, xã Ngọc Sơn) là một trong những hộ dân không may nằm trong “cơn bão” dịch tả châu Phi khi 4 con vật nuôi của gia đình gồm: 1 lợn nái nặng 180 kg và 3 con lợn nặng 100 kg đã bị chết.

“Ngay sau khi sự việc xảy ra, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng dịch, ngoài việc rắc vôi, cách ly gia súc bị chết, chúng tôi đã báo ngay cho chính quyền địa phương để có phương án tiêu hủy, xử lý theo đúng quy định”, chị Lệ chia sẻ.

Thạch Hà tập trung bao vây, dập tắt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở diện hẹp

Lực lượng chức năng phun tiêu độc khử trùng trước khi đưa gia súc đi tiêu hủy.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, xã Ngọc Sơn có 140 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục (5 con đã chết); 2.628 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi (25 con đã chết).

Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn Nguyễn Quốc Quân cho hay: "Sau khi dịch viêm da nổi cục và tả lợn châu Phi xuất hiện, xã đã khẩn trương lập 2 chốt kiểm dịch và 7 biển cảnh báo, rải vôi trên các trục đường chính; chỉ đạo các hộ có dịch bệnh trên vật nuôi thực hiện việc tiêu hủy theo quy định.

Đồng thời, chúng tôi cũng tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân các biện pháp chủ động phòng dịch, không thực hiện mua bán, giết mổ gia súc bị dịch; không tái đàn khi dịch chưa được kiểm soát. Đối với những hộ chăn nuôi phải tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi.

Ngoài ra, tổ công tác phòng dịch thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình dịch trên địa bàn hằng ngày và báo cáo Ban Chỉ đạo xã để kịp thời có hướng xử lý".

Thạch Hà tập trung bao vây, dập tắt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở diện hẹp

Các địa phương ở Thạch Hà tăng cường công tác tuyên truyền, nghiêm cấm vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn.

Tại thị trấn Thạch Hà, các biện pháp phòng dịch cũng đã được địa phương khẩn trương triển khai. Bí thư Đảng ủy thị trấn Thạch Hà Nguyễn Văn Duy thông tin: “Địa phương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về đặc điểm, nguy cơ, tác hại và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống; rà soát lại tổng đàn, tình hình dịch bệnh trên địa bàn;

Tổ chức ký cam kết nuôi cách ly gia súc bị bệnh với gia súc đang khỏe mạnh; không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc bị bệnh; thực hiện công tác cung ứng, cấp hóa chất và vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường hằng ngày; phân công cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi”.

Thạch Hà tập trung bao vây, dập tắt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở diện hẹp

Rải vôi trên các trục đường chính là một trong những biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan trên diện rộng.

Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà, tính đến thời điểm hiện tại, có tất cả 2.276 con bò của 1.641 hộ dân tại 155 thôn thuộc 22 xã, thị trấn mắc bệnh viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày; đã tiêu hủy 138 con bò mắc bệnh chết; 345 con khỏi triệu chứng lâm sàng...

Toàn huyện có 240 con lợn của 56 hộ dân tại 15 thôn trên địa bàn 5 xã, thị trấn (Thạch Văn, Việt Tiến, thị trấn Thạch Hà, Thạch Ngọc, Ngọc Sơn) mắc dịch tả châu Phi. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 199 con mắc bệnh chết. Ngoài ra, địa phương cũng tiêu hủy 1.380 con gia cầm mắc dịch cúm của 2 hộ dân tại xã Lưu Vĩnh Sơn; tiêm phòng bao vây cho 29.774 con gia cầm.

Thạch Hà tập trung bao vây, dập tắt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở diện hẹp

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà lấy mẫu xét nghiệm bệnh viêm da nổi cục trên bò.

Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 23/3, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 13 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân bám sát địa bàn cơ sở; thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp bao vây, khống chế dịch. Kiên quyết dập tắt dịch ở diện hẹp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách”.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Thạch Hà, các phòng chuyên môn đã phân công cán bộ bám sát địa bàn, chủ động nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến dịch bệnh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại địa phương; kịp thời bổ cứu, chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; chủ động kinh phí mua sắm đầy đủ vật tư, hóa chất để ứng phó với các tình huống dịch bệnh...

Ngoài ra, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cấp huyện ở Thạch Hà còn thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên chủ động chấp hành nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; chăn nuôi an toàn sinh học.

Chỉ đạo, phát động trong toàn huyện đợt cao điểm ra quân vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi; các tổ chức đoàn thể phải cùng với hệ thống chính trị địa phương đến tận hộ gia đình tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, để người dân hiểu và chấp hành thực hiện nghiêm túc.

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.