Vượt lên nghịch cảnh, chàng trai khiếm thị Hà Tĩnh trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình

(Baohatinh.vn) - Từng nghĩ mình sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình khi thị lực yếu dần và rồi mù hẳn nhưng bằng nghị lực, đến nay, anh Nguyễn Thanh Tùng (34 tuổi ở thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người cha già và vợ con.

Là một người khiếm thị hoàn toàn nhưng anh Nguyễn Thanh Tùng (SN 1988, ở tổ dân phố 5, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân) hiện là chủ một cơ sở tẩm quất tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 hội viên cùng cảnh ngộ có thu nhập ổn định.

Vượt lên nghịch cảnh, chàng trai khiếm thị Hà Tĩnh trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình

Anh Nguyễn Thanh Tùng (hội viên Hội người mù huyện Nghi Xuân).

Anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Năm 14 tuổi, khi đang học lớp 8 thì tôi bị đau mắt rồi bị mờ dần. Bố mẹ tôi dốc hết tiền của để đưa tôi đi chữa bệnh nhưng suốt nhiều năm liền bệnh không thuyên giảm. Căn bệnh thiên đầu thống (tăng nhãn áp glocom) không thể chữa được. Năm 2006, thời điểm tôi tốt nghiệp THPT cũng là lúc mắt tôi chỉ nhìn được lờ mờ trong khoảng cách 10m. Lúc đó, tôi nghĩ mình không còn có tương lai nữa”.

Biến cố ập đến khi năm 2008, trong khi bố con anh đang đi chữa bệnh thì mẹ anh ở nhà bị tai nạn về điện và mất. Buồn khổ càng khiến bệnh tình của anh Tùng nặng thêm. Cũng trong thời điểm này, biết tin chị Đậu Thị Bé (quê ở Nghĩa Đàn, Nghệ An) là vợ anh bây giờ (cả 2 quen nhau khi chị Bé đưa bà ngoại đi chữa bệnh về mắt) đã vượt cả trăm cây số đến bên anh động viên an ủi. Nhờ vậy, anh Tùng dần lấy lại tinh thần, hai năm sau đó họ kết hôn rồi sinh con nhưng đúng 4 ngày sau sinh nhật con gái tròn 1 tuổi, bệnh tái phát khiến anh Nguyễn Thanh Tùng mù hẳn.

Vượt lên nghịch cảnh, chàng trai khiếm thị Hà Tĩnh trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình

Anh Nguyễn Thanh Tùng thực hiện công việc tẩm quất, mát xa cho khách hàng tại cơ sở của mình.

“Một buổi sáng ngủ dậy, không còn thấy gì nữa, tôi hoang mang gọi mọi người: Bố ơi con không thấy bố nữa, vợ ơi anh không thấy em nữa, con gái ơi, bố không nhìn thấy con nữa... Bố và vợ tôi đều khóc. Mặc dù, tôi và mọi người hiểu điều đó sẽ đến nhưng trở thành người khiếm thị hoàn toàn, tôi vẫn sốc, đau khổ và bi quan rất nhiều, nhất là lo mình không biết làm gì để nuôi con và gánh nặng cho vợ”- anh Nguyễn Thanh Tùng kể lại.

Năm 2014, được sự động viên và hỗ trợ của Hội Người mù Nghi Xuân, anh Nguyễn Thanh Tùng vào TP Hà Tĩnh học chữ braille, sau đó đi học nghề mát xa, tẩm quất. Cuối năm 2014, hoàn thành khóa học, anh bắt đầu vào làm việc tại cơ sở tẩm quất của hội người mù huyện. Không chỉ thực hành những kiến thức đã học, anh Tùng còn không ngừng tự học thêm, nâng cao tay nghề. Nhờ đó, anh trở thành một trong những nhân viên giỏi của cơ sở, được nhiều khách hàng lựa chọn.

Vượt lên nghịch cảnh, chàng trai khiếm thị Hà Tĩnh trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình

Anh Nguyễn Thanh Tùng có cuộc sống hạnh phúc bên vợ và các con.

Do điều kiện đi lại vất vả, vợ lại sinh đứa con thứ 2 nên cuối năm 2016, anh Tùng xin phép hội được mở cơ sở riêng tại nhà. Tạo điều kiện cho hội viên, Hội Người mù Nghi Xuân đã hỗ trợ cho anh vay 10 triệu đồng. Cùng nguồn vốn của Hội và vay mượn thêm 26 triệu đồng, anh Tùng mở một phòng tẩm quất tại nhà ở thị trấn Xuân An với đầy đủ trang thiết bị và các dịch vụ, như: tẩm quất, mát xa mặt, giác hơi, xông hơi thảo dược, chiếu đèn laser, hồng ngoại... Có tay nghề cao và có nhiều mối khách quen từ trước đó, cơ sở của anh Tùng nhanh chóng được nhiều khách hàng tìm đến.

