![Người dân Hương Sơn đội lễ trẩy hội Hải Thượng Lãn Ông năm 2025. bqbht_br_mua-xuan-ai-di-tray-hoi.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/052a12b3b20a4a7f30b56740373fe81c0b6dfa10a469080f1ae5afbe1a99da48d4b612a6563294bd4b80b37a0ca5b1141b6632693263ae901635c0eb6645b743/bht_brd_mua-xuan-ai-di-tray-hoi.jpg)
Nghĩ về lễ hội ngày xuân, tôi không khỏi liên tưởng đến 2 câu thơ trong Truyện Kiều: “Dập dìu tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Nhiều người cho rằng, cảnh sắc được miêu tả trong Truyện Kiều chính là phong cảnh quê hương núi Hồng - sông La, nơi gắn bó với Đại thi hào Nguyễn Du nhiều năm tháng tuổi trẻ. Vậy nên, cảnh lễ hội ở đây, trong tâm thức tôi cũng chính là lễ hội mùa xuân trên quê hương Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh là vùng đất cổ. Theo các tư liệu khảo cổ học, con người đã tụ cư ở đây từ hàng nghìn năm trước, kiến tạo nên những xóm làng, dòng tộc, từ đó, hình thành nên những phong tục tập quán, nét văn hóa độc đáo được trao truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó, lễ hội là một hoạt động văn hóa, tinh thần của Nhân dân được hình thành trong quá trình lịch sử, nhằm tôn vinh những “hình tượng thiêng liêng”, là những vị thần, Phật, người có công lao với đất nước, với cộng đồng, là điểm tựa tâm linh mang lại khát vọng ấm no, hạnh phúc cho mỗi người, những đấng siêu nhiên phù hộ cho “quốc thái, dân an”, che chở, bảo hộ cho Nhân dân…
Trong các lễ hội ở Hà Tĩnh thì lễ hội chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, Can Lộc) được tổ chức khai hội sớm nhất (vào mùng 6 tháng Giêng) và cũng kéo dài nhất (tới hết tháng Ba âm lịch).
![Chùa Hương Tích nhìn từ trên cao. bqbht_br_a13.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/b96ec624d4f58da77c9e7dd2900d9102c1686b8c134c52412b1da63e906edb89c64db0ec857a408f890642ce478df764/bht_brd_a13.jpg)
Lễ hội được hình thành cách đây hàng trăm năm và ngày càng được tổ chức quy mô, bài bản. Hơn 2 thập kỷ trước, ngôi chùa cổ nằm gần đỉnh núi, ở độ cao gần 700m so với mực nước biển vẫn còn giữ nhiều nét hoang sơ. Du khách lên chùa bái Phật, ngắm cảnh chỉ có một con đường đi bộ, với hàng ngàn bậc đá trải dài khoảng 3,5 km. Vậy nhưng, cứ mỗi dịp vào xuân, mỗi ngày có hàng nghìn người từ khắp mọi miền về tham quan, chiêm bái. Những ngày chính hội như Khánh đản Quán Thế âm Bồ tát (19/2 âm lịch), con đường từ chân núi lên đến chùa chính, dòng người “như nêm” hành hương về miền đất Phật. Trong sắc biếc non xanh của những cung đường, trong tâm thế thiện lành hướng về từ bi, an vui, tôi cảm nhận rõ nét sự hân hoan, vui tươi trên những khuôn mặt thấm đẫm mồ hôi của du khách. Lễ hội chùa Hương Tích cũng từ đó lưu lại bao dấu ấn, ký ức đẹp được trao truyền trong tâm thức nhiều thế hệ và lan tỏa mãi…
![bqbht_br_b3.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/168808cb3e354f9d8a844fc5d514acc7a9810729409357d8edf76b03cf72cd0a/bht_brd_b3.jpg)
![bqbht_br_a16.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/4502d943d4f29154e06b4de28e20b758dfae0f8f8b99cd5ed3e42387da9fa009c64db0ec857a408f890642ce478df764/bht_brd_a16.jpg)
![bqbht_br_a7.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/168808cb3e354f9d8a844fc5d514acc77e3b11e03de75db0283ceb3bbf32d9c6/bht_brd_a7.jpg)
Xuất phát từ sự tri ân các bậc tiền nhân, điểm chung của các lễ hội là phần lễ với nhiều nghi thức tế, rước… bày tỏ lòng thành cảm tạ các bậc thần, thánh đã có công với Nhân dân, đất nước trong quá khứ và hộ trì sự bình an, hưng vượng cho quê hương, người dân trong hiện tại. Để tạo nên không gian văn hóa, tăng tính cố kết cộng đồng, các lễ hội luôn có các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian sôi nổi, vui tươi, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Theo số liệu từ Sở VH-TT&DL, Hà Tĩnh hiện có hơn 70 lễ hội truyền thống được duy trì hằng năm, trong đó, đa số các lễ hội diễn ra vào mùa xuân. Tiêu biểu như các lễ hội: chùa Hương Tích (Can Lộc), Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn), đền Bà Hải (TX Kỳ Anh), đền Chợ Củi, cầu ngư làng Cam Lâm (Nghi Xuân), Đô Đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ và chùa Đại Hùng (TX Hồng Lĩnh), đền Trầm Lâm (Hương Khê), Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, Văn Miếu (TP Hà Tĩnh), chùa Chân Tiên (Thạch Hà)…
![b2.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/4acacf50dc340fed0e8b587b61338cfde0a9e6ba68f941a5dcd193ba40ee4f5f/b2.jpg)
![bqbht_br_b1.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/4acacf50dc340fed0e8b587b61338cfd40a77f85f8cf4a1520c6e78ee12f5113/bht_brd_b1.jpg)
Ngày nay, khi đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng đi lên, nhiều lễ hội truyền thống từng mai một được phục hồi; những lễ hội đã được duy trì từ trước được mở rộng quy mô, tổ chức bài bản, trở thành sự kiện văn hóa sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Với sự “giàu có” của các lễ hội văn hóa truyền thống, thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, các cấp, ngành và địa phương đang xây dựng lễ hội thành các sản phẩm du lịch thu hút du khách. Trong đó, tại Nghị quyết 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới đã nêu rõ: “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng, giàu bản sắc”. Nghị quyết cũng đã đề ra giải pháp “Bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, làng nghề, lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch”.
Thực hiện Nghị quyết 18 và chủ trương của các cấp, nhiều địa phương sở hữu các lễ hội truyền thống đã không ngừng phục hồi nhiều nghi thức lễ hội, mở rộng quy mô tổ chức để nâng tầm lễ hội. Trong đó, ngay từ đầu năm 2025, huyện Can Lộc đã tổ chức lễ khai hội chùa Hương Tích - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2025 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, thu hút hàng vạn lượt khách trong ngày đầu khai hội. Đặc biệt, tiếp tục phát huy giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, sau khi di tích Mộ và Khu lưu niệm đại danh y được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, huyện Hương Sơn đã tổ chức lễ hội Hải Thượng Lãn Ông với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Lễ hội diễn ra với chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian sôi nổi kéo dài từ mùng 8 đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ, gồm các hoạt động như: hội thi đua thuyền truyền thống trên sông Ngàn Phố, giải chạy việt dã leo núi Minh Tự, không gian biểu diễn dân ca ví, giặm, hội thi thư pháp, các gian hàng OCOP, dược liệu… và các nghi lễ rước, tế sinh động. Các lễ hội đã tạo nên sự kiện văn hóa hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa.
![bqbht_br_a6.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/7bcf9edff6982569cfe0f81ca47ae8e15c684d1b29193e55e5c96d4016d0095f/bht_brd_a6.jpg)
![bqbht_br_a8.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/7bcf9edff6982569cfe0f81ca47ae8e183e8da73fc0dfd09ee3b38d537e03fa8/bht_brd_a8.jpg)
![bqbht_br_a10.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/7bcf9edff6982569cfe0f81ca47ae8e16681c5981ff09383868099f51ab496c5c64db0ec857a408f890642ce478df764/bht_brd_a10.jpg)
Em Nguyễn Thị Thảo Vy - Trường THPT Hương Sơn - một trong 80 học sinh của trường được phân công tham gia đoàn lễ rước bài vị Đại danh y Lê Hữu Trác từ khu mộ (xã Sơn Trung) về khu lưu niệm (xã Quang Diệm) bày tỏ: “Em cảm thấy rất vui khi được tham gia vào lễ hội năm nay với vai trò mới - cầm cờ diễu hành cùng đoàn rước. Đây là niềm vinh dự và tự hào của em và các bạn, bởi lễ hội Hải Thượng Lãn Ông không chỉ là dịp tôn vinh, tri ân những công lao to lớn của vị đại danh y dân tộc mà còn thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của quê hương; có sự chứng kiến của du khách mọi miền”.
Du xuân tham gia vào các lễ hội truyền thống trên quê hương núi Hồng - sông La, người dân và du khách không chỉ được hòa mình vào không gian văn hóa tràn ngập sắc màu, thư giãn, tái tạo năng lượng cho một khởi đầu mới mà còn là dịp để dâng hương, chiêm bái các bậc tiền nhân tại các di tích. Qua đó, bày tỏ ước vọng về tài, lộc, bình an, may mắn cho một năm mới. Do vậy, trẩy hội đầu xuân, mỗi du khách đều sửa soạn, sắm sanh cho mình những lễ vật chỉn chu, thành tâm nhất.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh (du khách Nghệ An) cho biết: “Hằng năm, vào dịp đầu xuân, gia đình chúng tôi lại đi lễ chùa Hương Tích. Lễ vật để lễ Phật dù không quá cầu kỳ nhưng được chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng thể hiện sự thành tâm, gồm mâm ngũ quả, hoa tươi, hương, nến… Ngoài ra, chúng tôi cũng dành một ít tiền công đức để góp chút công sức tôn tạo ngôi chùa ngày một khang trang. Đi chùa, tham gia lễ hội đầu năm cũng là cách để tôi hướng các con của mình biết tri ân tiền nhân, quý trọng các giá trị văn hóa truyền thống…”.
![Cùng với thăm thú, vãn cảnh, du khách cũng giành thời gian đến với đình, chùa.... để thành tâm dâng nén hương thơm cầu an dịp đầu năm mới. a12.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/4acacf50dc340fed0e8b587b61338cfd147c0c83d7c21248872f3bccb6600ea9/a12.jpg)
Trong sắc xuân ngập tràn, mùa lễ hội thêm rộn ràng trên những miền quê Hà Tĩnh. Du khách bốn phương lại có cơ hội hòa mình vào những sắc màu, thanh âm lễ hội tươi vui rộn rã, để được khám phá những nét độc đáo của văn hóa, con người quê hương núi Hồng - sông La, những giá trị lịch sử xa xưa hiện hữu trong dòng chảy hôm nay, để hiểu biết thêm về những bậc tiền nhân có công lao xây dựng đất nước. Mỗi lễ hội là một sắc màu văn hóa đang ngày càng trở nên lung linh trong đời sống hiện đại, bởi đã được Nhân dân kế thừa, gìn giữ và phát huy.