Thuốc điều trị COVID-19: Toàn bộ thông tin bạn cần biết

Trước khi tìm hiểu về thuốc điều trị COVID-19, chúng ta cần hiểu, cũng như mọi căn bệnh lây nhiễm khác, xử lý COVID-19 cần 3 khâu: Chặn lan truyền (5K), ngừa lây nhiễm (vaccine) và điều trị...

Lời tòa soạn: Cho đến nay vẫn chưa có loại thuốc đặc trị hoàn toàn hiệu quả với COVID-19 , vậy các thuốc mà Việt Nam và các nước đang sử dụng cho bệnh nhân là gì, cơ chế ra sao, các bác sĩ đã phải làm những gì để đẩy lùi virus SARS-CoV-2 khỏi cơ thể người nhiễm? Để giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn về công tác điều trị, đặc biệt về các loại thuốc điều trị COVID-19 , Báo Sức khỏe & Đời sống xin cung cấp một chuỗi thông tin tổng quát, đầy đủ nhất xoay quanh khái niệm “thuốc điều trị COVID-19”.

Thuốc diệt virus

Đây là các chất ức chế cạnh tranh với enzyme polymerase của virus (RNA polymerase competitive inhibitors), gồm:

- Remdesivir: Từ tháng 10/2020, FDA phê duyệt Remdesivir để điều trị COVID-19 cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên, ở những bệnh nhân nhập viện. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy rằng ở những bệnh nhân này, remdesivir có thể tăng tốc thời gian phục hồi của người bệnh.

Tháng 11/ 2020, FDA cấp phép Sử dụng khẩn cấp (EUA) cho thuốc kết hợp baricitinib với remdesivir ở người lớn và trẻ em từ hai tuổi trở lên nhập viện cần hỗ trợ hô hấp.

- Favipiravir (avigan): Favipiravir có khả năng chống lại nhiều loại và phân nhóm virus cúm, và các virus RNA khác như arenavirus, bunyavirus và filovirus. Trong nghiên cứu thử nghiệm tại Trung Quốc cho thấy có hiệu quả rõ ràng trong điều trị COVID-19. Nhật Bản cũng đã chuyển favipiravir đến 43 quốc gia để thử nghiệm lâm sàng ở những bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ và trung bình...

Thuốc điều trị COVID-19: Toàn bộ thông tin bạn cần biết

Remdesivir là một trong những thuốc kháng virus dùng trong điều trị COVID -19

Kháng thể đơn dòng

Tháng 11/ 2020, FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp cho hai kháng thể đơn dòng bamlanivimab và dạng kết hợp casirivimab với imdevimab cho người lớn không nhập viện và trẻ em trên 12 tuổi mắc COVID-19 nhẹ, trung bình, và có nguy cơ nặng phải nhập viện.

Tháng 2/2021, FDA cấp sử dụng khẩn cấp thêm cho thuốc kết hợp bamlanivimab với etesevimab cho các ca nhẹ hoặc trung bình ở những bệnh nhân có nguy cơ cao từ 12 tuổi trở lên.

Dù được FDA cho phép sử dung khẩn cấp, NIH vẫn tuyên bố rằng cả bamlanivimab, casirivimab, etesevimab và imdevimab đều không được xem là thuốc chuẩn cho bệnh COVID-19 vì còn chưa đủ dữ liệu khoa học.

Tocilizumab là một kháng thể đơn dòng, đã được FDA chấp thuận để điều trị một số bệnh tự miễn dịch. Tocilizumab cũng có tác dụng chặn hoạt động của IL-6, và do đó làm giảm cơ bão cytokines là phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch trong các ca COVID-19 nặng.

Hiện nay, FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho tocilizumab (Actemra) để điều trị cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên nằm viện đang điều trị bằng corticosteroid toàn thân và những người cần bổ sung oxy, thở máy hoặc oxy hóa màng ngoài cơ thể ECMO.

Thuốc điều trị COVID-19: Toàn bộ thông tin bạn cần biết

Tocilizumab là một kháng thể đơn dòng

Huyết tương người khỏi bệnh COVID-19

Cũng như ở các bệnh nhiễm trùng khác, huyết tương người bị COVID-19 hồi phục chứa các kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Huyết tương người hồi phục đã được sử dụng trong hơn 100 năm để điều trị nhiều loại bệnh từ sởi, bại liệt, thủy đậu và SARS.

Tháng 8/2020, FDA cho phép sử dụng khẩn cấp huyết tương người hồi phục cho bệnh nhân COVID-19 nhập viện.

