Trầm tích trên đồi Con Công

(Baohatinh.vn) - Kể từ tháng 11/1972, sau đợt dội bom điên cuồng của giặc Mỹ, đồi Con Công (xã Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) đã trở thành huyền thoại với sự hy sinh của 23 chiến sỹ TNXP. Câu chuyện bi tráng ấy giờ đã thành trầm tích trong mạch nguồn sông núi quê hương, trong ký ức của các đồng đội…

Trầm tích trên đồi Con Công

Đoàn viên thanh niên xã Phú Lộc đến dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ TNXP trong dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc.

Không trở lại đồi Con Công cùng các cựu TNXP như những lần trước, lần này, chúng tôi trở lại cùng các đoàn viên thanh niên của xã Phú Lộc. Những gương mặt non trẻ, tươi sáng bỗng trở nên trầm tư hơn khi bước chân vào miếu thờ 23 liệt sỹ TNXP đã hy sinh tại đây trong mùa đông năm 1972.

Em Nguyễn Khánh Huyền - học sinh lớp 10A4, Trường THPT Can Lộc chia sẻ: “Vào những ngày lễ tết, chúng em đều cùng nhau đến đây dọn dẹp và dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ TNXP. Rất nhiều lần, chúng em còn may mắn được gặp lại đồng đội của các liệt sỹ. Những câu chuyện các bác kể lại là bài học lịch sử sinh động, bồi đắp cho chúng em lòng tự hào dân tộc, trở thành động lực để chúng em ra sức học tập, rèn luyện, trở thành người có ích, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Trầm tích trên đồi Con Công

Em Nguyễn Khánh Huyền tưởng niệm 23 liệt sỹ TNXP hy sinh tại đồi Con Công.

Công trình miếu thờ ghi danh 23 liệt sĩ được xây dựng năm 2010 bằng lòng mong mỏi và tâm huyết của những cựu TNXP từng chiến đấu tại đây. Trong không gian u tịch của ngôi miếu nằm sâu trong lòng núi, câu chuyện oanh liệt của một thời hoa lửa lại được chúng tôi kể cho nhau nghe, kể cho thế hệ trẻ của mảnh đất Phú Lộc.

Vào cuối năm 1968, Mỹ điên cuồng dội bom bắn phá tuyến đường 15A hòng cắt đứt tuyến vận chuyển vũ khí, nhân lực ra tiền tuyến. Cả vùng đất xung quanh tuyến đường 15A hầu như không còn tấc đất nào được bình yên. Lúc bấy giờ, để đáp ứng yêu cầu giữ huyết mạch hậu phương và tiền tuyến, Hà Tĩnh đã quyết định mở một con đường mới từ phà Linh Cảm - Đức Thọ nối với đường 15A, cách trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc gần 10 km, lấy tên là đường 70. Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 555 thuộc Tổng đội TNXP N55 - P18 được giao phụ trách giao thông cống 19, ngầm Vực Trống, làm đường 70 và đường 15A với nhiệm vụ phải giữ bằng được tuyến giao thông vận tải huyết mạch.

Trầm tích trên đồi Con Công

Hội Cựu TNXP huyện Cẩm Xuyên về dâng hương tưởng nhớ đồng đội tại miếu thờ trên đồi Con Công, tháng 7/2023.

Đại đội 555 đã chọn đồi Con Công (xã Phú Lộc, huyện Can Lộc) làm điểm đóng quân, để vừa trú ẩn vừa tác chiến. Tại đây, các chàng trai, cô gái đến từ nhiều miền quê Hà Tĩnh và các miền quê khác đã cùng nhau chiến đấu kiên cường.

Chiều ngày 13/11/1972, khi tất cả đang làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông thì bất ngờ một trận mưa bom trút xuống khiến 21 TNXP hy sinh. 21 người vừa khóc thương, chôn cất 2 đồng đội đi tiếp phẩm trúng bom hy sinh tại ngầm Nhân Lộc 2 ngày trước, nay cũng đã trở thành liệt sỹ. Trận đánh ở đồi Con Công trở thành điểm bắn phá gây nhiều tổn thất cho các lực lượng chiến đấu tại cung đường này.

Trầm tích trên đồi Con Công

Miếu thờ 23 liệt sỹ TNXP tại đồi Con Công.

Trở lại đồi Con Công, chúng tôi lại nhớ lại câu chuyện là cựu TNXP Lương Thị Tuệ - nguyên Đại đội trưởng C555 đã chia sẻ trong chuyến trở về Đồng Lộc. Bà chia sẻ: “Những ngày tháng đó, hầu như ngày nào chúng tôi cũng phải tiếp nhận thông tin về sự thương vong của các đồng đội tại các địa bàn trọng điểm. Dẫu có đau thương nhưng cũng không quá bất ngờ vì ngày nào giặc cũng bắn phá ác liệt.

18 giờ ngày 13/11/1972, máy bay B52 trút bom liên tục vào địa điểm đóng quân đồi Con Công, chúng đánh ba đợt kế nhau, đợt đầu trút bom, đợt hai bắn đạn rốc két, đợt ba thả bom bi. Đồi Con Công không còn một cây cỏ, con vật nào sống sót. Gần 20 lán ở của quân ta không còn một cái nào. Các kho vật tư, lương thực, thực phẩm đều bị bom đạn tàn phá. Đau đớn nhất, trong trận đánh đó, đơn vị chúng tôi đã chịu tổn thất quá nặng nề khi có đến 21 đồng chí hy sinh”.

Trầm tích trên đồi Con Công

Cựu TNXP Lương Thị Tuệ - nguyên Đại đội trưởng C555 (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng đội trong chuyến trở về Đồng Lộc tháng 7/2023.

Sự hy sinh của 23 chiến sỹ TNXP đóng tại đồi Con Công trong 2 ngày (11 và 13/11/1972) đã trở thành câu chuyện lẫm liệt, lan truyền khắp các chiến trường, khiến cho tinh thần yêu nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ngày càng dâng cao. Lớp lớp đồng đội đã tiếp tục đứng lên bảo vệ huyết mạch giao thông cho những chuyến xe qua. Và câu chuyện về những tháng ngày hoa lửa ấy vẫn vọng mãi đến các thế hệ cháu con trên vùng đất Đồng Lộc huyền thoại.

Trầm tích trên đồi Con Công

Trong các dịp đến dâng hương, tưởng nhớ các liệt sỹ, các đoàn viên thanh niên sẽ được nghe lại câu chuyện chiến đấu anh dũng của các TNXP.

Bí thư Đoàn xã Phú Lộc Nguyễn Thị Loan chia sẻ: “Mỗi lần đến dâng hương, nhìn lên tấm bia ghi danh 23 liệt sỹ TNXP, tôi đều cảm thấy day dứt. 23 liệt sỹ hy sinh ở đồi Con Công gồm 14 nữ và 9 nam; 1 người quê ở Thái Bình, còn lại là người Hà Tĩnh, tuổi đời từ 18-20, hầu hết chưa có gia đình. Khi tôi lớn lên, mộ của các liệt sỹ cũng đã được đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ quê nhà nhưng câu chuyện hy sinh ở đồi Con Công thì vẫn luôn được nghe ông, cha kể lại. Từ năm 2010, miếu thờ 23 liệt sỹ được xây dựng, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ quê hương”.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, sự kiện năm 1972 ở đồi Con Công đã trầm tích trong đó những truyền thống quý báu của dân tộc, mãi mãi là bản hùng ca của tuổi trẻ. Và mỗi tháng 7 trở về, trong niềm thương nhớ, tri ân của đồng đội và các thế hệ trẻ, sự hy sinh đó lại được nhắc nhớ, làm động lực cho những khát vọng cống hiến, kiến thiết quê hương.

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.