Cam bù Hương Sơn mất mùa, người dân buồn lòng chặt bỏ cây

(Baohatinh.vn) - Người trồng cam bù ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang “đứng ngồi không yên” khi nhiều diện tích bị mất mùa khiến năng suất giảm mạnh.

Cam bù Hương Sơn mất mùa, người dân buồn lòng chặt bỏ cây

Phần lớn cam bù của gia đình ông Dần đều cho quả nhỏ, số lượng ít.

Tại vườn cam của ông Nguyễn Thanh Dần (thôn 6, xã Sơn Trường) đã không còn cảnh thương lái vào đặt hàng như nhiều năm trước dù cho tết đã cận kề.

Ông Dần cho biết: “Vườn cam của gia đình tôi có 1,7 ha, trong đó khoảng 70% diện tích trồng cam bù, 30% là cam chanh. Năm nay, cả vườn chỉ có 100/550 gốc cam bù cho quả khá tốt. Phần còn lại cho sản lượng rất thấp hoặc không có quả, lá cây đã rụng gần hết”.

Cam bù Hương Sơn mất mùa, người dân buồn lòng chặt bỏ cây

Trong vườn cam của ông Dần còn gần 150 gốc cam bù từ 2-3 năm tuổi đang cho thu hoạch khá tốt.

Năm ngoái, vườn cam bù của gia đình ông Dần cho thu hoạch hơn 7 tấn và được thương lái mua cả vườn từ đầu mùa nhưng năm nay, cây cam bù giảm năng suất, ước tính cả vườn chỉ thu hoạch được khoảng 30% so với năm trước.

“Năm ngoái, cam bù cho gia đình tôi nguồn thu 120 triệu đồng nhưng năm nay ước tính chỉ được khoảng 1/3” - ông Dần chia sẻ.

Cam bù Hương Sơn mất mùa, người dân buồn lòng chặt bỏ cây

Năm nay, nhiều diện tích cam bù cho quả có mẫu mã không đẹp, quả nhỏ, vỏ xấu.

Nếu như mọi năm, thời điểm cận tết Nguyên đán, khi vào các vườn cam tại xã Sơn Trường, cây nào cũng xum xuê, có những cây cho gần 1 tạ quả nhưng năm nay, phần lớn chỉ lác đác ít quả. Số cây còn cho quả khá tốt thường là những cây có tuổi đời thừ 2-3 năm tuổi, còn cây tuổi đời từ 4 năm tuổi trở lên đều cho năng suất thấp, thậm chí bị chết khá nhiều.

Cam bù Hương Sơn mất mùa, người dân buồn lòng chặt bỏ cây

Nhiều cây cam bù của gia đình bà Oánh đã bị khô hoặc rụng gần hết lá.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam, bà Nguyễn Thị Oánh (thôn 5, xã Sơn Trường) cũng lắc đầu buồn bã, bởi vườn cam rộng 1,5 ha của gia đình chỉ đạt khoảng 30% sản lượng của năm ngoái.

Bà Oánh cho biết: “Vườn cam của gia đình tôi 100% đều trồng cam bù. Năm ngoái, thu được gần 8 tấn cam, với giá bán từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, gia đình có thu nhập hơn 150 triệu đồng. Còn năm nay, 70% cây cam bù cho quả rất ít, nhiều cây bị chết nên chúng tôi đã chặt cây. Còn 30% cây còn lại chủ yếu mới 2-3 năm tuổi nên chưa cho nhiều quả. Ước tính dịp tết này gia đình chỉ thu hoạch được khoảng hơn 5 tạ cam”.

Cam bù Hương Sơn mất mùa, người dân buồn lòng chặt bỏ cây

Tình trạng cây cam bù cho quả lác đác, bị chặt bỏ một phần hoặc toàn bộ cây xảy ra tại nhiều xã trên địa bàn huyện Hương Sơn.

Chủ tịch UBND xã Sơn Trường Lê Đức Thuận cho biết: “Trên địa bàn xã có 355 ha cam bù cho thu hoạch. Vụ cam bù năm ngoái, toàn xã đạt hơn 4.400 tấn cam. Nhưng năm nay, phần lớn cam bù của địa phương đều rơi vào tình trạng mất mùa, sản lượng ước đạt khoảng 30% so với năm trước. Hầu hết các thôn đều mất mùa cam nhưng thôn 6 thiệt hại nặng nề nhất”.

Hiện nay, nhiều diện tích cam bù tại xã Kim Hoa cũng đang rơi vào tình trạng mất mùa, năng suất giảm mạnh. Toàn xã Kim Hoa có hơn 350 ha trồng cam bù. Nếu như năm ngoái cam bù đạt sản lượng khoảng 13 tấn/ha thì nay, sản lượng chỉ bằng 1/3.

Cam bù Hương Sơn mất mùa, người dân buồn lòng chặt bỏ cây

Nhìn vào vườn cam bù cho năng suất thấp, chị Loan không khỏi buồn lòng.

Tại vườn cam của chị Phan Thị Loan (thôn Tân Hoa, xã Kim Hoa), gia đình đã phải chặt bỏ 1/3 số gốc vì cây bị rụng lá và chết dần. Hiện cả vườn chỉ còn khoảng 200 gốc cam bù nhưng cũng chỉ lác đác quả.

Cam bù Hương Sơn mất mùa, người dân buồn lòng chặt bỏ cây

Gần 100 gốc cam bù của gia đình chị Loan đã phải chặt bỏ.

