Cần tổ chức tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm đảm bảo tỷ lệ và thời gian theo quy định của UBND tỉnh
Theo đó, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách chăn nuôi, thú y nhằm nâng cao nhận thức, tính tự giác cho người chăn nuôi, nuôi trồng, giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, thủy sản và hành nghề thú y để thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Chủ động giám sát dịch bệnh tận thôn, xóm, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng, giao cho thú y cấp xã, trưởng các thôn, xóm và huy động các tổ chức đoàn thể cùng tham gia để theo dõi, phát hiện và báo cáo dịch bệnh kịp thời, tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới phát sinh, không để dịch bùng phát, lây lan. Yêu cầu các trang trại chăn nuôi tập trung xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh gửi cơ quan thú y giám sát, báo cáo quá trình thực hiện theo quy định.
Tổ chức tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm đảm bảo tỷ lệ và thời gian theo quy định của UBND tỉnh; thường xuyên rà soát để tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng định kỳ hoặc hết thời gian miễn dịch. Xử lý nghiêm các trường hợp chống đối, không chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo quy định và không hỗ trợ khi dịch xảy ra có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy.
Tăng cường công tác quản lý vận chuyển, quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND cấp xã xử lý nghiêm, xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ tại địa phương để đưa toàn bộ gia súc vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung. Định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng, cơ sở giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, chuồng trại chăn nuôi, bãi chăn thả... theo quy định.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống dịch bệnh đối với các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; các hoạt động hành nghề thú y, kinh doanh thuốc thú y; kiểm tra định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chủ động trích ngân sách địa phương đảm bảo tổ chức, triển khai công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Thực hiện tốt các chính sách về phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản của trung ương và của tỉnh.
Giám đốc Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành lập thời các văn bản để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên phạm vi toàn tỉnh; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức tập huấn, hưóng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản; cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch và chỉ đạo, giám sát việc tổ chức, thực hiện tại các địa phương.
Tăng cường quản lý đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, buôn bán, giết mổ động vật; các hoạt động hành nghề, buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và xử lý nghiêm các vi phạm về lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài Chính chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản kịp thời, hiệu quả.
Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.
Sở TT&TT, Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
Đề nghị UBMTTQ, các cơ quan đoàn thể cấp tỉnh có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản...