Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

(Baohatinh.vn) - Một chút hơi sương lành lạnh, màu nắng non trên những quả ổi, quả hồng, quả bưởi… Một chút thảnh thơi của con người, của cỏ cây, hoa lá… Từng chút một mà làm nên mùa thu không mấy đặc trưng nhưng lại dễ nhận ra của miền quê Hà Tĩnh…

Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

Tháng Tám - thu vừa ghé chân, đất trời bỗng trở nên dịu dàng hơn... Ảnh: Quốc Khánh

Ở xứ sở miền Trung của gió Lào nắng cháy này, mùa thu không ở lại lâu, mùa thu chỉ như một vị khách ghé chơi mà để lại bao nhiêu dư vị. Không cần phải quá tinh tế để nhận ra những ngày thu ghé chơi, chỉ cần một chút tĩnh lặng, người ta sẽ thấy đất trời đang dần trút bỏ xiêm y rực rỡ của mùa hè để bận lên mình y phục thanh tao, nhẹ nhàng và dịu dàng hơn. Bạn có thể bước ra phố mà nhận ra con người cùng bao nhiêu cỏ cây hoa lá không còn phải gồng lên để chống chọi với những cơn nắng nóng mùa hè nữa.

Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

Trong khúc giao mùa của đất trời, những bông dẻ cuối mùa còn cố bung mình vàng ruộm...

Màn sương hay cơn mưa thảng qua ban khuya đã làm cho đất trời dịu mát, khiến lòng người thảnh thơi hơn. Những chùm bông giấy bên hiên nhà ai đó như mang trong mình một sức sống mới khi ngậm đầy sương đêm, ngậm đầy mưa thu. Con người cũng trút bỏ bao nhiêu đồ bảo hộ, chống nắng để thảnh thơi tận hưởng, thảnh thơi cảm nhận những đổi thay, giao hòa của đất trời. Khi đó, những người mẹ chở con đi học cũng bỗng nhiên đi chậm hơn, thậm chí có thể còn khe khẽ đọc lên cho con mình nghe những câu thơ về mùa thu, về hoa cúc, rồi cùng con hát lên một câu hát thiết tha nào đó về những mùa thu đã xa…

Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

"Mùa thu vào hoa cúc..." - thơ Xuân Quỳnh.

Nếu cần một thời khắc để cảm nhận mùa thu về rõ nhất ở miền quê Hà Tĩnh có lẽ phải đợi đến những canh khuya tháng Tám. Ấy là khi vũ trụ không còn ánh sáng của những quầng mây đầy dư ảnh mặt trời mà thu mình trong một nỗi lặng im. Ngày đã dần ngắn lại và đêm dài ra để nuôi dưỡng những cựa mình sinh chuyển của cỏ cây, của lòng người. Những đêm như thế, người ta phải nhìn thật lâu mới có thể thấy được ánh sáng của những vì tinh tú.

Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

Vầng trăng mùa thu gợi nhiều thi tứ hơn cho người nghệ sỹ. Ảnh Internet

Vầng trăng trôi nhẹ trong làn sương mờ, ánh sao cũng không còn nháy lên sáng chói nữa mà thâm trầm hơn, gợi nhiều thi tứ hơn. Chính những đêm mùa thu ghé qua như thế là mạch nguồn để cho bao nhiêu nghệ sỹ thăng hoa hơn trong sáng tác của mình. Khi bao nhiêu cảm xúc, tư tưởng được giao hòa trong miền dịu êm ấy, rất có thể, một tuyệt phẩm sẽ ra đời. Bởi thế, dẫu ngắn ngủi, dẫu thoảng qua, mùa thu Hà Tĩnh được đón nhận rất trọn vẹn, không hề phung phí…

Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

Dẫu ngắn ngủi, dẫu thoảng qua, mùa thu vẫn được con người đón nhận rất trọn vẹn, không hề phung phí… Ảnh: Quốc Khánh

Đâu chỉ con người, cỏ cây cũng biết cách đón nhận mùa thu của riêng mình. Sự dịu dàng mà tháng Tám mang tới khiến cỏ cây hoa lá như trút bỏ được “nhiệm vụ” phải xanh tươi để chống chọi với mùa hè mà thư thả khoác lên chiếc áo màu mơ phai lãng mạn và dành sinh lực chuyển dần vào hoa trái… Những khu vườn có vẻ tĩnh mịch nhưng thật ra lại đang sinh chuyển dạt dào. Gió như thể không dám quấy rầy khoảnh khắc cây lá ngậm sương thu để chuyển động, để ươm ủ cho một mùa quả chín.

Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

Tôi nhớ ý nghĩ của mình trong khoảnh khắc đứng dưới cây thị lúc lỉu quả mơ vàng, rằng, nếu không phải mùa thu, có lẽ những quả thị sẽ không thể nở ra cô Tấm dịu hiền... Ảnh tư liệu

Tôi nhớ cây thị tôi đã gặp trong một khu vườn vắng lặng bên biển trên hành trình tác nghiệp một tháng Tám nào đó. Cây thị hơn 200 năm tuổi, đồng hành cùng bao thế hệ ngư phủ của gia đình ấy. Bao nhiêu đứa trẻ đã lớn lên hồn hậu, chất phác trong câu chuyện cổ có cô Tấm dịu hiền. Tôi nhớ ý nghĩ của mình trong khoảnh khắc đứng dưới cây thị lúc lỉu quả mơ vàng, rằng, nếu không phải mùa thu, có lẽ những quả thị sẽ không thể nở ra cô Tấm dịu hiền... Bây giờ, tháng Tám, mùa đã bắt đầu thu, trên cây thị cổ thụ ấy, chắc hẳn quả cũng đã mơ phai, chờ những ngày thu thật thu để có thể tỏa đầy hương thơm trong tay người…

Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

Khi mùa thu đến, những tấm bìa che nắng cho bưởi sẽ được người nông dân dần gỡ đi để quả có thể ngậm đầy hương sắc dịu ngọt của đất trời.

Và đâu chỉ có thị, nào bưởi, nào hồng, nào na, nào ổi… cũng đã phả vào đất trời bao nhiêu hương sắc để cùng gọi mùa thu trở về, để cùng vẽ nên bức tranh mùa thu ngọt thơm hoa trái. Bây giờ, người nông dân quê tôi đâu chỉ trồng bưởi, trồng hồng để tự cung, tự cấp nữa, họ đã biết thay đổi tư duy, biết đầu tư sản xuất hàng hóa. Bởi thế, hơn ai hết họ mong chờ mùa hạ nhanh qua, mùa thu nhanh tới.

Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

Rất nhiều người nông dân chờ đợi mùa thu đến thật nhanh để đón những mùa quả chín ngọt lành...

Bởi thế, họ cũng cảm nhận thật sớm, thật nhanh khi thu vừa ghé qua. Khi nắng đã bớt gieo rám trên những vườn bưởi, vườn hồng, vườn ổi… người ta sẽ gỡ đi những tấm giấy, những bao bì chống nắng cho quả, để quả có thể căng mình đón nhận sinh khí dịu ngọt của mùa thu, để ngậm cho đầy ánh nắng mơ phai, ngậm cho đầy làn sương ẩm, để đẩy hết vị chát xít khỏi thân mình và dâng cho đời những ngọt ngào tích lũy được.

Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

“Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế” - thơ Xuân Quỳnh.

Tôi nhớ những sớm mai hồng tươi của những mùa thu đã xa, trong một góc chợ nhỏ của quê hương, người ta đã bắt đầu bày bán những “mùa thu chín bói”, đó là những quả ổi thơm lừng, những nải chuối vàng hươm, những quả na vừa mở mắt… Và vào những ngày rằm, người ta còn bán cả hoa cúc, những loài cúc vạn thọ cánh đơn, cánh kép nhỏ nhắn nhưng vàng ruộm và thơm nồng…

Bây giờ, tôi ở phố, mỗi sáng tinh sương vẫn thấy những chị hàng xén hối hả chở “mùa thu” vào thị thành. Bao nhiêu thức quà của mùa thu ở những vùng ven đô, những miền núi cao được mang vào phố, làm cho mùa thu ở phố đầy thật đầy. Một rổ thị thơm, những quả bưởi đầu mùa và ổi, và na, và nhãn… đủ để lòng người dịu lại giữa cuộc sống hối hả…

Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

Rất nhiều thiếu phụ chờ đợi mùa thu đến để có thể nuôi dưỡng thật đầy cảm xúc của mình cho những bông hoa thêu lên áo được tinh tế và mềm mại hơn...

Tháng Tám, cũng là khi những thiếu phụ mê thêu thùa, may vá tìm lại chiếc khung thêu và bao nhiêu cuộn chỉ đa sắc để bắt đầu ghi nhớ những cảm xúc mùa thu theo cách riêng của mình. Bạn tôi nói rằng, thật khó để thêu thật mềm mại, thật lãng mạn những nhành hoa, cánh lá lên chiếc áo hay khăn tay giữa mùa hè bỏng rẫy. Phải là mùa thu, khi những cành cây, nhánh lá, những bông hoa trở nên dịu dàng hơn, bạn mới có thể thêu thật đẹp. Và mùa thu dẫu qua nhanh, dẫu ít ỏi nhưng đã được lưu lại thật trọn vẹn như thế trong sự sắp đặt khéo léo của người thiếu phụ…

Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

Bao nhiêu chờ đợi, ươm ủ chỉ đợi mùa thu chín để cùng nhau tỏa hương sắc...

Tôi mường tượng, bạn tôi vừa thêu lên những thắm nồng tươi mới vừa lẩm nhẩm những câu thơ nhân hậu và độ lượng của cố thi sĩ Võ Thanh An: “Sáng hôm nay anh ngợp trước nỗi buồn/ Bỗng nhận ra mùa thu về ngoài cửa/ Anh ngờ ngợ, ngọn heo may đáng sợ/ Thổi đến anh từ phía em ngồi”. Cũng là nỗi buồn mà nỗi buồn trong mùa thu thật đẹp. Bạn tôi đã đọc những câu thơ buồn đó trong một niềm vui thầm. Vui bởi đã có cơ hội được biết đến một “tấm lòng trong thiên hạ”. Có gì độ lượng hơn, nhân hậu hơn khi không có gì khiến người đàn ông cô đơn ấy buồn ngoài nỗi buồn đến từ phía “em”.

Tháng Tám - Mùa đã thu rồi

“Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng em nhỉ" - thơ Tô Như Châu

“Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng em nhỉ” - rất nhiều người đã bắt đầu mùa thu của mình bằng câu thơ ấy của Tô Như Châu. Rung cảm của người thi sĩ đã gợi lên miền ký ức sâu lắng của bao người và mở ra những con đường mới, những cảm xúc mới - dịu dàng mà mãnh liệt, tĩnh tại mà dạt dào, dè dặt mà dâng hiến… Đó cũng là những sinh chuyển âm thầm của cỏ cây, hoa lá để cùng làm nên một hương sắc mùa thu đặc biệt, dẫu không dài như niềm mong mỏi của con người nơi miền Trung quanh năm nắng gió…

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống