Khu du lịch Xuân Thành hôm nay. Ảnh: Thành Nam
Sức sống mới tại khu du lịch
Tháng tư này, trong xôn xao sóng biển hòa lẫn với tiếng cười của du khách bốn phương, Khu du lịch (KDL) Xuân Thành (Nghi Xuân) càng bừng sáng bởi một quần thể kiến trúc hiện đại nổi bật giữa non nước xanh tươi, hữu tình. Để có được điều này, chính quyền, người dân Nghi Xuân nói chung và xã Xuân Thành nói riêng đã có một quá trình mong mỏi, nỗ lực và xây dựng.
Quảng trường KDL Xuân Thành (Nghi Xuân)
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Trưởng ban Quản lý KDL Xuân Thành chia sẻ: “Là một bãi tắm đẹp được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến từ rất lâu nhưng một thời gian dài, cơ sở hạ tầng xuống cấp, Xuân Thành dần mai một. Gần đây, nhờ những chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng của tỉnh và huyện, KDL đã hồi sinh bằng một diện mạo mới: hiện đại, khang trang. Cùng với việc trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách, KDL sẽ góp phần thay đổi đời sống KT-XH của người dân địa phương”.
Trước khi được điều về công tác tại Ban quản lý KDL vào năm 2020, ông Hùng có 18 năm là cán bộ xã Xuân Thành, trong đó có một nhiệm kỳ là Bí thư Đảng ủy xã. Hơn ai hết, ông hiểu rõ niềm mong mỏi và tự hào của chính quyền, người dân Xuân Thành khi KDL đang vươn mình lên tầm cao mới.
Khu biệt thự nghỉ dưỡng Hoa Tiên Paradise (KDL Xuân Thành) vừa hoàn thành và đưa vào khai thác.
Từ năm 2007 đến nay, KDL Xuân Thành đã được đầu tư và triển khai nhiều dự án với nguồn kinh phí lên đến trên 2.808 tỷ đồng như: hệ thống sân golf 18 lỗ; Trung tâm Dịch vụ thể thao giải trí đua chó, Khu dịch vụ và nhà nghỉ dưỡng Xuân Thành. Ban Quản lý còn chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng phòng hộ ven biển tại xã Xuân Thành; đầu tư quản lý, khai thác, sử dụng lạch và hai bên bờ lạch nước ngọt thuộc KDL Xuân Thành… Đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác đã giúp KDL “thay da đổi thịt”.
Du khách nghỉ dưỡng tại khách sạn Mường Thành (KDL Xuân Thành) dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2022.
Có mặt tại KDL Xuân Thành trong kỳ nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, anh Huỳnh Nghĩa (40 tuổi, du khách đến từ Hà Nội) bày tỏ: “Tôi đến Xuân Thành lần đầu tiên vào năm 2004, khi còn là sinh viên. Khác xa với suy nghĩ ban đầu khi trở lại, Xuân Thành bây giờ đã ở một tầm cao mới. Nếu trước đây chỉ có quán hàng, nhà nghỉ xập xệ thì nay đã có những khu khách sạn, resort 5 sao, có sân golf hiện đại, đẳng cấp khu vực… Nét văn hóa của người dân nơi đây đã thay đổi rất nhiều”.
Để Xuân Thành là điểm nhấn trong “Nghi Xuân bát cảnh”
Xuân Thành hôm nay giống như cô thiếu nữ ngủ quên đã được đánh thức. Tuy vậy, nhiều vỉa tầng văn hóa nơi đây vẫn chưa được khai mở xứng tầm. Không phải ngẫu nhiên mà cổ nhân đã suy tôn về vẻ đẹp non nước vùng đất này.
Du khách tắm biển tại KDL Xuân Thành dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua.
Đại thi hào Nguyễn Du từng thốt lên: “Lam thủy, Hồng sơn vô hạn thắng!” (sông Lam, núi Hồng cảnh đẹp vô cùng). Bởi bao quanh dải đất này là một vùng non nước như tranh với 8 cảnh đẹp (Nghi Xuân bát cảnh) đã nổi tiếng từ xưa. Đó là Hồng Sơn liệt chướng (núi Hồng dựng thành), Đan Nhai quy phàm (buồm về Cửa Hội), Song ngư hý thủy (đôi cá giỡn nước), Cô độc lâm lưu (nghé lẻ lội rào), Giang Đình cổ độ (bến cũ Giang Đình), Quần Mộc bình sa (bãi cát bằng Quần Mộc), Uyên Trừng danh tự (chùa đẹp Uyên Trừng), Hoa Phẩm thắng triền (chợ đẹp Hoa Phẩm).
Cùng với cảnh đẹp, Nghi Xuân còn có bề dày di sản văn hóa hàng nghìn năm phản ánh đời sống của cư dân người Việt cổ qua những di chỉ khảo cổ học như: bãi Phôi Phối - Bãi Cọi… Nghi Xuân trong những triều đại phong kiến là đất học, đất thơ với những bậc tài danh lỗi lạc đóng góp công lao cho dân tộc như: Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Công Trứ…
Đình Hội Thống (Xuân Hội, Nghi Xuân) xây dựng vào năm 1660, gắn liền với thương cảng Hội Thống sầm uất một thời. Ảnh tư liệu của Đậu Hà.
Cách biển Xuân Thành không xa là các di tích như: đình Hội Thống, bến Giang Đình... Đây cũng là cái nôi của ca trù, trò Kiều, dân ca ví, giặm, trò dẫn hoa: sỹ, nông, công, thương, ngư… Tất cả thể hiện các vỉa tầng văn hóa đầy sức hấp dẫn của Nghi Xuân mà ít có nơi nào sánh được.
Ông Đậu Minh Cường (83 tuổi), một nghệ nhân dân gian ở thôn Thanh Văn (xã Xuân Thành) là cựu binh từng đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Thời trẻ, khi còn ở quê nhà, ông say mê công tác thanh niên, tham gia diễn các trò tuồng cổ. Khi vào chiến trường, ông đã biến những câu ca, điệu ví cổ vũ đồng đội vượt qua những khó khăn để chiến thắng kẻ thù. Nhiều năm qua, dù tuổi cao nhưng ông vẫn tiếp tục là người đi đầu trong bảo tồn và truyền dạy trò dẫn hoa “sỹ, nông, công, thương, ngư” cho lớp trẻ.
Những ngày này, ông Cường lại cùng bà con nhân dân xã nhà luyện tập trò dẫn hoa để phục vụ cho việc khai trương mùa du lịch biển Xuân Thành 2022.
Nhiều năm qua, ông Đậu Minh Cường (83 tuổi ở xã Xuân Thành, Nghi Xuân) giữ gìn và trao truyền Trò dẫn hoa sỹ, nông, công, thương, ngư.
“Đi lên từ cốt cách văn hóa, tôi càng tự hào khi văn hóa của ông cha vẫn hiện diện và mong muốn nó trở thành một “đặc sản” phục vụ du khách gần xa khi về với quê hương mình” - ông Cường bày tỏ.
Tôi chợt nhớ lời chia sẻ của ông Hồ Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Du, đại ý, bản chất của du lịch là sự trải nghiệm khám phá mà ở đó nhu cầu của du khách khi đến một vùng đất không chỉ là nghỉ dưỡng, tham quan cảnh đẹp mà là khám phá giá trị văn hóa của vùng đất, con người nơi đó.
Vẻ đẹp của cảnh sắc sông Lam, núi Hồng. Ảnh: Đình Nhất
Nghi Xuân không chỉ giàu cảnh đẹp mà còn hàm chứa bề dày văn hóa. Điều này cần được xem là điểm nhấn du lịch thu hút du khách. Bởi vậy, rất cần những “cú hích” trong việc kết nối, đầu tư những tour khám phá trải nghiệm vùng đất này, để bãi biển Xuân Thành nói riêng, Nghi Xuân và Hà Tĩnh nói chung luôn trong miền nhớ của du khách…