Việt Nam gần đạt mốc tiêm 100 triệu liều vaccine

Đến tối 15/11, Việt Nam gần đạt mốc tiêm chủng 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó có 64,3 triệu người được tiêm mũi một, gần 35 triệu người tiêm đủ liều.

Việt Nam gần đạt mốc tiêm 100 triệu liều vaccine

Nhân viên y tế đến từ tỉnh Bắc Giang hỗ trợ tiêm vaccine cho người dân Quận Long Biên, Hà Nội, tháng 9/2021. Ảnh: Giang Huy

Theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Long An là địa phương đầu tiên đã hoàn thành tiêm mũi hai cho 100% dân số trưởng thành. Khánh Hòa có tỷ lệ tiêm phủ mũi hai cao thứ hai cả nước, với 96% dân số. Hà Nội và TP HCM đều đã phủ mũi hai cho hơn 80% dân số trưởng thành.

Các tỉnh, thành đã bao phủ mũi một cho tất cả dân số từ 18 tuổi là: TP HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An, Khánh Hòa.

Sơn La có độ bao phủ vaccine mũi một thấp nhất cả nước, với gần 48% dân số; tiếp sau là Thanh Hóa (51%); Nam Định (59%); Nghệ An (60%).

Địa phương có độ bao phủ mũi hai thấp nhất là Thái Bình và Đăk Lăk (hơn 9%); Tuyên Quang, Quảng Bình (11%); Gia Lai (12%).

Các loại vaccine được sử dụng ở Việt Nam hiện nay là: Astra Zeneca; Moderna; Pfizer – BioNTech; Johnson & Johnson; Vero Cell; Hayat-Vax; Abdala; SputnikV.

PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp y tế công cộng, cho rằng đây là cột mốc quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, cũng như trong việc phòng chống dịch bệnh của Việt Nam.

Theo ông, khi người dân được tiêm một mũi vaccine, đã có hiệu quả bảo vệ nhất định. Những người được tiêm đủ liều có hiệu quả bảo vệ cao, giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong nếu nhiễm bệnh. Vì vậy, hệ thống y tế sẽ tránh được tình trạng quá tải. “Đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam chuyển hướng chiến lược từ zero Covid sang thích ứng an toàn”, ông Phu nói.

Tuy nhiên, ông khuyến cáo các địa phương cần rà soát để đánh giá tỷ lệ người già, người có bệnh nền được tiêm đủ liều vaccine, bởi đây là nhóm dân số dễ bị tổn thương nếu nhiễm bệnh. Đồng thời, các địa bàn nguy cơ cao, đô thị lớn, mật độ dân số đông, giao lưu, đi lại nhiều cần tiếp tục tăng tốc bao phủ đủ liều vaccine cho tất cả dân số trưởng thành.

“Chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam thời gian gần đây được thực hiện nhanh chóng, tốc độ tiêm chủng cao, nên sau 7 tháng đã đạt được mốc quan trọng này”, ông Phu đánh giá.

Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 từ đầu tháng 3/2021, với những liều Astra Zeneca đầu tiên dành cho lực lượng tuyến đầu ở Hà Nội, TP HCM, Hải Dương.

Trong quá trình tiêm chủng, Bộ Y tế nhiều lần đốc thúc các địa phương đẩy nhanh tốc độ. Từ cuối tháng 8, đầu tháng 9, nhiều địa phương đã tăng tốc tiêm chủng. Đơn cử từ đầu tháng 9, được sự chi viện của nhiều địa phương, Hà Nội đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng và xét nghiệm “hai trong một” thần tốc, có ngày đạt hơn nửa triệu liều.

Báo cáo trước Quốc hội ngày 8/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói đến nay, Việt Nam có thỏa thuận đơn hàng gần 200 triệu liều; đã tiếp nhận 125 triệu liều. Số lượng vaccine đảm bảo tiêm đủ liều cho dân số (từ 18 tuổi) vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi ba vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất; đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia; là một trong nhóm ba nước có tốc độ tiêm nhanh nhất khu vực. Ngày cao điểm, cả nước tiêm được hơn 2 triệu liều.

Tham gia giải trình trước Quốc hội ngày 10/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, miền Bắc còn thiếu 23 triệu liều để tiêm đủ mũi hai cho người trưởng thành; miền Trung cần thêm 5 triệu liều; Tây Nguyên 2,5 triệu liều; miền Nam 4 triệu liều. Số lượng vaccine còn thiếu này dự kiến được cung cấp trong tháng 11.

Tại cuộc họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, phấn đấu tiêm hết số vaccine đã nhập về trong tháng 11.

Theo Viết Tuân/VnExpress

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.
Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Với nhiều chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thực sự là động lực thúc đẩy công tác dân số trên địa bàn Hà Tĩnh phát huy hiệu quả.
Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Thông qua triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Hà Tĩnh, người dân sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị mà Đại danh y để lại.
 Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Hơn 1.300 trường hợp bệnh nhân nghèo đã được hỗ trợ phẫu thuật tim và mắt từ chương trình của Vinamilk đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh với tổng kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng.