Từ cuối tháng 6 đến khoảng tháng 11, thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho muỗi phát triển chính là thời kỳ cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH). Theo tổng hợp từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dịch sốt xuất huyết đang gia tăng ca mắc.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát công tác phòng, chống dịch SXH tại huyện Lộc Hà.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 199 ca mắc SXH. Đến thời điểm này, đang còn 2 ổ dịch tại TDP Nhân Thắng và TDP Thắng Lợi đều ở phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) với tổng số 25 ca mắc.
Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên - Khoa Truyền Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa TX Kỳ Anh) cho biết: “Từ ngày 11/7 đến nay, có 31 bệnh nhân SXH vào khoa điều trị, trong đó có 15 người đã ra viện. Qua điều tra cho thấy, một số bệnh nhân khi mới xuất hiện bệnh đã không đi khám mà tự ý mua thuốc sử dụng, không đỡ mới vào viện để thăm khám. Hầu hết, những trường hợp này thường bị mất nước, hạ kali máu, tiểu cầu giảm mạnh, sốt, nôn, đi ngoài phân lỏng, đau bụng... Việc điều trị đối với những bệnh nhân này khó khăn hơn, thời gian điều trị sẽ lâu hơn”.
Bác sỹ BVĐK thị xã Kỳ Anh thăm khám cho một bệnh nhân bị SXH.
Cùng với SXH, trong hơn 2 tuần trở lại đây số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Trung bình có từ 100 đến trên 150 ca mắc, tăng hơn 40% so với thời điểm trước. Hiện tại đang có 46 F0 điều trị tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và huyện; 729 F0 điều trị, theo dõi tại nhà.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, để tiếp tục phòng, chống hiệu quả với dịch bệnh COVID-19, nhất là trong bối cảnh xuất hiện nhiều biến thể phụ, các mũi tiêm trước suy giảm dần miễn dịch theo thời gian thì việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 các mũi nhắc lại đối với người từ 12 tuổi trở lên, mũi 2 đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có ý nghĩa rất lớn trước những làn sóng dịch mới, giảm nguy cơ mắc, nguy cơ diễn biến nặng, nguy cơ lây lan cho cộng đồng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 ở lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 mới chỉ đạt trên 52%, mũi 2 mới chỉ đạt trên 31%. Còn đối với lứa tuổi từ 12 đến dưới 18, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 1 mới chỉ đạt trên 18%.
Cán bộ y tế TP Hà Tĩnh tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đợt 13 cho trẻ em.
Nguyên nhân được cho là do một bộ phận người dân đang có tâm lý chủ quan, e dè trong việc tiêm phòng các mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho trẻ. Mặt khác, đang trong thời điểm nghỉ hè nên công tác tuyên truyền, tập hợp để tổ chức tiêm phòng một cách đồng bộ tại trường học sẽ gặp nhiều khó khăn, hạn chế hơn.
Đối với cúm mùa, số lượng bệnh nhân mắc đang gia tăng theo từng ngày. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 10.000 ca mắc cúm mùa. Đặc biệt, thời gian gần đây, mỗi ngày có hơn 60 trẻ em vào các cơ sở y tế để điều trị cúm mùa.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Chí Thanh kiểm tra, đôn đốc công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại huyện Nghi Xuân
Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tại Hà Tĩnh, từ cuối tháng 6 đến tháng 11 là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus sinh sôi và phát triển một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm mùa, sốt xuất huyết, COVID-19... dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch là rất lớn. Vì thế, để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là sự chung tay của cộng đồng.
Người dân cần phải tự giác tuân thủ các khuyến cáo phòng, chống dịch của ngành chuyên môn, nhất là trong công tác tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định. Đồng thời, mỗi người dân còn phải là một tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.