Việt Nam sẽ “xây dựng cơ chế phù hợp với hộ chiếu vaccine”

Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 nghe phân tích về chính sách hộ chiếu (visa) vaccine của một số nước, tại cuộc họp chiều 12/3.

Cuộc họp do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. Theo đó, liên quan đến “visa vaccine”, ở Việt Nam, Bộ Y tế đã có những bước chuẩn bị ban đầu.

Trước mắt, Bộ Y tế cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng lớn sẽ tăng cường xây dựng, cố gắng hoàn thiện hệ thống giải pháp kỹ thuật liên quan dến “visa vaccine” trong thời gian sớm nhất, phấn đấu vào đầu tháng 4/2021.

Tuy nhiên, Thường trực Ban chỉ đạo nêu rõ chính sách cụ thể liên quan đến “visa vaccine” phải căn cứ vào những đánh giá tiếp theo về tính an toàn, khả năng miễn dịch của từng loại vaccine và ở từng nước, từ đó có cơ chế phù hợp, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ “mục tiêu kép” nhưng phải đảm bảo an toàn.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 5/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã được tiêm vaccine ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam bảo đảm an toàn.

Việt Nam sẽ “xây dựng cơ chế phù hợp với hộ chiếu vaccine”

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, chiều 12/3. Ảnh: Đình Nam

Tại cuộc họp, Thường trực Ban chỉ đạo cũng đã nghe Bộ Y tế và các đơn vị liên quan báo cáo về thực tế trước đây khi một số nơi có dịch, việc quản lý và đi lại của người dân, hàng hóa chưa được thống nhất, cho nên một số địa bàn, địa phương bị ách tắc. Thậm chí những người đi về từ địa phương có vùng dịch, ổ dịch thì việc quản lý, yêu cầu khai báo y tế không thống nhất.

Vì vậy, thường trực Ban chỉ đạo giao cho Bộ Y tế sớm thiết lập hệ thống bằng giải pháp công nghệ quản lý chặt chẽ những người có nguy cơ lây nhiễm thống nhất. Một mặt vừa kiểm soát dịch bệnh, mặt khác không ngăn sông, cấm chợ, không tạo sự kỳ thị.

Chuyên gia cũng nhắc lại yêu cầu của Thường trực Ban chỉ đạo đối với Bộ Y tế, đó là phải chỉ đạo khẩn trương rà soát lại các đơn vị làm xét nghiệm và báo cáo về các trường hợp xét nghiệm âm tính, nhưng khi ra nước ngoài lại dương tính. Điển hình là trường hợp ở Hải Dương nhập cảnh vào Nhật Bản và gần đây là 2 trường hợp ở Hải Phòng nhập cảnh vào Australia.

Hiện nay do chưa có chủ trương và quy định mới từ Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 về hộ chiếu vaccine, nên “người nhập cảnh Việt Nam hiện vẫn phải cách ly đủ 14 ngày”, theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Hộ chiếu vaccine là tài liệu kỹ thuật số chứng minh một cá nhân đã được tiêm phòng virus, trường hợp này là Covid-19 (còn được gọi là thẻ sức khỏe kỹ thuật số). Tài liệu này được lưu trữ trên điện thoại hoặc ví kỹ thuật số, dữ liệu hiển thị dưới dạng mã QR.

Một số nước đã phát hành hộ chiếu vaccine Covid-19, như Trung Quốc. Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine và giảm thời gian cách ly bắt buộc những người đã tiêm chủng. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi thận trọng với các loại hộ chiếu y tế, yêu cầu các nhà chức trách và nhà điều hành du lịch không coi bằng chứng về việc tiêm chủng là điều kiện để du lịch quốc tế.

Theo VNE

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.