Kết quả từ một thử nghiệm nhỏ nhưng được thiết kế tốt (ngẫu nhiên, mù đôi và đối chứng với giả dược) đăng trên New England Journal of Medicine tháng 1/2021, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những bệnh nhân nhận huyết tương hồi phục giảm mức độ nghiêm trọng hơn 48% so với những bệnh nhân được dùng giả dược.

Tuy nhiên, phân tích tổng hợp của bốn thử nghiệm lâm sàng công bố trên JAMA, trên 1.060 bệnh nhân COVID-19 nhận được huyết tương hồi phục, giả dược hoặc điều trị tiêu chuẩn không thấy khác biệt gì.

Hai trở ngại của sử dụng huyết tương hồi phục: (1) Sự thuận tình của người hiến tặng, và (2) là các tiêu chí người hiến huyết tương phải đáp ứng: Đã hồi phục, không có triệu chứng trong 14 ngày, xét nghiệm âm tính với COVID-19 và có lượng kháng thể trong huyết tương đủ cao, có nhóm máu tương thích, huyết tương phải sàng lọc các bệnh truyền nhiễm khác, như HIV , viêm gan B…

Thuốc chữa triệu chứng và biến chứng

Thuốc hạ sốt, giảm đau

WHO khuyến nghị có thể sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen để giúp giảm sốt và đau nhức trong COVID-19.

Thuốc corticoid

Các thuốc corticoid sử dụng ở một số người nhập viện với COVID-19 nghiêm trọng

Các thuốc như dexamethasone, prednisone, methylprednisolone là những loại thuốc chống viêm, chống dị ứng mạnh. Đặc biệt, corticoid có tác dụng rất rõ ở các ca bệnh có phản ứng siêu miễn dịch, bão cytokine. Chính phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch này làm tổn thương phổi và các cơ quan khác, và thường dẫn đến tử vong.

Các hướng dẫn điều trị COVID-19 đều khuyến cáo sử dụng dexamethasone ở một số người nhập viện với COVID-19 nghiêm trọng

Thuốc chống đông

Hầu hết các ca COVID-19 nhập viện đều được cho thuốc ngừa cục máu đông. Các bác sĩ thường cho heparin hoặc enoxaparin liều thấp. Một số bệnh nhân cần sử dụng đủ liều thuốc chống đông nếu đã hình thành cục máu đông hoặc có nguy cơ cao.

Thuốc ức chế IL-6 (IL-6 inhibitors)

Tocilizumab: Cũng là một chất ức chế IL-6 được phê duyệt cho bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vô căn ở trẻ vị thành niên. Tocilizumab ngăn chặn interleukin-6 (IL-6), loại protein liên quan đến các phản ứng miễn dịch tự nhiên của con người. IL-6 là một cytokine cảnh báo các tế bào khác để kích hoạt hệ thống miễn dịch, nhưng kích hoạt quá nhiều có thể gây ra cơn bão cytokine, có khả năng gây tử vong trong các ca COVID-19 nặng. Ngăn chặn IL-6, tocilizumab giúp làm dịu hệ thống miễn dịch và giúp khống chế cơn bão cytokine.

Sarilumab: Thuốc hoạt động tương tự như tocilizumab, cũng đang được sử dụng thử nghiệm trên các ca COVID-19 nặng. Tuy nhiên, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) khuyến cáo, không nên sử dụng các chất ức chế IL-6 như tocilizumab hoặc sarilumab đối với COVID-19 vì chưa nhiều dữ liệu lâm sàng.

Thuốc là chế phẩm sinh học rất đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người. Do đó, chỉ sử dụng những loại thuốc đã được nghiên cứu, thử nghiệm đầy đủ và đã được cơ quan có trách nhiệm phê duyệt, cho phép.

Thuốc ức chế kinase

Các chất ức chế kinase có tác dụng như ức chế IL-6 là chúng ngăn chặn các con đường tín hiệu miễn dịch giúp ngăn chặn cơn bão cytokine.

Một số chất ức chế kinase đang được thử nghiệm trong điều trị COVID-19 bao gồm: Acalabrutinib (calquence), baricitinib (olumiant), ruxolitinib (jakafi), tofacitinib (xeljanz).

NIH hiện khuyến cáo không nên sử dụng chất ức chế kinase (ngoài baricitinib) đối với COVID-19 vì chúng ức chế hệ thống miễn dịch một cách rộng rãi và có thể gây khó khăn cho việc chống lại nhiễm trùng.

Interferons

Interferon là các protein truyền tin, cytokine, thông báo cho cơ thể biết sự hiện diện của virus và tăng cường khả năng phòng thủ. Các nghiên cứu in vitro đã chỉ ra rằng interferon-alfa (IFN-α) và interferon-beta (IFN-β) có hoạt tính kháng virus SAR-CoV-2.

NIH hiện khuyến cáo không nên sử dụng interferon đối với các ca COVID-19 nặng vì không thấy lợi ích như các trường hợp nhiễm coronavirus khác, như MERS hoặc SARS và lo ngại về tính an toàn, cũng như chưa có đủ dữ liệu để đưa ra khuyến cáo dùng hay không cho các trường hợp nhẹ hoặc trung bình.

Nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch

Bổ sung vitamin từ thực phẩm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể

- Chế độ ăn dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài cung cấp năng lượng và các các chất tạo hình, chế độ dinh dưỡng tốt còn giúp tăng cường khả năng miễn dịch, chống stress oxy-hóa …

-Bổ sung vitamin

Vitamin D: Một số bằng chứng cho thấy rằng vitamin D giúp bảo vệ khỏi bị nhiễm và phát triển các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19: (1) Người có mức vitamin D thấp có thể dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hơn; (2) bổ sung vitamin D giúp giảm rõ nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.

Vitamin D giúp cơ thể chống lại COVID-19 theo hai cách: Đầu tiên, nó có thể giúp tăng cường khả năng bảo vệ tự nhiên chống lại virus và vi khuẩn. Thứ hai, giúp ngăn ngừa phản ứng viêm quá mức khiến bệnh COVID-19 trở nặng hơn.

Vitamin C: Nhiều bác sĩ tiêm tĩnh mạch liều cao vitamin C cho các bệnh nhân COVID-19 nặng với hy vọng rằng nó sẽ nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học rõ ràng và vitamin C không phải là một tiêu chuẩn điều trị. Cũng không có bằng chứng cho thấy uống vitamin C sẽ giúp ngăn ngừa COVID-19.

Cần lưu ý, vitamin C rất cần thiết cho cơ thể, nhưng dùng liều lượng cao có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm buồn nôn, chuột rút và tăng nguy cơ sỏi thận.

-Một số vị thuốc đông y như bạc hà, gừng, sả, xuyên tâm liên, gia vị…: Đây là những cách ngoại khoa, y học cổ truyền, hỗ trợ điều trị cảm cúm và các nhiễm virus chung. Chưa có nghiên cứu, khảo sát chính thống để có bằng chứng khoa học.

Thuốc còn bàn cãi

Baricitinib: FDA cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc trị viêm khớp dạng thấp baricitinib (Olumiant) để điều trị một số ca COVID-19, và cho phép kết hợp baricitinib với remdesivir dùng ở những ca COVID-19 nằm viện đang trợ oxy hay thở máy cơ học.

Azithromycin: Azithromycin là một loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn. Nó đã được chứng minh là có một số hoạt tính in vitro chống lại các coronavirus như cúm A và Zika, nhưng không có tác dụng với MERS.

Hiện tại, NIH hiện khuyến cáo không nên sử dụng azithromycin cho COVID-19.

Ivermectin: Ivermectin là một loại thuốc uống sử dụng để điều trị nhiễm côn trùng, ký sinh trùng ở gia súc, gia cầm. Nó cũng có sẵn dưới dạng kem dưỡng da hoặc kem để điều trị chấy và bệnh trứng cá đỏ. Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy ivermectin có thể ngăn SARS-CoV-2 nhân lên.

Tháng 3/ 2021, FDA khuyến cáo không dùng ivermectin để điều trị hoặc ngăn ngừa COVID-19. NIH không huyến nghị sử dụng hoặc không sử dụng ivermectin vì chưa đủ dữ liệu khoa học lâm sàng.

Colchicine: Colchicine là một thuốc giảm đau, giảm viêm thường được sử dụng cho bệnh gút. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng colchicine có thể hoạt động tương tự như tocilizumab (actemra) ở bệnh nhân COVID-19 ở chỗ nó có thể hữu ích nếu hệ thống miễn dịch trở nên quá kích hoạt và một cơn bão cytokine xảy ra. Tuy nhiên, những lý luận này chưa có dữ liệu chứng minh.

Theo TS.BS Trần Bá Thoại/SK&ĐS

Đọc thêm

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.
Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Với nhiều chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thực sự là động lực thúc đẩy công tác dân số trên địa bàn Hà Tĩnh phát huy hiệu quả.
Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Thông qua triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Hà Tĩnh, người dân sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị mà Đại danh y để lại.
 Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Hơn 1.300 trường hợp bệnh nhân nghèo đã được hỗ trợ phẫu thuật tim và mắt từ chương trình của Vinamilk đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh với tổng kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng.