Thu hút nguồn hàng qua khu cụm cảng để phát triển logistics ở Khu kinh tế Vũng Áng

(Baohatinh.vn) - Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) và các công ty thành viên đang phối hợp rất tốt với các ban, ngành của tỉnh Hà Tĩnh cũng như Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt trong xây dựng chính sách, tăng cường xúc tiến, phát triển vận tải.

Từ thực tiễn hoạt động của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) và kết quả hợp tác bước đầu với Hà Tĩnh, Thượng tá Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đã trao đổi cùng PV Báo Hà Tĩnh về một số giải pháp phát triển logistics ở Khu kinh tế Vũng Áng.

Thượng tá Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn

PV: Ông có nhận xét gì về tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn trong phát triển logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng?

Cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương nằm trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế và thuận lợi về giao thông đường bộ với nước bạn Lào, vùng đông bắc Thái Lan, rất thuận lợi để phát triển một trung tâm logistics tầm cỡ. Đặc biệt, cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý) và độ sâu tự nhiên lớn, từ -12 đến -13m, có thể tiếp nhận tàu container có tải trọng đến 60,000 tấn (DWT) tương đương 4.000 TEU.

Điểm thuận lợi quan trọng nữa là UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch, đề ra lộ trình phát triển, doanh nghiệp triển khai nhanh chóng các cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhân vật lực để đón những chuyến tàu container đầu tiên. Đây là bước đi rất quan trọng trong thời điểm đầu để hình thành tuyến vận tải biển, khởi nguồn cho sự hình thành trung tâm logistics của Hà Tĩnh.

Cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương với tiềm năng, lợi thế lớn có thể giúp Hà Tĩnh hình thành nên Trung tâm logistics Vũng Áng (Trong ảnh: Toàn cảnh từ trên cao cảng Vũng Áng).

Trước mắt, Hà Tĩnh sẽ còn gặp một số khó khăn ban đầu như: lượng hàng quanh khu vực chưa nhiều, khách hàng đã quen với phương thức vận tải bằng đường bộ đến cảng Cửa Lò hay Hải Phòng; hàng quá cảnh của Lào trước đây sử dụng các cảng khác, khách hàng ít nhiều ngại thay đổi.

Tuy vậy, với quyết tâm hành động, cộng thêm các chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi tin chắc rằng, tuyến vận tải container của Hà Tĩnh sẽ ngày càng phát triển bền vững, từ đó mang đến nhiều lựa chọn về giải pháp logistics cho doanh nghiệp khi đến với cụm cảng Vũng Áng.

Từ thực tiễn hoạt động của TCSG, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để giúp Hà Tĩnh hình thành lợi thế phát triển logistics trong thời gian tới?

Trong xây dựng và phát triển logistics, ngoài các nền tảng cơ bản như có cảng nước sâu phù hợp, vị trí giao thông thuận lợi; có hành lang kết nối với các nước bạn và cơ sở hạ tầng, nhân vật lực của đơn vị kinh doanh cảng và vận tải biển, Hà Tĩnh cần có sự tập trung hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá về một khu vực được quy hoạch đầy đủ các chức năng logistics.

Cùng với đó, cần tối ưu hóa việc giảm tối đa chi phí logistics, tạo thuận lợi tốt nhất cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, từ đó giảm giá thành của sản phẩm cuối cùng, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Cảng Tân Cảng Hiệp Phước của TCSG ở TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, trong thời gian đầu, cần duy trì và phát huy thêm các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để thu hút, xúc tiến quảng bá mạnh mẽ về tuyến vận tải container, tạo ra các giá trị gia tăng cho khách hàng như: thuận lợi hóa các thủ tục thông quan hàng hóa XNK, áp dụng công nghệ bằng các phần mềm tiên tiến để doanh nghiệp tương tác với các nhà cung cấp dịch vụ logistics kết nối với hãng tàu và cảng.

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống cảng và logistics hiện đại, Hà Tĩnh nên tập trung phát triển nguồn hàng qua khu cụm cảng Vũng Áng từ hai nguồn, gồm: hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), hàng hóa nội địa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khu vực lân cận và hàng hóa trung chuyển quốc tế, quá cảnh của các doanh nghiệp từ Lào và Đông bắc Thái Lan, để từ đó tạo tiền đề để phát triển khu logistics hậu cần cảng.

Để làm được điều này, tỉnh cần tiếp tục cải tiến thủ tục thu hút các doanh nghiệp sản xuất lớn trong và ngoài nước đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng và phát triển thêm các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo nên chuỗi liên kết vùng. Sự ra đời của tuyến vận tải container tại Vũng Áng sẽ là nhân tố rất lớn để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Hà Tĩnh ngày càng nhiều hơn trong thời gian tới.

Hà Tĩnh cũng cần đẩy mạnh công tác marketing quốc tế, phối hợp với các doanh nghiệp ở nước bạn Lào để thu hút hàng hóa từ các nhà máy của Lào cũng như lượng hàng xuất nhập khẩu từ các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, dựa trên cơ sở kết nối hiện hữu của hành lang kinh tế Đông Tây, biến cảng Vũng Áng thành cửa ngõ kết nối quốc tế.

Với đối tác mới như Công CP Cảng quốc tế Lào - Việt, TCSG có những chính sách nào để hỗ trợ đơn vị nâng cao hơn nữa hoạt động vận tải container?

Ngày 14/1/2021, biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn với UBND tỉnh Hà Tĩnh được ký kết, đánh dấu mốc cho sự hợp tác nhằm hình thành và phát triển cảng biển và logistics tại Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Ngày 14/1/2021, lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và UBND tỉnh Hà Tĩnh ký “Biên bản ghi nhớ” hợp tác đánh dấu một bước phát triển mới, thắt chặt mối quan hệ hợp tác, đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương (Ảnh: Thanh Hoài)

Theo đó, căn cứ theo nhu cầu của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt, Tổng Công ty TCSG sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về khai thác và vận hành cảng container chuyên nghiệp như: khai thác tàu, khai thác bến bãi, vận hành trang thiết bị hiện đại, tư vấn về điều hành, kỹ thuật áp dụng công nghệ hiện đại và phần mềm quản lý khai thác cảng tiên tiến cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho khai thác cảng và logistics.

Cảng quốc tế Lào - Việt có nhiều điểm tương đồng về quy mô và trang thiết bị với một số cảng thành viên trong hệ thống của TCSG đang khai thác tổng hợp cả hàng rời và hàng container chuyên nghiệp, hiệu quả, nhận được sự đánh giá cao của hãng tàu và khách hàng. Trên cơ sở đó, TCSG sẽ hỗ trợ đội ngũ cảng Lào - Việt nhanh chóng chuyên môn hoá việc khai thác hàng container trong thời gian ngắn.

Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt đón chuyến tàu container thứ 2 vào tối 19/5/2021

Trong điều kiện lượng hàng container còn khá hạn chế, TCSG và các công ty thành viên đang phối hợp rất tốt với các cơ quan ban, ngành của tỉnh cũng như Công ty Cảng Quốc tế Lào - Việt xây dựng chính sách, tăng cường xúc tiến và phát triển thị trường cho các chuyến tàu cũng như xây dựng giải pháp giao nhận hàng hóa tận nhà máy và kho cho khách hàng. Qua đó, khách hàng sẽ nhận thấy những lợi ích về kinh tế và đảm bảo an toàn hàng hóa.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, TCSG có giải pháp như thế nào để duy trì tuyến vận tải container và phát triển mạng lưới khách hàng?

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, TCSG và Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt vẫn cố gắng duy trì 4 chuyến container/tháng (Trong ảnh: Chuyến hàng container của TCSG cập cảng Vũng Áng vào 12/7/2021)

Trong giai đoạn hiện nay, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh, do vậy, công tác thị trường gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, Tổng Công ty TCSG sẽ phối hợp với các cơ quan ban, ngành của tỉnh Hà Tĩnh, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm trực tuyến với các nhà máy, khách hàng XNK, các công ty cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Tĩnh, các địa phương lân cận, đối tác và khách hàng của Lào và Thái Lan để giới thiệu về tuyến dịch vụ vận tải biển kết nối Vũng Áng và các giải pháp logistics mới, từ đó để thu hút thêm nguồn khách hàng tiềm năng về với Hà Tĩnh.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói