Trung đội trưởng dân quân kể chuyện những ngày chống Mỹ ở Làng K130

(Baohatinh.vn) - Đã 55 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày dẫn dắt đội dân quân chiến đấu anh dũng trong mưa bom, bão đạn trên quốc lộ 1A vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức ông Nguyễn Xin - cựu Trung đội trưởng dân quân xã Tiến Lộc cũ (nay là thị trấn Nghèn, Can Lộc - Hà Tĩnh).

Trung đội trưởng dân quân kể chuyện những ngày chống Mỹ ở Làng K130

Ông Nguyễn Xin - cựu Trung đội trưởng Đội dân quân xã Tiến Lộc cũ

Ông Nguyễn Xin (SN 1950, tại thôn Hạ Lội, xã Tiến Lộc cũ, nay là tổ dân phố K130, thị trấn Nghèn, Can Lộc) được bầu làm Trung đội trưởng Đội dân quân xã Tiến Lộc vào tháng 1/1968 .

Lúc bấy giờ, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Hòng cắt đứt huyết mạch giao thông chi viện từ hậu phương ra tiền tuyến miền Nam, địch đã tăng cường bắn phá các tuyến đường 1A, 15A... Trong đó, cùng với Ngã ba Đồng Lộc, quốc lộ 1A đoạn từ cầu Thượng Gia (xã Thiên Lộc) đến cầu Già (xã Thạch Liên - Thạch Hà) là nơi hứng chịu liên tục “mưa bom” hằng ngày của đế quốc Mỹ, điểm giặc bắn phá ác liệt nhất thuộc xã Tiến Lộc cũ.

Để kịp thời nối lại huyết mạch giao thông, ông Nguyễn Xin đã lãnh đạo dân quân xã (gồm 12 thành viên đủ mọi lứa tuổi) thực hiện nhiệm vụ cắm tiêu bom, cùng các lực lượng TNXP, giao thông, bộ đội công binh... phá bom, làm đường cho xe ra tiền tuyến, đoạn từ cầu Ngựa (xã Tiến Lộc cũ) đến cầu Già.

Trung đội trưởng dân quân kể chuyện những ngày chống Mỹ ở Làng K130

Các đoàn viên, thanh niên thị trấn Nghèn (Can Lộc) nghe ông Nguyễn Xin kể chuyện về chiến tích Làng K130.

Ông Xin nhớ lại: “Không thể kể xiết sự ác liệt của thời điểm ấy, trung bình mỗi ngày, máy bay giặc thả từ 5-7 đợt bom với hàng trăm quả các loại như: bom nổ chậm, bom từ trường, bom bi... xuống mặt đường và khu vực lân cận. Mặt đường bị cày nát, nhiều lực lượng và người dân hy sinh, bị thương. Tuy vậy, không khuất phục trước kẻ thù, chúng tôi vẫn bám làng, bám đường để chiến đấu. Hễ cứ máy bay giặc tới, chúng tôi nấp vào bụi cây, mô đất đếm bom, đợi chúng thả xong lại tràn ra mặt đường để cắm tiêu, cùng lực lượng khác rà phá bom và làm đường, thông tuyến”.

Có rất nhiều kỷ niệm để nói về quãng thời gian chiến đấu nhưng có 3 dấu ấn khiến ông Xin không thể nào quên. Đó là lần ông kịp cứu một em bé thoát chết khi đang làm nhiệm vụ cắm tiêu bom. Hôm đó là một ngày giữa tháng 5/1968, sau loạt bom của Mỹ thả xuống mặt đường, ông Xin đang cắm tiêu bom nổ chậm thì phát hiện 1 cháu bé chừng 10 tuổi tiến tới 1 quả bom ông chưa kịp cắm tiêu, với mục đích lấy chong chóng. Hốt hoảng vì biết quả bom từ trường sẽ phát nổ, ông hét lên nhưng đứa bé vẫn không biết sợ, ông phải dùng súng bắn chỉ thiên cảnh báo. Nghe tiếng súng, đứa bé quay người bỏ chạy, vừa được chừng 20m thì quả bom phát nổ, đứa bé thoát chết, hiện giờ vẫn còn sống.

Kỷ niệm nữa là ông cùng trung đội dân quân xã kịp thời cứu 3 xe đạn bị cháy do trúng bom ở gần cầu Già.

Trung đội trưởng dân quân kể chuyện những ngày chống Mỹ ở Làng K130

Người dân làng Hạ Lội nay là Làng K130 dỡ nhà lát đường năm 1968. Ảnh tư liệu. (Nguồn: dangcongsan.vn)

Ngoài kỷ niệm cá nhân trên tuyến quốc lộ 1A, dấu ấn sâu sắc nhất của ông Xin trong quãng thời gian này, chính là cùng dân làng K130 thực hiện nhiệm vụ của cấp trên, mở đường xế cho xe ra tiền tuyến trong đêm 13/8/1968.

Ông Xin kể: “Đó là một đêm đáng nhớ nhất trong đời tôi cũng như của dân làng Hạ Lội. Trong đêm thức trắng đó, chỉ 8 tiếng đồng hồ sau khi có lệnh của cấp trên, với ý chí quyết tâm, toàn thể người dân chúng tôi đã cùng các lực lượng dỡ 130 ngôi nhà để mở đường. Chúng tôi gần như không cảm thấy mệt mỏi, mà phấn chấn, tự hào, nhất là khi đoàn xe đầu tiên rời bến ở miếu Mướp lên phà vượt sông thành công. Tôi còn nhớ, lúc đó trời vừa hửng sáng, sau cả đêm vất vả nhưng để tránh máy bay địch, tôi và anh em trong đội dân quân vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ ngụy trang bến phà, các xe còn lại chưa sang sông...”.

Trung đội trưởng dân quân kể chuyện những ngày chống Mỹ ở Làng K130

Tổ dân phố K130, thị trấn Nghèn (Can Lộc) hôm nay.

Nhờ sự hy sinh của dân làng K130 và các lực lượng, đường xế được mở đã nối liền huyết mạch giao thông, giúp các đoàn xe vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược ra chiến trường. Con đường được duy trì mãi cho đến ngày địch ngừng ném bom (năm 1972).

Ông Nguyễn Xin tiếp tục nhiệm vụ Trung đội trưởng Đội dân quân xã cho đến năm 1975. Từ năm 1976 - 1993, ông làm kế toán viên rồi kế toán trưởng HTX Nông nghiệp Trường Giang, sau này là HTX Nông nghiệp xã Tiến Lộc; năm 1994 - 2002 là Phó Chủ tịch HĐND xã, sau đó là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã; năm 2012-2015 là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Tiến Lộc.

Trung đội trưởng dân quân kể chuyện những ngày chống Mỹ ở Làng K130

Ông Nguyễn Xin và vợ là bà Nguyễn Thị Mai

Sau 47 năm cống hiến ở nhiều vai trò khác nhau, từ năm 2016 lại nay, ông Nguyễn Xin nghỉ việc ở xã nhưng vẫn tiếp tục công tác với vai trò như: Phó Bí thư Chi bộ thôn, hiện là Chi hội trưởng Hội CCB tổ dân phố K130 (thị trấn Nghèn).

Các giai đoạn xã Tiến Lộc cũ và nay là thị trấn Nghèn tiến hành xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, ông Nguyễn Xin tiếp tục thể hiện sự gương mẫu “đi đầu bước trước” khi tiên phong chấp thuận chủ trương di dời nhà cửa ven quốc lộ 1A để giải phóng mặt bằng làm đường. Sau khi chuyển về định cư trong khu dân cư, ông lại tiếp tục hiến 30 m2 đất để mở rộng đường ngõ TDP.

Ông Nguyễn Xin hiện có một gia đình hạnh phúc với 5 người con nay đã trưởng thành. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Mai (SN 1952) người cùng làng, từng tham gia tích cực trong lực lượng thanh niên, phụ nữ thời kỳ chống Mỹ.

Trung đội trưởng dân quân kể chuyện những ngày chống Mỹ ở Làng K130

Ông Nguyễn Xin cùng các ĐVTN thị trấn Nghèn trên tuyến đường tổ dân phố văn minh K130.

Không chỉ anh dũng trong thời chiến, góp phần cùng các lực lượng và dân làng Hạ Lội làm nên chiến tích Làng K130, trong thời bình, ông Nguyễn Xin là một cán bộ, đảng viên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều cống hiến cho quê hương. Dù đến nay tuổi đã cao nhưng ông vẫn tiếp tục công tác xã hội, đi đầu trong mọi phong trào, là tấm gương để mọi người noi theo.

Ông Phan Quốc Kiều
Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Nghèn

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.