Tội phạm làm giả giấy tờ, tài liệu diễn biến phức tạp

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, tình trạng làm giả giấy tờ, tài liệu; sử dụng giấy tờ giả để cầm cố, thế chấp, lừa đảo tại Hà Tĩnh diễn ra khá nhiều, gây hậu quả lớn cho xã hội.

Sáng 26/7/2024, TAND tỉnh tổ chức phiên toà hình sự trực tuyến liên tỉnh xét xử vụ án "Làm giả con dấu, tài liệu" đối với Lê Minh Luân (SN 1985, quận 7, TP Hồ Chí Minh) và 11 đồng bọn.

Các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm sáng 26/7.

Qua mạng xã hội, biết nhiều người có nhu cầu làm giả các loại giấy tờ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức nên tháng 5/2023, Luân rủ Huỳnh Minh Hiền (SN 1988, huyện Cần Giuộc, Long An), Thái Hoài Nhân (SN 1994, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh), Hồ Tấn Tín (SN 1994, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) tham gia góp tiền để mua các trang thiết bị phục vụ hoạt động làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

4 đối tượng đã mở các trang web rồi thuê người (không xác định được thông tin, lai lịch) đăng thông tin quảng cáo về việc làm các loại tài liệu giả uy tín, bảo mật, khó phát hiện; công khai đăng số điện thoại để người có nhu cầu liên hệ để cung cấp thông tin loại tài liệu cần làm giả, họ tên, tuổi, địa chỉ và địa điểm giao nhận, giá tiền.

Ngoài Luân, Hiền, Tín, Nhân, 8 đối tượng khác cũng đã tham gia vào đường dây làm giả con dấu, tài liệu này.

Sau khi xem xét các chứng cứ, tài liệu, HĐXX đã tuyên án 12 bị cáo tổng mức hình phạt 456 tháng tù về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo khoản 1, 2, 3, Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Hoàng Long (người đứng đầu) tại phiên xét xử vào sáng 25/4.

Trước đó, sáng 25/4/2024, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã xét xử Nguyễn Hoàng Long (SN 1991, quận 12); Phạm Nhựt Trường (SN 1999, TP Thủ Đức); Trần Văn Sang (SN 1998, quận 12) và Vương Hồng Thương (SN 1983, TP Thủ Đức), cùng trú tại TP Hồ Chí Minh về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Tiếp nhận tin báo của người dân Hà Tĩnh về việc một số đối tượng đăng tải thông tin làm giả các tài liệu của cơ quan, tổ chức như: giấy phép lái xe, các loại văn bằng, chứng chỉ... trên mạng xã hội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc xác minh. Qua đó xác định, vào khoảng đầu tháng 8/2023, Trường gặp Thương trao đổi về cách làm giả tài liệu và đặt mua trang thiết bị phục vụ việc làm giả tài liệu.

Từ ngày 15/8/2023 đến khoảng đầu tháng 9/2023, Trường đã đặt mua 240 phôi giấy phép lái xe giả của Trần Văn Sang. Trong khoảng thời gian từ 12/9/2023 đến ngày 20/9/2023, Long đã cung cấp thông tin đặt hàng của người khác để thuê Trường làm giả 4 tài liệu của cơ quan, tổ chức; thuê người (không rõ nhân thân, lai lịch) làm giả 8 tài liệu của cơ quan, tổ chức...

Khép lại phiên xử sơ thẩm, Nguyễn Hoàng Long bị kết án 4 năm tù giam, Phạm Nhựt Trường 3 năm tù giam, Trần Văn Sang 2 năm tù giam và Vương Hồng Thương 2 năm tù cho hưởng án treo về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Bị cáo Hoàng Thị Tuyết (SN 1985, trú thôn Thượng Hải, xã Gia Phố, huyện Hương Khê) tại phiên tòa sơ thẩm.

Ngoài việc xét xử về các bị cáo liên quan đến tội làm giả con dấu, tài liệu, thời gian qua, TAND tỉnh đã xét xử bị cáo Hoàng Thị Tuyết (SN 1985, trú thôn Thượng Hải, xã Gia Phố, huyện Hương Khê) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, khoảng tháng 3/2023, Tuyết còn có hành vi đặt mua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, rồi đưa đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (Phòng giao dịch huyện Hương Khê) để hỏi làm thủ tục thế chấp vay 100 triệu đồng thì bị phát hiện và bắt giữ. HĐXX đã tuyên án Hoàng Thị Tuyết 6 tháng tù giam về tội danh này.

Thẩm phán Bùi Quang Năng (TAND tỉnh) thông tin: "Hiện nay, xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận người dân, dịch vụ nhận làm giả bằng cấp, tài liệu, giấy tờ giả các loại xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội. Trong số đó, không ít đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo…) với công nghệ làm giả ngày càng tinh vi; gây nguy hiểm cho xã hội. Từ đầu năm đến nay, TAND 2 cấp tỉnh Hà Tĩnh đã xét xử 5 vụ/42 bị cáo liên quan đến tội làm giả con dấu, tài liệu".

Thẩm phán Bùi Quang Năng xét hỏi các bị cáo tại phiên xét xử vào sáng 26/7.

Phó Chánh án TAND tỉnh Bùi Văn Lam cho biết: "Hiện nay, tình trạng sử dụng tài liệu, giấy tờ giả để thực hiện hành vi lừa đảo xảy ra khá phổ biến; nhất là dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả trong các giao dịch tín dụng (để cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng) gây hậu quả lớn cho xã hội. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực cần phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra chặt chẽ khi thi hành công vụ nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng lợi dụng sự lỏng lẻo để sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả thế chấp hoặc chuyển nhượng nhằm chiếm đoạt tài sản. Cá nhân khi tham gia giao dịch bất động sản cũng cần kiểm tra kỹ giấy tờ trước khi thực hiện giao dịch; nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để phòng chống và đẩy lùi tệ nạn sử dụng giấy tờ giả".

Trong quá trình diễn ra phiên toà, HĐXX sẽ tích cực thông tin, tuyên truyền về các quy định của pháp luật cũng như chế tài xử lý liên quan đến các tội danh làm giả tài liệu, giấy tờ. Qua đó, nâng cao nhận thức pháp lý cho người tham gia phiên toà; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Chủ đề Tòa tuyên án

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói