Agribank Hà Tĩnh “bơm vốn” cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao

(Baohatinh.vn) - Với sứ mệnh đồng hành cùng “tam nông”, Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp vốn để hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Từ chỗ đầm lầy hoang sơ, sau 28 năm cải tạo, đầu tư, đến nay, HTX Nga Hải (thôn Thuận Mỹ, xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân) đã sở hữu mô hình nông nghiệp công nghệ cao đáng mơ ước.

Agribank Hà Tĩnh “bơm vốn” cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Lãnh đạo Agribank chi nhánh Nghi Xuân kiểm tra mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX Nga Hải.

HTX liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam nuôi lợn và gà thương phẩm với tổng mức đầu tư trên 8 tỷ đồng. Với hệ thống chuồng nuôi được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, HTX đang nuôi liên kết 2.000 con lợn thương phẩm/lứa. Ngoài ra, HTX cũng đang sở hữu mô hình chăn nuôi gà liên kết lớn với quy mô 20.000 con/lứa.

Là đơn vị tiên phong trồng dưa lưới trong nhà màng ở Hà Tĩnh, HTX Nga Hải đã thuê chuyên gia nông nghiệp Israel trực tiếp chuyển giao công nghệ. Sau thành công ở lứa dưa lưới đầu tiên vào năm 2018, đến nay, HTX đã đầu tư 4 nhà màng khép kín với tổng diện tích 5.000 m2. Mỗi năm, đơn vị trồng 3 lứa, sản lượng đạt từ 10-12 tấn/lứa, thu lãi khoảng 480 triệu đồng/năm.

Agribank Hà Tĩnh “bơm vốn” cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Được ngân hàng tiếp vốn, HTX Nga Hải đang đầu tư hạ tầng gắn với hình thức du lịch trải nghiệm sinh thái.

Ông Lê Văn Bình – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nga Hải nhớ lại: “Từ năm 1993, tôi đã được Agribank chi nhánh huyện Nghi Xuân cho vay 100 triệu đồng thực hiện ước mơ làm nông nghiệp. Từ đó đến nay, cứ mỗi lần HTX đầu tư sản xuất kinh doanh là đều có sự hỗ trợ kịp thời của Agribank.

Hiện nay, HTX còn dư nợ gần 6 tỷ đồng. Ngoài linh hoạt về thủ tục, Agribank chi nhánh huyện Nghi Xuân đang hỗ trợ giảm 10% lãi suất cho vay so với lãi suất khi vay. Được ngân hàng tiếp vốn, chúng tôi đang đầu tư thêm chuồng trại, nâng quy mô nuôi lợn liên kết lên 2.500 con/lứa và nâng cấp hạ tầng gắn với hình thức du lịch trải nghiệm sinh thái”.

Tại Nghi Xuân, Agribank luôn ưu đãi nguồn vốn cho các mô hình nông nghiệp đầu tư theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Ông Bùi Quang Thái – Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Nghi Xuân thông tin: “Tính đến thời điểm này, 90% dư nợ của chi nhánh là đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chi nhánh luôn quan tâm tiếp vốn để hình thành các mô hình nông nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh như: chăn nuôi lợn, gà liên kết; trồng hoa, trồng dưa lưới trong nhà màng; chế biến thủy hải sản, đầu tư hạ tầng đánh bắt thủy hải sản… Không chỉ hỗ trợ vốn kịp thời, ngân hàng còn chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ về lãi suất theo quy định”.

Agribank Hà Tĩnh “bơm vốn” cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Lãnh đạo Agribank chi nhánh Can Lộc kiểm tra mô hình nuôi gà công nghệ cao của anh Nguyễn Huy Phố (xã Thượng Lộc).

Sau nhiều năm nuôi gà nhỏ lẻ, anh Nguyễn Huy Phố (thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, Can Lộc) “vỡ vạc” rằng, chỉ có đầu tư nông nghiệp quy mô hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới hạn chế rủi ro, nâng cao giá trị sản phẩm. Tư duy đó là động lực để tháng 11/2020, gia đình anh quyết tâm đầu tư 1,5 tỷ đồng cải tạo đất đai, xây dựng chuồng trại nuôi gà khép kín liên kết, quy mô 14.000 – 16.000 con/lứa với hệ thống hạ tầng tự động hóa.

Anh Phố phấn khởi: “Ý tưởng chăn nuôi gà hàng hóa đã được Agribank chi nhánh huyện Can Lộc tiếp sức với thủ tục vay vốn và quá trình giải ngân nhanh chóng. Lứa thứ nhất, quy mô 14.000 con đã thành công, trừ chi phí chúng tôi lãi 170 triệu đồng. Hiện nay, gia đình đang thả nuôi 13.000 con đã gần 1 tháng tuổi".

Tương tự, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của HTX Thương mại và dịch vụ cây trồng Đồng Uyên (xã Thượng Lộc) cũng được hình thành dựa trên nguồn vốn 2 tỷ đồng của Agribank chi nhánh huyện Can Lộc. Đến nay, HTX đã vận hành thành công hệ thống nhà màng theo công nghệ mới, mỗi năm sản xuất 3 vụ, mỗi vụ 10 tấn, doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm.

Agribank Hà Tĩnh “bơm vốn” cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của HTX Thương mại và dịch vụ cây trồng Đồng Uyên (xã Thượng Lộc)

Ông Trần Đình Chiến – Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Can Lộc cho hay: “Dư nợ của đơn vị hiện đạt 1.200 tỷ đồng, trong đó khoảng 95% là đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Đơn vị luôn ủng hộ những dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm hàng hóa phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

Khi khách hàng có nhu cầu vay vốn, ngân hàng hướng dẫn thủ tục, hồ sơ nhanh chóng và giải ngân kịp thời vốn vay. Trong giai đoạn ảnh hưởng COVID-19 như hiện nay, Agribank triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ. Đặc biệt, từ 15/7 - 31/12/2021, đơn vị thực hiện giảm lãi suất 10% trên lãi suất hiện hành”.

Không chỉ Nghi Xuân, Can Lộc mà bà con nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đều được tiếp vốn từ Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh để đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Agribank Hà Tĩnh “bơm vốn” cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh quan tâm cấp vốn cho các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Ông Võ Huy – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Với sứ mệnh đồng hành cùng “tam nông”, ngân hàng luôn có chiến lược đầu tư dài hơi cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt quan tâm cấp vốn cho các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 8.964 tỷ đồng, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp đạt trên 8.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 93% tổng dư nợ”.

“Đơn vị cũng đang tích cực triển khai các gói tín dụng ưu đãi đến khách hàng như gói hỗ trợ các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng COVID-19 với lãi suất chỉ từ 4,5%/năm và nhiều gói tín dụng ưu đãi khác. Đây là cơ hội để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao” – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh Võ Huy thông tin thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.