Sản xuất hè thu 2016 (Bài 2): Chuyển đổi cơ cấu - “chìa khóa” vàng

(Baohatinh.vn) - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm dần diện tích trồng lúa sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn là xu hướng tất yếu nhằm ứng phó với điều kiện sản xuất ngày càng bất lợi như hiện nay…

>> Sản xuất hè thu 2016 (bài 1): Căng thẳng thời vụ

san xuat he thu 2016 bai 2 chuyen doi co cau chia khoa vang

Vụ hè thu 2015, Vũ Quang thắng lớn từ đậu xanh.

Chuyển đổi 1.468 ha lúa

Vụ hè thu 2015, điều kiện sản xuất vô cùng khắc nghiệt, hàng nghìn ha cây trồng “đói” nước do hạn hán. Không có nước để gieo cấy khi thời vụ đã đi qua, một số địa phương buộc phải sử dụng quyết sách cuối cùng: chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng cạn. Đây là một bước ngoặt lớn đối với nhiều địa phương, bởi vốn dĩ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng dù được tỉnh triển khai trong nhiều năm nhưng không mang lại nhiều hiệu quả khi tập quán của người nông dân vẫn bám chặt với cây lúa.

Hằng năm, huyện Hương Sơn sản xuất 2.400 ha lúa hè thu. Từ sau đợt hạn hán kỷ lục hồi năm ngoái, diện tích sản xuất thực tế chỉ còn lại 1.800 ha. Như vậy, 600 ha sản xuất lúa đã chuyển sang cây trồng khác có nhu cầu dùng nước ít hơn. Tất nhiên, việc chuyển đổi này tại thời điểm đó vẫn mang tính tức thời, ứng phó với thời tiết là chính.

Ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Vụ hè thu này, huyện sẽ chuyển đổi 380 ha lúa kém hiệu quả, vùng cao cạn sang các cây trồng cạn trên toàn 29 xã, thị trấn, chủ lực là đậu xanh với 200 ha và ngô sinh khối 180 ha. Cùng với đó, năm nay, huyện đầu tư mạnh cho chăn nuôi và mở rộng thêm diện tích cây ăn quả, xây dựng trở thành thế mạnh của địa phương”.

Để tránh bị động trước thời vụ sản xuất nhiều biến cố khó lường, vụ hè thu này, huyện Đức Thọ xây dựng hẳn bộ cơ chế, chính sách cho chuyển đổi cơ cấu. Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hè thu 2015, toàn huyện có khoảng 2.000 ha bị thiếu nước sản xuất. Điều kiện sản xuất ngày càng khó, hiệu quả kinh tế từ lúa không cao nên ở một số địa phương, lao động chuyển nghề, bỏ hoang diện tích. Năm nay, huyện xây dựng đề án tích tụ ruộng đất, ban hành chính sách chuyển đổi 341 ha sang ngô và đậu xanh nhằm tăng hiệu quả kinh tế”.

Chuyển đổi gắn với quy hoạch…

Trên thực tế, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được thực hiện mấy năm nay. Năm 2015, mặc dù là phản ứng tức thời nhưng hiệu quả cây trồng cạn mang lại cũng đủ làm nức lòng bà con nông dân. Tuy nhiên, so với diện tích được chuyển đổi thì con số bỏ hoang vẫn gấp hơn 3 lần. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là ruộng đất manh mún, diện tích đất ruộng trên đầu người thấp đã khiến hiệu quả kinh tế giữa cây trồng cạn và cây truyền thống là lúa không thể hiện rõ nên người nông dân ít mặn mà với việc đầu tư cây trồng mới, huống hồ những nơi lúa không thể gieo cấy chủ yếu là vùng “đồng khô, cỏ cháy”. Trong khi đó, việc chuyển đổi chỉ mang tính tức thời.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải dựa trên tình hình thực tế của địa phương, gắn với quy hoạch nông thôn mới. Đồng thời, muốn phát huy được phải dựa trên sự tự nguyện của người dân, sự tham gia của doanh nghiệp và quan trọng nhất là phải nâng cao được thu nhập cho nhân dân và tăng cao giá trị trên đơn vị diện tích”.

Rõ ràng, một trong những “nút thắt” hiện tại của quá trình chuyển đổi cơ cấu không chỉ là chiến lược mà còn ở đối tác quan trọng - doanh nghiệp. Ngay cả sản phẩm chủ lực là cây lúa với “những cánh đồng lớn” đã triển khai nhiều năm qua thì hoạt động của doanh nghiệp cũng “đầu voi, đuôi chuột”, nói gì đến những cây trồng cạn - sản phẩm chưa “kích cầu”. Chủ yếu thương mại diễn ra với nhà buôn nhỏ, tư thương thu mua mùa vụ mà hoàn toàn “vắng bóng” những “ông chủ lớn” trên sân chơi mới này.

Từ thực tế đó, hiện nay, hệ thống chính sách đã được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Trong đó, các quy hoạch, đề án chuyên ngành phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp “xoáy” vào thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung và quy mô lớn. Dựa trên đề án sản xuất, các địa phương cần có quy hoạch xây dựng cây trồng chủ lực có lợi thế; tích tụ ruộng đất; chuyển hóa cơ cấu lao động phù hợp; đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm tạo ra giá trị kinh tế rõ rệt giữa việc sản xuất lúa truyền thống và cây trồng cạn. Cùng với đó, linh hoạt trong chính sách “kích cầu” cũng là yếu tố quan trọng tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn để thực hiện thành công việc thu hút đầu tư vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần vào thắng lợi vụ hè thu năm nay.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.