Đến nay, sau 6 năm hoạt động, cơ sở tẩm quất của anh Nguyễn Thanh Tùng đã trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ của nhiều khách hàng khu vực Nghi Xuân và TP Vinh (Nghệ An) mà còn cả khách du lịch đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan... Trong đó, nhiều du khách đến từ nước ngoài sau khi sử dụng dịch vụ của cơ sở đã giới thiệu cho bạn bè, người thân khi sang Hà Tĩnh và Nghệ An du lịch.

Vượt lên nghịch cảnh, chàng trai khiếm thị Hà Tĩnh trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình

Từng nghĩ sẽ phải cưu mang con suốt đời nay, ông Nguyễn Trọng Tài (bố anh Tùng) cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì những điều người con kém may mắn của ông mang lại. Trong ảnh: Ông Tài vui chơi cùng 3 cháu nội là các con của anh Tùng và chị Bé.

Nhờ có dịch vụ uy tín, chất lượng, cơ sở của anh Tùng luôn duy trì đều đặn lượng khách ổn định từ 15-20 khách/ngày, những dịp cao điểm có khi lên đến 40 khách/ngày. Cùng với phục vụ tại cơ sở, anh Tùng còn nhận phục vụ tại gia đình và du khách nghỉ dưỡng ở các khách sạn trên địa bàn Nghi Xuân và vùng lân cận.

Hiện, cơ sở anh thường xuyên có 4 lao động là hội viên người mù cùng làm việc, thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Riêng anh Nguyễn Thanh Tùng, cùng với công việc quản lý và làm nhân viên tẩm quất, anh còn làm dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe và bán các sản phẩm đi kèm, thu nhập trung bình từ 30-35 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Trọng Tài (70 tuổi, bố anh Tùng) chia sẻ: “Tôi cảm thấy tự hào về con trai của mình. Lúc con bị mù, tôi đã xác định sẽ cưu mang nó như một người tật nguyền suốt đời. Cũng có lúc tôi nghĩ không biết sau này mình già yếu rồi con sẽ ra sao nhưng ngược lại, bằng sự vượt lên hoàn cảnh, Tùng đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Và giờ, Tùng đã trở thành chỗ dựa cho tôi lúc tuổi già”.

Vượt lên nghịch cảnh, chàng trai khiếm thị Hà Tĩnh trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình

Anh Nguyễn Thanh Tùng (thứ 3 từ bên trái sang) tại Đại hội đại biểu Hội Người mù huyện Nghi Xuân nhiệm kỳ 2022-2027. Ảnh: NVCC

Vượt lên hoàn cảnh chứng minh mình “tàn nhưng không phế”, nhiều năm qua, Nguyễn Thanh Tùng còn tích cực hoạt động trong phong trào Hội Người mù huyện Nghi Xuân. Năm 2017, anh tham dự và đạt giải nhì cuộc thi “Tiếng hát từ trái tim” do Hội Người mù Hà Tĩnh tổ chức; năm 2019 được vinh dự 1 trong 10 thanh niên tiêu biểu của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Nghi Xuân; nhiều năm liền anh Nguyễn Thanh Tùng được các cấp hội tặng bằng khen, giấy khen vì thành tích trong công tác hội và vươn lên trong cuộc sống. Tại Đại hội đại biểu Hội Người mù huyện Nghi Xuân dịp tháng 4/2022 vừa qua, anh Nguyễn Thanh Tùng được bầu vào Ban Chấp hành Huyện hội.

Điều đặc biệt ở anh Nguyễn Thanh Tùng là dù bị mù khi bước vào tuổi trưởng thành nhưng anh đã vượt qua sự thất vọng ban đầu, nỗ lực không ngừng tự học hỏi để vươn lên, không chỉ tự lập cho bản thân mà còn là chỗ dựa cho người thân. Chúng tôi luôn lấy anh làm tấm gương để động viên, cổ vũ các hội viên khác vươn lên thay đổi cuộc sống.

Ông Nguyễn Xuân Tùng - Chủ tịch Hội Người mù huyện Nghi Xuân

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.