Sản xuất hè thu 2016 (bài 1): Căng thẳng thời vụ

(Baohatinh.vn) - Mặc dù hiện tượng El Nino được dự báo đang suy yếu dần nhưng mức độ ảnh hưởng của nó đối với sản xuất vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Đầu vụ xuân 2016, Hà Tĩnh đón đợt rét lịch sử với nhiệt độ ghi nhận thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Hơn 13.000 ha lúa bị chết, trên 70% diện tích buộc phải gieo cấy lại đã kéo chậm thời vụ vụ xuân gần 1 tháng. Phản ứng dây chuyền từ hậu quả nặng nề của vụ sản xuất trước đang làm cho vụ hè thu 2016 trở nên chật vật về thời vụ, đòi hỏi sự vào cuộc sớm, quyết liệt và hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương.

san xuat he thu 2016 bai 1 cang thang thoi vu

Bắc mạ cấy, giải pháp để rút ngắn thời gian sản xuất

Xuống giống chậm 10-15 ngày

Đối với vụ sản xuất hè thu thì “sớm một ngày, hay một điều”, chỉ hơn 100 ngày cho một vụ sản xuất, buộc các yếu tố về kỹ thuật phải được “căn ke” một cách chính xác. Có điều, khó có thể lường hết những diễn biến bất lợi của thiên nhiên. Sau 4 năm, lúa xuân Hà Tĩnh lại rơi vào tình cảnh chết hàng loạt sau đợt rét kỷ lục trong vòng 30 năm. Thời vụ xuống giống kéo dài đến tận 20/2 mới kết thúc, chậm gần 1 tháng so với kế hoạch. Lúa xuân phân hóa thành 3 trà sinh trưởng rõ rệt: sớm nhất đã làm đòng; phân hóa đốt và trà cuối cùng đang kết thúc kỳ đẻ nhánh.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Đỉnh trổ lúa xuân năm nay sẽ tập trung từ 10 - 15/5, thậm chí, một số giống bổ cứu sau rét sẽ kéo dài sau 15/5. Điều đó có nghĩa thời vụ vụ hè thu sẽ chậm 10-15 ngày so với lịch. Tình hình này sẽ khiến vụ sản xuất hè thu rất khó khăn và căng thẳng”.

Kể cả việc tỉnh đã cơ cấu dòng giống bổ cứu có thời gian sinh trưởng ngắn nhất (SV 181 và OM 4218) thì hiện tượng lệch trà vẫn hiện hữu, càng gây khó khăn cho việc thu hoạch tập trung. Có ít nhất 2.000 - 3.000 ha sẽ kéo dài sang đến nửa sau tháng 6 dương lịch mới cho thu hoạch. Trong khi đó, thời vụ hè thu đã phải bắt đầu từ cuối tháng 5 tới.

Bà Trần Thị Hương (thôn Nam Kênh, xã Thạch Kênh - Thạch Hà) xuống giống vào đợt sau cùng của thời điểm bổ cứu lúa. Gieo mạ vào 20/2, phải đến đầu tháng 3 thì bà mới cấy được 7 sào ruộng mất trắng do rét. Bà Hương cho biết: “Tất cả diện tích đều làm lại bằng giống SV181. Đến thời điểm này, lúa đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ đẻ nhánh, chắc phải giữa tháng 6 thì diện tích này mới có thể cho thu hoạch. Nếu thời tiết thuận lợi, chúng tôi sẽ cho thu hoạch sớm, lúa chín 70-80% có thể gặt, đồng thời, tập trung máy móc làm đất để kịp xuống giống hè thu”.

Trước tình hình thời vụ căng thẳng, ngành chuyên môn đưa ra khuyến cáo bắc mạ góc ruộng, tận dụng thời gian của vụ xuân để bắc mạ hè thu là giải pháp “vàng” rút ngắn thời gian sinh trưởng. Theo đó, đối với diện tích lúa xuân thu hoạch trước 5/6 thì từ 25 - 30/5 phải bắc mạ và kết thúc cấy trước 15/6; đối với diện tích thu hoạch trước 15/6 thì bắc mạ trước 10/6 và cấy từ 20 - 25/6. Thời vụ gieo thẳng chỉ cho phép kết thúc chậm nhất là 15/6. Còn những diện tích thu hoạch sau mốc thời gian này buộc phải chuyển sang lúa mùa hoặc cây trồng khác để đảm bảo an toàn mùa vụ.

Giống ngắn ngày, tối đa hóa cơ giới  nông nghiệp…

Việc bảo toàn an toàn vụ hè thu đang đặt “sứ mệnh” lên bộ giống ngắn ngày. Bởi vậy, điểm khác của vụ hè thu năm nay là bộ giống ngắn ngày không còn được mở rộng “biên độ” như trước mà “gọn” lại, chỉ có giống thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày mới “lọt” cơ cấu. Bao gồm: Thiên ưu 8, XM 12, KD ĐB, PC6, TH3-3, TH3-5. Chỉ khoảng 10.000 ha (chiếm ¼ tổng diện tích gieo cấy toàn vụ) được khuyến cáo sử dụng thêm: HT1, BT7, nếp 98, nếp 87.

san xuat he thu 2016 bai 1 cang thang thoi vu

Đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu là cách đẩy nhanh thời vụ hè thu

Đã nhiều năm đóng vai trò chủ chốt trong việc cung ứng nguồn giống sản xuất cho địa phương, Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh ngoài sản xuất một số loại giống chủ lực của địa phương còn phối hợp với các đối tác tin cậy nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của nông dân. Bà Võ Thị Hồng Minh - Giám đốc Công ty cho biết: “Hiện nay, nguồn cung đã sẵn sàng. Đặc biệt, với nỗ lực tìm kiếm bộ giống ưu việt bổ sung vào bộ giống chủ lực của tỉnh, giống N25 và OM4218 đã được bà con tin dùng. Đây là 2 loại giống đáp ứng được tiêu chí rút ngắn thời vụ do thời gian sinh trưởng cực ngắn”.

Vài năm trở lại đây, phong trào cơ giới hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hằng năm, các huyện liên tục ưu tiên chính sách để mỗi xã, thôn đều được trang bị hàng trăm máy gặt đập liên hợp. Ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Với tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp đạt trên 90%, chỉ trong vòng khoảng 15 ngày, chúng tôi vừa hoàn thành thu hoạch lúa xuân, vừa đảm bảo gieo cấy toàn bộ diện tích hè thu trước 15/6”.

Còn những địa phương có tập quán bắc mạ cấy lại chọn nguyên tắc “vàng” lúa đỏ đuôi thì xuống đồng bắc mạ, tập trung nhiều nhất là ở Đức Thọ, Can Lộc. Tuy năm nay, thời vụ kéo chậm hơn 5-7 ngày nhưng nhiều khả năng không ảnh hưởng quá lớn đối với những vùng sản xuất này khi 80-90% diện tích bắc mạ cấy.

Người ta vẫn nói vụ hè thu rất dễ “cho thấy nhưng không cho ăn”, một ngày cũng đáng quý đối với việc phân định thắng - bại trong sản xuất. Tranh thủ tối đa thời gian, chủ động các giải pháp là “chìa khóa” cho vụ hè thu 2016.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.