“Vỡ” liên kết trồng ớt ở Vũ Quang: Doanh nghiệp, người dân đều có lỗi!

(Baohatinh.vn) - Du nhập nghề mới - trồng ớt khảo nghiệm bằng hình thức liên kết tưởng rằng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho các hộ dân ở Vũ Quang. Vậy nhưng, mô hình liên kết này đã sớm thất bại khi người dân và doanh nghiệp (DN) không thực sự “chung một con thuyền”.

Doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người” khiến nhiều hộ dân “ngậm đắng nuốt cay”.

Doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người” khiến nhiều hộ dân “ngậm đắng nuốt cay”.

Vụ xuân 2015, 26 hộ dân tại thôn Hợp Thắng (xã Hương Minh) tham gia trồng ớt liên kết với Công ty CP Stevia Ventures (trụ sở đóng tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) trên diện tích 2 ha. Theo đó, tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được công ty cho khất nợ và sẽ được khấu trừ vào tiền thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, kết thúc 2 vụ thu hoạch, nhận thấy hiệu quả từ ớt đem lại không bằng cây lạc, ngô trên cùng diện tích nên người dân chẳng còn mặn mà.

Không đi tới cái kết có hậu nhưng người dân Hương Minh và DN “đường ai nấy đi” không để lại điều tiếng. Trong khi đó, “người hàng xóm” Hương Thọ lại đang “nổi sóng” khi 98 hộ dân tại thôn 1, thôn 4 phải sống trong cảnh lao đao do DN “một đi không trở lại”.

Theo hợp đồng được ký kết với xã Hương Thọ vào tháng 3/2015, Công ty Stevia cung ứng cây giống và hỗ trợ 50% tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 50% còn lại do nhân dân tự túc. Ngoài ra, công ty còn nhận hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm (ớt tươi, ớt khô và lá) cho bà con. Người dân có trách nhiệm chăm sóc ớt theo đúng quy trình dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Triển khai mô hình, tại Hương Thọ hình thành 9 tổ hợp tác với 98 thành viên chuyển đổi 3,7 ha đất cát pha tương ứng với 2 mùa vụ trồng ớt. Tuy nhiên, đến mùa thu hoạch vào tháng 6/2015, ớt bị DN thu mua với giá rẻ. Đáng nói hơn, đến nay, DN vẫn còn nợ tiền ớt của dân 9,3 triệu đồng!

Chỉ vào số ớt khô đã mốc xanh mốc đỏ, bà Nguyễn Thị Hoan (thôn 4) ngậm ngùi: “Khi thu hoạch, nhiều gia đình túng tiền đành bán với giá 3.000 đồng/kg ớt tươi, nhưng do đã ký hợp đồng với phía công ty nên tôi không bán. Đến nay, số ớt khô đã mốc đen không còn sử dụng được, công sức mấy tháng chăm bẵm giờ trôi sông đổ bể".

Do mang nặng tư tưởng mô hình được hỗ trợ tiền nên người dân đã trông chờ ỷ lại, thiếu đầu tư chăm sóc

Do mang nặng tư tưởng mô hình được hỗ trợ tiền nên người dân đã trông chờ ỷ lại, thiếu đầu tư chăm sóc

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ - Nguyễn Hùng Cường, nhiều lần xã cố gắng liên lạc với phía công ty nhưng không thành.

Ông Cường cũng thừa nhận, sự việc này cũng có phần nguyên nhân là do hầu hết sản phẩm không đáp ứng về hình thức và năng suất theo cam kết ban đầu, DN thu mua với giá rẻ và chỉ mua 1 lần với số lượng ít. Thực tế là cây trồng bị gieo chậm thời vụ 1 tháng (tháng 3/2015) và gặp thời tiết nắng nóng, hạn hán nên dẫu xã đã hỗ trợ tiền điện, phân bón, đồng thời, lắp đặt hệ thống tưới nhưng ớt vẫn không tránh khỏi hiện tượng sâu bệnh, rụng quả, thối rễ.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang - Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan về thời tiết, thời điểm xuống giống chậm; người dân còn có lỗi do mang nặng tư tưởng mô hình được hỗ trợ tiền nên đã trông chờ ỷ lại, thiếu đầu tư chăm sóc, không mặn mà với loại cây trồng mới. Trong suy nghĩ của nhiều người, đi chặt keo còn được 200.000 đồng/ngày nhưng trồng ớt chẳng biết được bao nhiêu.

Việc đổ vỡ liên kết sản xuất ớt ở Vũ Quang cho thấy, trước hết là DN không tuân thủ các điều khoản hợp đồng đã được ký kết, chưa chuyển giao triệt để KHKT cho người dân. Bên cạnh đó, người dân chẳng thiết tha, tâm huyết với cây trồng mới dẫn đến năng suất, chất lượng không đảm bảo theo cam kết. Ngoài ra, sự non yếu của chính quyền địa phương trong vai trò “bà đỡ” của mối liên kết giữa DN và người dân cũng là một trong những nguyên nhân khiến mô hình này thất bại.

Đây chính là điều cần phải nhìn nhận, rút bài học trong quá trình xây dựng các mô hình liên kết sản xuất đảm bảo hiệu quả bền vững.

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.