Bán hàng thu 200 triệu đồng/năm phải nộp thuế VAT

Ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ gia đình kinh doanh là 200 triệu đồng một năm, theo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi.

Chiều 26/11, với gần 85% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Theo luật vừa thông qua, từ 1/1/2026, ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh là 200 triệu đồng một năm, tăng 100 triệu đồng so với hiện hành.

Giải trình, tiếp thu ý kiến trước khi Quốc hội bấm nút thông qua luật, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết có ý kiến đề nghị nâng mức doanh thu không chịu thuế VAT lên trên 200 triệu đồng, thậm chí 300-400 triệu đồng.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Thuế VAT sửa đổi, chiều 26/11. Ảnh: Media Quốc hội
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Thuế VAT sửa đổi, chiều 26/11. Ảnh: Media Quốc hội

Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu đưa ra mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng một năm, số hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế giảm khoảng 620.653 hộ. Tương đương mỗi năm ngân sách giảm thu 2.630 tỷ đồng. Số hụt thu ngân sách tăng lên 6.383 tỷ đồng nếu nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế lên 300 triệu đồng một năm.

Do đó, để đảm bảo mức điều chỉnh hợp lý, phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ 2013 đến nay, ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT của cá nhân, hộ kinh doanh được "chốt" là 200 triệu đồng một năm.

VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Tức là, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ thu hộ người mua cuối cùng thuế này, khi họ bán hàng hóa, dịch vụ.

Ngưỡng chịu thuế VAT của cá nhân, hộ kinh doanh tăng lên 200 triệu đồng một năm kéo theo đối tượng nộp thuế ít đi, khoảng 620.653 hộ. Việc tăng ngưỡng chịu thuế này, theo chuyên gia, phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân và mức chuẩn nghèo tại Nghị định 07/2021.

Hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, mỗi năm đóng góp 30% GDP, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Trước đó, Chính phủ đề nghị được giao thẩm quyền điều chỉnh mức doanh thu này nhằm bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp tình hình thực tế. Song theo phiếu lấy ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, trên 63% đồng ý ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với hộ, cá nhân kinh doanh là 200 triệu đồng một năm.

Cũng theo Luật Thuế VAT sửa đổi, từ 1/7/2025, mặt hàng phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang áp thuế suất 5%. Quy định này cũng nhận được sự tán thành từ gần 73% đại biểu qua lấy phiếu ý kiến trước đó, theo ông Lê Quang Mạnh.

vnexpress.net

Đọc thêm

Anh nông dân đầu tư tiền tỷ làm nông nghiệp hàng hóa

Thủ lĩnh cơ giới hóa nông nghiệp ở thành phố Hà Tĩnh

Người ta vẫn gọi đùa anh Nguyễn Bằng Tấn (thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) là "gã liều”, thậm chí là "gã gàn” khi hết lần này đến lần khác “vác” tiền nhà mua máy móc để sản xuất nông nghiệp. Nhưng, sự liều lĩnh ấy hoàn toàn không hề vô định mà bên trong người nông dân “chân lấm tay bùn” là một tư duy đột phá, sự quyết liệt trong cách làm để phát triển nông nghiệp hiện đại.
 “Nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

“Nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhằm tạo điều kiện cho Hà Tĩnh từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển KT-XH, phát triển đồng bộ các lĩnh vực, cải thiện môi trường đầu tư.
Lộc Hà “tăng tốc” xây dựng nông thôn mới

Lộc Hà “tăng tốc” xây dựng nông thôn mới

Thời điểm cuối năm này, các địa phương ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các tiêu chí NTM gắn với chỉnh trang cảnh quan xóm làng đón tết.