WHO cảnh báo hơn 50% dân số châu Âu nhiễm Omicron trong 6-8 tuần tới

Theo tốc độ lây lan hiện nay, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) dự báo hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 6-8 tuần tới.

WHO cảnh báo hơn 50% dân số châu Âu nhiễm Omicron trong 6-8 tuần tới

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Warsaw, Ba Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 2 tháng tới nếu tốc độ lây lan duy trì như hiện nay.

Đây là nhận định mới nhất của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu đưa ra ngày 11/1.

Cụ thể, phát biểu tại họp báo ở Copenhagen (Đan Mạch), Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge, cảnh báo biến thể Omicron đang gây ra làn sóng dịch bệnh mới càn quét toàn khu vực.

Theo cách phân chia của WHO, khu vực châu Âu gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số nước ở vùng Trung Á.

Ông Kluge lưu ý rằng 50 nước trong số này đã xác nhận xuất hiện các ca nhiễm biến thể Omicron.

Tính đến ngày 10/1, có 26 quốc gia trong số này đã ghi nhận hơn 1% dân số mắc COVID-19 mỗi tuần.

Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của năm 2022, khu vực châu Âu ghi nhận hơn 7 triệu ca mới, tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 tuần.

Theo tốc độ lây lan hiện nay, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) dự báo hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 6-8 tuần tới.

Dựa trên những dữ liệu thu thập trong vài tuần vừa qua, ông Kluge cũng cho biết biến thể Omicron được xác nhận là có khả năng lây nhiễm cao hơn và có những đột biến giúp bám dính vào tế bào người dễ dàng hơn.

Những người đã tiêm phòng hoặc đã từng nhiễm bệnh cũng vẫn có nguy cơ nhiễm biến thể Omicron.

Tuy nhiên, quan chức WHO nhấn mạnh các loại vaccine đã được cấp phép sử dụng đều có hiệu quả bảo vệ tốt trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong, kể cả khi nhiễm biến thể Omicron.

WHO cũng cảnh báo không nên coi COVID-19 như các bệnh đặc hữu đồng thời khẳng định tình trạng lây lan biến thể Omicron vẫn chưa đến giai đoạn ổn định.

Trước đó, ngày 10/1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng có thể đã đến lúc thay đổi cách theo dõi dịch COVID-19 , theo đó coi đại dịch này như dịch cúm vì số ca tử vong do COVID-19 gần đây đã giảm.

Điều này cũng có thể được hiểu rằng coi COVID-19 là một căn bệnh đặc hữu thay vì như một đại dịch.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo ở Copenhagen, bà Catherine Smallwood, chuyên viên cấp cao của WHO phụ trách các tình huống dịch bệnh khẩn cấp, khẳng định hiện vẫn còn rất nhiều thông tin chưa được làm rõ và virus vẫn đang lây lan rất nhanh, gây ra những thách thức mới. Do đó, đây chắc chắn chưa phải lúc để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.