Thường xuyên phải đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh để thăm khám, điều trị song mấy tháng trở lại đây chị Nguyễn Thị Hạnh (phường Tân Giang) đã không phải dùng đến thẻ BHYT, sổ khám bệnh mỗi mà được thay bằng tra cứu thông tin bằng căn cước công dân có gắn chip.
“Việc tra cứu bằng thẻ căn cước công dân giúp tôi không còn phải mang theo nhiều giấy tờ như trước, hạn chế việc quên, mất, đồng thời giảm được rất nhiều thời gian chờ đợi khi đến đăng ký khám, điều trị” - chị Hạnh chia sẻ.
BVĐK tỉnh triển khai tra cứu thông tin BHYT qua thẻ căn cước công dân.
Mỗi ngày, Khoa Khám bệnh, BVĐK tỉnh tiếp nhận từ 400 - 500 người đến khám, chữa bệnh. Nhân viên tại khu vực đăng ký khám chữa bệnh BHYT luôn bận rộn trong việc tiếp nhận các loại giấy tờ, đối chiếu thông tin, hình ảnh với người đến khám để đảm bảo chính xác.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Anh - Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh (BVĐK tỉnh) cho biết: “Sau khi triển khai tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân có gắn chíp, công việc của chúng tôi tại đây đơn giản hơn rất nhiều. Nhân viên y tế chỉ cần quét QR-Code trên căn cước công dân, thông tin BHYT của người khám sẽ hiện lên để thực hiện các quy trình khám, chữa bệnh BHYT”.
Việc triển khai tra cứu thông tin BHYT qua thẻ căn cước tạo thuận lợi cho cả người dân lẫn cơ sở y tế.
Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh ngày cao điểm có thể tiếp nhận làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT cho từ 160 - 200 bệnh nhân. Với đặc thù người bệnh hầu hết là cao tuổi, bị các di chứng sau đột qụy, tai nạn giao thông, đi lại khó khăn nên việc tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân có gắn chip đã giúp bệnh nhân tiết kiệm được thời gian làm các thủ tục. Đặc biệt, việc không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn giúp bệnh nhân có nhiều thuận lợi.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, toàn tỉnh hiện có 250/251 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân cho người đến khám, chữa bệnh. Việc tra cứu này thực sự đem lại nhiều tiện ích cho cả người dân đi khám, chữa bệnh, cho cán bộ y tế và cơ quan quản lý.
Bác sỹ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh thăm khám cho một bệnh nhân BHYT.
Mặc dù số lượng cơ sở y tế đã triển khai lớn nhưng tỷ lệ tra cứu thông tin bằng thẻ căn cước công dân vẫn đang còn thấp.
Bác sỹ Phan Đăng Lợi - Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng cho rằng: “Nguyên nhân chính do một số người dân chưa được cấp thẻ căn cước công dân, trong đó chủ yếu là người trên 60 tuổi, đây là những người thường hay phải đi viện thăm khám, điều trị. Nhiều người dân vẫn còn có thói quen mang thẻ BHYT giấy đi khám cùng với chứng minh nhân dân. Một số thẻ căn cước công dân chưa được tích hợp dữ liệu thẻ BHYT do đó tra cứu không thành công”.
Cán bộ Bệnh viện PHCN tỉnh hướng dẫn người dân tích hợp thẻ BHYT vào thẻ căn cước công dân.
Hiện nay, các cơ sở y tế vẫn đang triển khai song song giữa việc tra cứu thông tin BHYT bằng thẻ căn cước công dân và thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành là xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh. Sở Y tế Hà Tĩnh đang tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện việc tích hợp thông tin BHYT trên thẻ căn cước công dân để thuận lợi cho công tác khám, chữa bệnh.
Người dân cần chủ động đến cơ quan công an làn thẻ căn cước công dân và cấp tài khoản định danh điện tử để tạo thuận tiện trong khám, chữa bệnh và thực hiện các giao dịch hành chính.
Việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT đem đến nhiều lợi ích đối với cả cơ quan quản lý, các cơ sở y tế và cả người dân. Bên cạnh đó, tránh tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác, thất thoát, mất thẻ BHYT của người bệnh. Ngoài ra, cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, quản lý thẻ BHYT, chống lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Tuy vẫn còn những khó khăn trong quá trình triển khai, nhưng các cơ sở y tế đang nỗ lực thực hiện hiệu quả để từng bước hiện đại hóa ngành y tế, giảm các thủ tục hành chính và thời gian chờ đợi của người dân khi đi khám chữa bệnh.