Nhìn vào những cây cam phải chặt bỏ chất thành đống, chị Loan ngậm ngùi chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 1 ha cam, năm ngoái còn 300 gốc nhưng thời gian qua đã phải chặt gần 100 gốc. Tôi đã gắn bó với cây cam bù hơn 15 năm nay nhưng chưa năm nào thấy tình trạng cam ít quả và chết nhiều như năm nay. Tết này, cả gia đình chỉ trông chờ vào 200 gốc cam còn lại nhưng với tình trạng quả kém năng suất như hiện nay thì chúng tôi cũng chẳng thể hy vọng được nhiều”.

Cam bù Hương Sơn mất mùa, người dân buồn lòng chặt bỏ cây

Trên nhiều đồi cam của huyện Hương Sơn nay đã vắng bóng cây cam bù.

Theo nhận định của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn, nguyên nhân chủ yếu là do đầu năm 2022 mưa nhiều, bộ rễ của cây bị tổn thương nghiêm trọng nên bệnh vàng lá, thối rễ xuất hiện trên diện rộng. Bên cạnh đó, một phần là do chi phí đầu tư phân bón tăng cao nên bà con ngại đầu tư, không chăm sóc cho cây thường xuyên, dẫn việc cây bị suy dinh dưỡng.

Ông Trần Quang Hòa - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết: “Toàn huyện Hương Sơn hiện có hơn 1.000 ha diện tích trồng cam bù, tập trung nhiều nhất ở các xã Sơn Trường, Kim Hoa, Quang Diệm, Sơn Hàm, Sơn Lâm... Năm ngoái, sản lượng cam bù toàn huyện đạt gần 11.000 tấn, nhưng năm nay, cam bù mất mùa trên diện rộng. Hiện chúng tôi đang tập trung thống kê sản lượng cam bù bị thiệt hại. Đồng thời, xây dựng, ban hành đề án phát triển cây cam bù trong giai đoạn tới. Dự kiến tháng 2/2023 sẽ bắt đầu tổ chức các lớp tập huấn cho người dân, hướng đến việc xây dựng các mô hình điểm, trồng và chăm sóc cây theo công nghệ mới để cây cam đặc sản tiếp tục phát triển trên những triền đồi của huyện miền núi Hương Sơn”.

Việc khắc phục tình trạng cây cam bù cho năng suất kém cần nhiều thời gian để thực hiện. Trước mắt với những vườn cây già cỗi, người dân nên trồng mới vì cây đã hết chu kỳ sinh trưởng. Khi chọn giống để trồng mới, người dân nên sử dụng cây cam ghép để cây có sự sinh trưởng tốt. Đồng thời, tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật về cắt tỉa tạo tán, bón phân, chế độ tưới. Đặc biệt, cần phải sử dụng các loại phân bón hữu cơ để cây có thể phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu và nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc cam theo những công nghệ mới nhất.

Ông Phan Xuân Yên
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Người dân Hà Tĩnh trúng đậm ốc tép

Người dân Hà Tĩnh trúng đậm ốc tép

Với giá bán 300.000 - 320.000 đồng/tạ ốc tép, ngư dân Hà Tĩnh có thể thu về từ 1,5-3 triệu đồng/ngày nhờ tích cực kéo lưới thu hoạch "lộc biển".
Hương Sơn có thêm 3 sản phẩm OCOP 3 sao

Hương Sơn có thêm 3 sản phẩm OCOP 3 sao

Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vừa chấm điểm công nhận 5 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2025, trong đó, 2 sản phẩm đánh giá lại và 3 sản phẩm mới.
Thạch Kim đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Thạch Kim đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương giáp biển để phát triển sản xuất, đảm bảo sinh kế, tạo nền tảng và động lực phát triển KT-XH.
Ngành chuyên môn Hà Tĩnh khuyến cáo gì cho vụ tôm xuân - hè 2025?

Ngành chuyên môn Hà Tĩnh khuyến cáo gì cho vụ tôm xuân - hè 2025?

Người dân Hà Tĩnh chuẩn bị bước vào vụ nuôi tôm xuân hè 2025. Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Quản lý, nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) đã có những khuyến cáo nhằm giúp người dân giành thắng lợi trong vụ nuôi sắp tới.
Giá trị nhung hươu Hương Sơn ngày càng tăng cao

Giá trị nhung hươu Hương Sơn ngày càng tăng cao

Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, cải thiện chất lượng đàn hươu, tập trung chế biến sâu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nuôi lươn không bùn ở Cẩm Quang

Nuôi lươn không bùn ở Cẩm Quang

Mô hình nuôi lươn bằng bể không bùn của anh Nguyễn Quốc Hữu (xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) dự kiến cho thu hoạch khoảng 15-17 tấn lươn thương phẩm sau 10-12 tháng thả nuôi.
Ngư dân bội thu, tiểu thương phấn khởi

Ngư dân bội thu, tiểu thương phấn khởi

Những chuyến biển gần đây, ngư dân Hà Tĩnh trúng đậm nhiều luồng cá cơm, cá trích, mực, cá bạc má… tạo nguồn cung hải sản đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường đồng thời mang về nguồn thu nhập khá.
Vũ Quang tươi mới

Vũ Quang tươi mới

Việc chú trọng xây dựng vườn mẫu, cụm dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, cụm dân cư sinh thái… đã tạo điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở Vũ Quang (Hà Tĩnh).