Tự hào đất học An Hòa Thịnh

(Baohatinh.vn) - Dù cảnh cũ, người xưa đã đổi thay nhiều nhưng truyền thống hiếu học của xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn - Hà Tĩnh) vẫn như mạch nguồn chảy mãi...

Ngôi làng lấy sự học làm trọng

Truyền thống khoa bảng xã Sơn Hòa, Sơn Thịnh (nay là xã An Hòa Thịnh) được xây đắp lên từ nhiều dòng họ, trong đó nức tiếng nhất là 2 dòng họ Nguyễn Khắc và Đinh Nho ở làng Gôi Mỹ xưa. Dọc dài lịch sử đất nước, cả 2 dòng họ đều đóng góp nhiều nhân tài, góp phần viết nên “trang sử vàng” cho mảnh đất An Hòa Thịnh.

Tự hào đất học An Hòa Thịnh

Đền Gôi Vị thờ 4 vị phúc thần dòng họ Đinh Nho.

Từ 2 triều đại Lê và Nguyễn đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Gôi Mỹ mang danh là làng học xuất sắc, làng văn vật của đất Hương Sơn. Thời kỳ Nho học còn thịnh đạt, Hương Sơn có 12 vị đại khoa từ tiến sĩ đến phó bảng, trong đó có 3 người con thuộc dòng họ Đinh Nho và Nguyễn Khắc của đất Gôi Mỹ.

Hiện nay, tại xã An Hòa Thịnh, các di tích liên quan đến những nhân vật của dòng họ này như đền Gôi Vị (xã Sơn Hòa cũ), chùa Thịnh Xá và đền Bạch Vân (xã Sơn Thịnh cũ) đều đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Đền Gôi Vị được lập từ năm Đinh Dậu (1717), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13, đời vua Lê Dụ Tông. Ngôi đền thờ 4 vị phúc thần dòng họ Đinh Nho là: Tiến sĩ Đinh Nho Công, Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn, Tổng binh hương nghĩa hầu Đinh Nho Côn và bà tiết phụ Phan Thị Viên - vợ thứ của Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn.

Tự hào đất học An Hòa Thịnh

Đền Bạch Vân được Tiến sĩ Đinh Nho Công lập ra sau khi đỗ tiến sĩ khoa thi năm Canh Tuất (1670).

Liên quan đến Tiến sĩ Đinh Nho Công còn có đền cổ Bạch Vân với câu chuyện ly kỳ liên quan đến người bạn học Trần Toản ở Thanh Hóa. Đền Bạch Vân được Đinh Nho Công lập ra sau khi đỗ tiến sĩ khoa thi năm Canh Tuất (1670) để tri ân tình bạn cao cả của Trần Toản và về sau trở thành nơi cầu khoa danh của con cháu trong làng. Sau khi mất, Đinh Nho Công còn được người làng Thịnh Xá rước vào thờ ở đền Bạch Vân như một vị thành hoàng làng.

Tại đất học An Hòa Thịnh, dòng họ Nguyễn Khắc cũng là một dòng họ trứ danh khi phát huy được truyền thống học hành, khoa bảng. Đến đời thứ 11, với việc hậu duệ Nguyễn Khắc Niêm thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp), khoa thi đình Đinh Mùi tại Huế ở tuổi 18, tiếng tăm của dòng họ Nguyễn Khắc đã vang xa khắp cả nước.

Nguyễn Khắc Niêm là một đại thần triều Nguyễn, từng 2 lần được cử làm Phủ doãn Thừa Thiên, Tuần vũ Khánh Hòa, Tổng đốc Thanh Hóa, nhiều lần tham gia Hội đồng giám khảo các khoa thi... Sau Cách mạng tháng Tám, cụ tham gia nhiều tổ chức văn hóa - xã hội từ cấp xã đến tỉnh và đã được cử làm Ủy viên Ủy ban Liên Việt Liên khu 4.

Tự hào đất học An Hòa Thịnh

Các con của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (từ phải sang): GS Nguyễn Khắc Dương, BS Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Khắc Phi và nhà văn Nguyễn Khắc Phê (năm 1996). Ảnh: Internet.

