Gia đình đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các em. (Ảnh: internet)
Năm nay, con gái đầu lòng của chị Hoa (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) tốt nghiệp THCS. Chị lo lắm vì mục tiêu vào lớp chọn của một trường tốp đầu THPT đã được mẹ con chị bàn bạc, hạ quyết tâm, vậy mà, đến chặng nước rút - dịp tổng kết, chia tay trường THCS, con bé lại phân tâm, lơ là việc học. Có hôm, kiểm tra sách vở, thấy cánh phượng hồng ép trong cuốn sổ cùng mấy bài thơ vu vơ, chị nổi cáu, quát con. Không ngờ, con bé lâu nay vốn hiền lành, ngoan ngoãn lại phản ứng dữ dội trước thái độ của mẹ.
Bình tĩnh lại, chị nhận ra mình chưa đúng. Chị dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với con về những cảm xúc tuổi học trò khi bước sang một chặng đường mới mà trước đây chị đã từng đi qua. Dần dần, định hướng con cân bằng tình cảm, cố gắng tập trung cao nhất cho kỳ thi vào lớp 10.
Còn chị Thanh (xã Thạch Tân, Thạch Hà) có cậu con trai rất thông minh, học ở tốp đầu của khối 9. Cả bố mẹ và thầy cô đều tập trung cho cu cậu học ngày, học đêm để thi cho được vào trường chuyên. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là bước vào kỳ thi, ở trường, cô, thầy dạy 2-3 ca/ngày, về nhà, bố mẹ lại kèm sát thời gian học. Quá căng thẳng, sức khỏe của con chị giảm sút hẳn.
Hôm nọ, sau một ngày học 3 ca liên tục, con chị về đến nhà không kịp cất cặp đã nằm xoài lên giường, sốt hầm hập. Nhìn con mấy ngày liền chìm trong những cơn sốt, chị quyết định “quẳng” bớt lực cho con.
Chờ con khỏe, chị trao đổi: “Con bớt lịch học đi. Nếu không vào được trường chuyên thì còn nhiều trường khác để con chọn. Chỉ cần con cố gắng và quyết tâm, dù học ở trường nào con cũng sẽ khẳng định được mình”.
Rồi gia đình chị ngồi lại bàn bạc, vạch kế hoạch dự phòng 2, 3, lựa chọn thêm những trường học khác. Sau lần đó, con chị giải tỏa được tâm lý, tiếp tục ôn thi với tâm thế thoải mái, tự tin hơn.
Đối với những gia đình có con thi vào các trường đại học, cao đẳng thì sự lo lắng, căng thẳng của con cái trong mùa thi càng lớn hơn. Theo các chuyên gia tâm lý, những áp lực học tập, nhất là trong mùa thi cử thường dễ gây nên tình trạng lo âu, căng thẳng, thậm chí, có những trường hợp dẫn đến trầm cảm.
Để đồng hành cùng con trong mùa thi, trước hết, cha mẹ cần phải thấu hiểu nỗi vất vả, lo lắng và khả năng học tập của con mình. Nguyên tắc mà các bậc phụ huynh cần cố gắng thực hiện đó là: Tôn trọng khả năng của con và không áp đặt mong ước của mình lên con trẻ.
Cùng con vào mùa thi, ngoài việc chăm sóc sức khỏe của con bằng chế độ ăn uống đảm bảo đủ dưỡng chất, hợp khẩu vị, cha mẹ cần tạo không khí thoải mái, hạnh phúc để động viên con. Bên cạnh đó, chủ động bố trí thời gian giúp con nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng.
Mùa thi cũng là lúc con chia tay với mái trường cũ để đến với một môi trường mới rộng lớn, một chặng đường mới nhiều thử thách. Bởi vậy, cùng với định hướng, tiếp sức, đồng hành với con, các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm đến tâm lý, tình cảm của các em trong giai đoạn nhạy cảm này.
Dù con thành công hay chưa thành công, lựa chọn con đường tiếp theo như thế nào, cũng đều có sự đồng hành, động viên, hỗ trợ của cha mẹ để có thêm niềm tin, quyết tâm phấn đấu trên con đường tương lai.