Nông dân Hà Tĩnh “chạy đuổi” vụ đông!

(Baohatinh.vn) - Đến hết tháng 10, thời vụ gieo trỉa ngô - cây trồng chủ lực của vụ đông sẽ kết thúc. Vừa đứng dậy sau trận lũ lớn, nông dân các địa phương Hà Tĩnh lại bắt tay làm lại vụ đông. Song, khó khăn nhất hiện nay là nguồn giống hỗ trợ từ Trung ương vẫn chưa được phê duyệt để chuyển về cho bà con.

Khẩn trương xuống đồng

Trận lũ vừa qua đã cuốn sạch toàn bộ giống ngô mà gia đình ông Lê Đình Thức (thôn Phố Cường, Gia Phố - Hương Khê) định xuống giống cho vụ đông. Chẳng còn gì sau lũ, mọi thứ dù đang ngổn ngang nhưng ông Thức cũng đã khẩn trương đưa máy ra đồng làm đất sản xuất.

nong dan ha tinh chay duoi vu dong

Bà con nông dân xã Gia Phố xuống đồng làm đất đẩy nhanh sản xuất vụ đông

Ông Thức cho hay: “Ở đây, dân thường tự để giống. Lũ đã cuốn sạch không còn hạt giống nào. Nhưng để đồng ruộng bỏ không sao được, có thời gian là phải làm đất đã, nếu có hỗ trợ giống kịp thời thì tốt, không thì dù gì cũng quyết làm đủ 7 sào như mọi năm”.

Không khí ra đồng ở xã Gia Phố khá rầm rộ. Mỗi khoảnh ruộng có vài ba máy cày để đẩy nhanh tiến độ. Chưa đủ máy thì bà con dùng trâu, bò. Trong vòng 2 ngày, ông Phạm Huy Ngô (thôn Nhân Phố) cũng cày hết 3 sào ngô. Ông cho biết: “Từ trâu, bò, lợn, gà đều chờ vào mấy sào ngô này. Thức ăn khô của gia súc đã trôi sạch, không làm nhanh thì lấy gì mà chống đói, chống rét cho đàn vật nuôi. Đáng lẽ, thời vụ gieo trỉa đã kết thúc từ trung tuần tháng 10 rồi, bây giờ mà không làm thì lỡ cả thời vụ sản xuất lạc xuân”.

Trong khi đó, ở Hương Vĩnh, bà con đã gieo trỉa được 30/120 ha ngô vụ đông. Ông Dương Văn Ký - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chỉ còn 75 ngày cho sản xuất ngô. Bà con đang “chạy đua” từng ngày, tuy nhiên, trời vẫn có mưa, phần khác số diện tích thiếu giống sản xuất còn nhiều nên chúng tôi rất lo lắng. Xã đang có kế hoạch ký hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư thương mại & Phát triển nông nghiệp Việt Nam (Vitad) để sản xuất ngô sinh khối với diện tích khoảng 20 ha để chủ động nguồn giống cho bà con”.

Điều đáng khâm phục là gần như ở khắp nơi, bà con vùng lũ đang thiếu giống sản xuất nhưng đã chủ động ra đồng làm đất, sẵn sàng để ruộng chờ giống và gieo trỉa ngay khi có thể.

nong dan ha tinh chay duoi vu dong

Nông dân Thạch Hà gieo trỉa ngô sinh khối

Ở Thạch Hà, không khí sản xuất vụ đông đã bắt đầu cả tuần nay. Tranh thủ thời tiết, bà con xuống đồng làm đất, gieo trỉa các cây trồng thuộc cơ cấu của huyện. Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Cây trồng chủ lực của Thạch Hà vẫn là ngô sinh khối, rau - củ - quả và khoai lang. Huyện đã đứng ra ký hợp đồng nguyên tắc với nhà cung ứng, đảm bảo phục vụ nguồn giống đủ, kịp thời, chất lượng cho bà con”.

Ưu tiên hàng đầu cho khôi phục sản xuất

Trong chiều 26/10, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đã đến Hương Khê để trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo sản xuất. Với quan điểm phải kịp thời khôi phục sản xuất, nhằm ổn định đời sống cho bà con, Bí thư Tỉnh ủy đặt yêu cầu “tối thượng” cho sản xuất, đặc biệt là vụ đông.

nong dan ha tinh chay duoi vu dong

Công ty Vitad đã cung cấp kịp thời 1 tấn giống ngô sinh khối, đủ giống cho sản xuất 50 ha tại xã Gia Phố.

“Không thể chờ đợi giống cấp hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương phải chủ động rà soát nguồn giống đang thiếu để cung cấp cho nhân dân, đảm bảo thời vụ sản xuất vụ đông và không ảnh hưởng đến vụ xuân 2017”. Trong tình hình cấp thiết này, Bí thư Tỉnh ủy “phát lệnh” đồng ý dùng nguồn tiền hỗ trợ của các nhà hảo tâm để mua giống cho bà con, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ bà con, phủ kín diện tích gieo trỉa.

Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho hay: “Bức thiết nhất của huyện hiện nay là 55 ha ngô ở xã Gia Phố, thời vụ xuống giống đã chậm gần 2 tuần trong khi nguồn giống dự trữ của dân bị trôi hết. Hiện tại, tỉnh đã đồng ý cho huyện chủ động liên hệ với doanh nghiệp, cung ứng giống cho bà con một cách nhanh nhất. Công ty Vitad vừa cung ứng giống sản xuất ngô sinh khối. Mục tiêu cao nhất là kết thúc gieo trỉa ngô trong tháng 10”.

Chưa đầy 1 ngày sau chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, 1 tấn giống ngô P4199 và NK66 (đủ sản xuất 50 ha) đã được Vitad đưa về tận tay người dân vùng lũ Gia Phố. Số giống này công ty cho người dân nợ đến hết thời vụ sản xuất, sau khi thanh lý hợp đồng liên kết thu mua sản phẩm, công ty trừ số tiền giống đã ứng. Vụ đông năm nay, công ty có khả năng ký kết hợp đồng sản xuất ngô sinh khối khoảng 500 ha.

Ông Trần Hữu Tuyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vitad cho biết: “Các diện tích gieo trỉa kết thúc trong tháng 10 vẫn sẽ đảm bảo thời vụ mà không ảnh hưởng đến vụ lạc xuân. Công ty sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đến cuối vụ. Tuy nhiên, để tăng diện tích liên kết thì công ty vẫn khuyến khích các địa phương đầu tư chuyên canh, đảm bảo 3 vụ/năm”.

Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cũng đang bận rộn với việc kết nối với đối tác, nhằm chuyển giống về nhanh nhất. Bà Võ Thị Hồng Minh - Giám đốc công ty cho biết: “Công ty đã liên hệ với các bạn hàng, hiện nguồn giống có thể đáp ứng đủ nhu cầu của bà con sản xuất theo đúng cơ cấu và chất lượng. Ngay khi có hàng, sẽ chuyển đến tận tay người dân sớm nhất”. Hiện tại, ngoài một số giống ngô, rau, công ty đã chuẩn bị khối lượng giống khá lớn cho vụ xuân sắp tới”.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, kế hoạch sản xuất ngô đông kết thúc chậm nhất là 5/11. Để đảm bảo thời vụ, các địa phương phải sử dụng giống ngắn ngày theo đúng cơ cấu của tỉnh. Trong đó, ngô lấy hạt là: MX2, MX44, NHN68, HN88; đối với ngô sinh khối sử dụng giống P4199, NK66.

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.