Các con của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm cũng đã tiếp bước truyền thống hiếu học khoa bảng của dòng họ, góp công sức xây dựng đất nước. Trong đó, bác sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện là người xuất sắc nhất với nhiều thành tựu nghiên cứu trên các lĩnh vực y học, chính trị - xã hội, văn hóa, thể thao và tâm lý, giáo dục; kế đó là GS - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Khắc Phi trên lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu văn học.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê - con trai của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, trong các tác phẩm của mình cũng đã dành nhiều trang thể hiện niềm tự hào được sinh ra trên vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử. Trong tác phẩm “Số phận không định trước” (trang 10), ông đã dành nhiều câu văn nói về quê hương mình: “... Mảnh đất với hồn thiêng sông núi nuôi nấng, chở che mình những năm ấu thơ cũng là “nơi bắt đầu” hệ trọng của đời người...”.

Sự kế tiếp của thế hệ sau

Như mạch nguồn chảy mãi, các thế hệ con cháu của xã An Hòa Thịnh đã nối tiếp, phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, trau dồi tri thức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Và hơn hết, đây vẫn là một làng quê mà người dân lấy sự học làm trọng. Công tác xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học đều được đưa vào hương ước, quy ước.

Tự hào đất học An Hòa Thịnh

Các thế hệ của dòng họ Đinh Nho luôn nhớ ơn tổ tiên.

Ông Đinh Nho Giang - thành viên tộc biểu họ Đinh Nho cho biết: "Để khuyến khích tinh thần học tập của thế hệ sau, dòng họ đã thành lập quỹ khuyến học. Hằng năm, chúng tôi tổ chức phát thưởng cho các học sinh có thành tích cao trong học tập. Nhiều em thành đạt trở thành giáo sư, tiến sĩ... đem lại niềm vinh dự, tự hào cho cả dòng họ".

Công tác khuyến học tại dòng họ Nguyễn Khắc cũng luôn được coi trọng hàng đầu. Hằng năm, nhân ngày giỗ tổ vào rằm tháng Bảy, dòng họ tổ chức báo cáo với tổ tiên và khen thưởng con cháu có thành tích tốt trong học tập.

Tự hào đất học An Hòa Thịnh

Con cháu dòng họ Nguyễn Khắc tiếp tục phát huy tinh thần hiếu học của cha ông.

Ông Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng ban Khuyến học dòng họ Nguyễn Khắc cho biết: “Để khơi dậy lòng tự hào, quyết tâm vượt khó vươn lên, những người lớn tuổi luôn giáo dục con cháu biết về truyền thống tốt đẹp của dòng họ. Chúng tôi cũng luôn duy trì quỹ khuyến học hơn 100 triệu đồng để dành kinh phí trao thưởng, động viên con cháu”.

Tại ngôi trường THCS mang tên bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ở xã An Hòa Thịnh, giáo viên và học sinh đã và đang nỗ lực tiếp bước các thế hệ đi trước để làm rạng danh quê hương.

Tự hào đất học An Hòa Thịnh

Giáo viên và học sinh Trường THCS Nguyễn Khắc Viện luôn tự hào về truyền thống quê hương.

Cô Hà Thị Thương Huyền - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi thế hệ học sinh đã nỗ lực viết tiếp “trang sử vàng” của quê hương, nỗ lực phấn đấu trong học tập, công tác nhằm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Mới đây nhất, năm học 2022-2023, kết quả thi Olympic các môn văn hóa, trường xếp thứ nhất toàn huyện với 58 giải; thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng đã đạt được 8 giải...”.

Trong hành trình tiếp nối truyền thống văn hóa quê hương, các thế hệ con cháu của dòng họ Nguyễn Khắc, Đinh Nho nói riêng và xã An Hòa Thịnh nói chung cũng đã gặt hái được nhiều thành tích làm rạng danh tiên tổ. Nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học nổi tiếng, doanh nhân thành đạt... đã và đang công tác trong và ngoài nước là minh chứng cho sự đỗ đạt, thành công trên con đường học vấn.

Gửi gắm mong muốn tới thế hệ sau, nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho biết: “Sống ở một xã hội phát triển sôi động như hiện nay, tôi hy vọng lớp trẻ quê hương không ngừng trau dồi kiến thức, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Bên cạnh đó, phải luôn chăm lo gìn giữ cốt cách, phẩm chất tốt đẹp mà ông cha đã bồi đắp nên qua bao thế hệ...”.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống