Các địa phương ở Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông

(Baohatinh.vn) - Tranh thủ trời nắng ráo, bà con nông dân Hà Tĩnh đang tập trung ra đồng chăm sóc cây trồng và tiếp tục xuống giống vụ đông theo lịch thời vụ, mang theo hi vọng về một vụ mùa bội thu.

Theo ghi nhận, tình hình sản xuất vụ đông năm 2023 tại Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi. Nông dân nhiều địa phương phải chịu thiệt hại diện tích cây trồng lớn do mưa, lũ. Bởi vậy, giai đoạn này, các địa phương đang tập trung nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông theo kế hoạch.

Các địa phương ở Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông

Bà Nguyễn Thị Hường (xã Thạch Liên, Thạch Hà) chăm sóc 4 sào súp lơ và bắp cải.

Ngay từ sáng sớm, nông dân vùng sản xuất rau tập trung thôn Thọ (xã Thạch Liên, Thạch Hà) đã ra đồng chăm sóc cây trồng. Mưa những ngày qua khiến ruộng còn lưu lại nước, người dân phải nhanh chóng tháo nước, lên luống và vùn cao gốc; bổ sung phân chuồng để tăng sức đề kháng cho cây.

Bà Nguyễn Thị Hường (thôn Thọ, xã Thạch Liên) chia sẻ: “Năm nay sản xuất vụ đông rất vất vả. Gia đình tôi trồng 4 sào bắp cải và súp lơ. Những ngày mưa to, chúng tôi phải ra ruộng tháo nước để tránh cây trồng bị ngâm trong nước lâu ngày, dễ bị nấm mốc, thối rễ. Hiện trời đã nắng ráo, vợ chồng tôi nhanh chóng ra ruộng để vùn lại luống, thêm phân chuồng và theo dõi phun thêm thuốc bảo vệ thực vật để tránh nấm mốc, sâu bệnh, gây thiệt hại cây trồng”.

Dịp này, ngoài chăm sóc số diện tích cây trồng như: bắp cải, súp lơ, dưa chuột..., nông dân vùng sản xuất rau tập trung thôn Thọ còn tích cực phát cỏ, làm đất, lên luống để tiến hành trồng su hào, kịp phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

Chị Nguyễn Thị Tý (thôn Thọ, xã Thạch Liên) cho biết: “Để tiết kiệm chi phí, thay vì mua cây giống ngoài thị trường, gia đình tôi đã mua hạt về gieo cây. Sau 15 ngày, hạt giống đã nảy mầm, phát triển tốt. Hiện nay, gia đình huy động nhân lực làm 4 sào đất, xuống giống cây su hào để kịp lịch thời vụ. Nếu chăm sóc theo kỹ thuật, chủ động phòng trừ sâu bệnh, thời tiết thuận lợi thì cây trồng sẽ cho năng suất cao, dự kiến thu về trên 15 triệu đồng/sào”.

Các địa phương ở Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông

Nông dân xã Thạch Liên (Thạch Hà) làm đất để kịp xuống giống su hào phục vụ thị trường tết.

Thạch Liên là vùng trồng rau chuyên canh lâu năm của huyện Thạch Hà. Ông Trần Văn Hường – Chủ tịch UBND xã Thạch Liên cho hay: “Vụ đông 2023, toàn xã sản xuất 35 ha, trong đó hơn 6 ha thuộc 3 vùng sản xuất tập trung tại thôn Thọ và thôn Khang. Năm nay mưa nhiều, đất ướt nên đến nay xã mới hoàn thành 70% diện tích. Chính quyền địa phương đang đốc thúc bà con tiếp tục bám đồng, “phủ kín” diện tích đất canh tác và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, đảm bảo năng suất cao”.

Ngoài Thạch Liên, hiện nay các xã còn lại của huyện Thạch Hà đều đang tăng tốc để “phủ kín” diện tích cây trồng vụ Đông là 90 ha ngô lấy hạt, 740 ha rau các loại và 168 ha khoai lang.

Tại huyện Hương Khê, cây trồng chủ lực của vụ đông là ngô, rau các loại. Cụ thể: địa phương đặt mục tiêu xuống giống 1.400 ha ngô lấy hạt, 600 ha ngô sinh khối, 350 ha rau các loại và 100 ha khoai lang và đến nay đã hoàn thành hơn 60% diện tích sản xuất.

Ông Nguyễn Trí Đồng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết: “Năm nay, mưa lũ kéo dài, sản xuất vụ đông rất bất lợi. Bà con nông dân nhiều xã của huyện Hương Khê đã phải 2 - 3 lần xuống giống, tốn kém chi phí. Trước mùa vụ, huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ giống và hiện nay đang tập trung đôn đốc, động viên nông dân tích cực bám đồng ruộng, xuống giống theo lịch thời vụ, đảm bảo lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống và chăn nuôi”.

Các địa phương ở Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông

Vụ đông 2023 toàn tỉnh gieo trỉa 4.259 ha ngô lấy hạt và 1.649 ha ngô sinh khối.

Theo kế hoạch, huyện Cẩm Xuyên sản xuất 155 ha ngô lấy hạt, 70 ha ngô sinh khối, 847 ha rau các loại và 200 ha khoai lang trong vụ đông. Theo ghi nhận, các đợt mưa lớn vừa qua đã gây thiệt hại diện tích cây trồng, đến nay địa phương đang tập trung khôi phục sản xuất và tiếp tục xuống giống, đảm bảo cung ứng sản phẩm cho thị trường tết. Điều đặc biệt, Cẩm Xuyên đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa như: mướp đắng tại xã Cẩm Trung, khoai tây tại xã Cẩm Vịnh, rau - củ - quả trên đất cát Yên Hòa... Qua đó từng bước thay đổi tập quán sản xuất cho người dân và nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

Theo ông Phan Văn Huân – Trưởng phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh: Sản xuất vụ đông tại Hà Tĩnh phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tính rủi ro cao; đặc biệt vụ đông thường chịu ảnh hưởng của mưa, lũ đầu vụ và rét đậm, rét hại cuối vụ. Bởi vậy, các địa phương cần bám sát thực tiễn sản xuất, chủ động kế hoạch sản xuất trước diễn biến phức tạp của thời tiết.

Thời gian gần đây, thời tiết bất lợi, mưa nhiều đã tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, thậm chí nhiều địa phương phải tổ chức sản xuất lại. Để tránh thiệt hại đối với cây trồng đã xuống giống, người dân cần chủ động mở rộng rãnh thoát nước, xới xáo phá bỏ lớp váng khi bị ngập úng để đất thoáng, cung cấp oxy cho rễ cây; lên luống đất cao, vùn đất, bón phân (ưu tiên phân hữu cơ) nhằm tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng cho cây. Trường hợp cây gặp sâu bệnh sau mưa, nông dân cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của ngành chuyên môn...

Các địa phương ở Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông

Toàn tỉnh đã hoàn thành 83,4% kế hoạch sản xuất vụ đông.

Đến thời điểm này, diện tích gieo trồng các cây trồng vụ đông toàn tỉnh là 9.919/11.890 ha (đạt 83,4% kế hoạch). Cụ thể: ngô lấy hạt hoàn thành 3.516/4.259 ha (đạt 82,6% kế hoạch); ngô sinh khối hoàn thành 935/1.649 ha (đạt 56,7% kế hoạch), rau các loại hoàn thành 4.087/4.524 ha (đạt 90% kế hoạch); khoai lang hoàn thành 1.381/1.458 ha (đạt 94,7% kế hoạch).

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast