Xã Sơn Trường được xem là “thủ phủ” cam bù của huyện Hương Sơn
Sơn Trường được biết đến là vùng trồng cam bù nổi tiếng của huyện Hương Sơn. Những vườn đồi bạt ngàn cây trái, những thảm xanh của rừng cây lâm nghiệp mang đến cho mảnh đất này sự trù phú, ấm no. Từ những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, năm 2019, Sơn Trường được công nhận xã nông thôn mới.
Tuy nhiên, với khát vọng vượt lên chính mình, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Trường không dừng lại ở đó mà luôn nỗ lực hoàn thiện, nâng cấp các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu xã NTM nâng cao trong năm 2021.
Những tuyến đường ở Sơn Trường được nâng cấp, mở rộng
Những tuyến đường bê tông trục xã, trục thôn, ngõ xóm tiếp tục được nâng cấp, mở rộng thêm từ 1-1,5m. Điểm nhấn ở mỗi khu dân cư là mô hình 10 hộ liền kề “sáng, xanh, sạch, đẹp” với hệ thống hàng rào xanh, mương thoát nước và những vườn cây ăn trái 4 mùa xanh tốt, trĩu quả.
“Việc xây dựng xã NTM nâng cao không chỉ là những tiêu chí về hạ tầng mà hơn thế, địa phương đang tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống văn hoá tinh thần cho người dân” - Chủ tịch UBND xã Sơn Trường Lê Đức Thuận cho hay.
Mô hình trồng cam của gia đình anh Cao Thanh Hải, ở thôn 9, xã Sơn Trường với 500 gốc cho thu nhập 300 triệu đồng/năm
Xác định rõ mục tiêu, xã Sơn Trường thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi kết hợp trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Đặc biệt, phong trào cải tạo vườn hộ được thực hiện quyết liệt, vừa quy hoạch lại vườn, xóa bỏ cây tạp, trồng cây có hiệu quả; vừa xây dựng cảnh quan môi trường vườn hộ sạch, đẹp.
Phát triển thế mạnh trồng cây ăn quả, 2 năm qua, người dân Sơn Trường đã trồng mới 32ha cam bù, cam chanh, nâng diện tích toàn xã lên 457ha; sản lượng hàng năm ước đạt 3.500 tấn, trong đó có 310 ha sản xuất theo hướng VietGAP. Hàng trăm hộ dân cũng mạnh dạn thay đổi tư duy phát triển kinh tế, đầu tư làm trang trại, gia trại đem lại hiệu quả cao.
Hiện nay, xã Sơn Trường có 250 mô hình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 20 mô hình có thu nhập trên 500 triệu/năm; 5 mô hình có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Theo đánh giá của Cục Thống kê Hà Tĩnh, năm 2021, thu nhập bình quân của người dân xã Sơn Trường đạt 43,4 triệu đồng/người/năm.
Cùng với triển các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp chủ lực, Sơn Trường cũng đang tập trung cho phát triển chăn nuôi. Toàn xã có hơn 1.700 con trâu bò, 1.800 con hươu và trên 57 ngàn con gia cầm các loại. Nhiều mô hình chăn nuôi mới được phát triển và nhân rộng.
Mô hình chăn nuôi lợn rừng theo hướng hữu cơ của anh Trần Nam Giang (thôn 10) cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm
Anh Trần Nam Giang - thôn 10 cho biết: “Được sự tư vấn, tập huấn từ chương trình xây dựng NTM, gia đình tôi đầu tư chăn nuôi lợn rừng theo hướng hữu cơ với quy mô 200 con/năm.
Mặc dù chu kỳ nuôi kéo dài hơn lợn thường nhưng giá thành cao, chi phí thức ăn thấp, chủ yếu là các loại rau, củ nên mang lại lợi nhuận khá; doanh thu bình quân mỗi năm đạt hơn 1 tỷ đồng. Hiện, tôi đang cung cấp giống và chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi cho 6 hộ trong xã để cùng nhau phát triển, tăng thu nhập”.
Hệ thống camera an ninh, điện chiếu sáng được phủ khắp các tuyến đường ở Sơn Trường
Song song với phát triển các mô hình kinh tế, Sơn Trường cũng đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hoá. Đến nay, 10/10 nhà văn hóa thôn được xây dựng và nâng cấp; đổ bê tông các sân bóng chuyền, sân cầu lông và điểm vui chơi, giải trí cho các lứa tuổi. Toàn xã hiện có trên 95% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá.
Hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ được duy trì hằng ngày ở các nhà văn hoá thôn, tăng thêm sự gắn kết trong cộng đồng. Ảnh tư liệu
Theo kết quả thẩm định mức độ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của các sở, ngành theo từng tiêu chí và kết quả lấy phiếu sự hài lòng người dân của Ủy ban MTTQ tỉnh, đến nay, xã Sơn Trường đã đạt 7/7 tiêu chí xã NTM nâng cao.
Thành quả này ghi nhận sự nỗ lực và tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cán bộ và Nhân dân toàn xã để tiếp tục cho hành trình mới xây dựng xã NTM kiểu mẫu vào năm 2025.