Cần cân nhắc, hết sức thận trọng khi quyết định tái đầu tư Dự án mỏ sắt Thạch Khê

(Baohatinh.vn) - Ngày 25/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tổ chức hội thảo góp ý Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh. Giáo sư, viện sỹ, tiến sỹ Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Vusta, TS Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Vusta và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng đồng chủ trì hội thảo.

can can nhac het suc than trong khi quyet dinh tai dau tu du an mo sat thach khe

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắngphát biểu tại hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch Vusta cho biết, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được cân nhắc qua nhiều thời kỳ và gần đây Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đã có văn bản đề nghị cho khởi động lại dự án.

Đây là dự án quy mô lớn, vị trí sát biển, thời gian khai thác mỏ dài. Hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học về 5 vấn đề chính là công nghệ khai thác; công nghệ chế biến; tác động môi trường; hiệu quả kinh tế; tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương.

Để chuẩn bị cho hội thảo, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức đoàn khảo sát tại Hà Tĩnh, thành viên là các chuyên gia thuộc các lĩnh vực mỏ, địa chất, thủy lợi, môi trường…

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, một trong số các chuyên gia tham gia đoàn khảo sát, cho biết, theo các tư liệu trong hồ sơ dự án, có thể thấy rằng, hiệu quả kinh tế của khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa rõ, nhưng hậu quả môi trường và xã hội thì rất lớn với nhiều vấn đề bức xúc như tạo ra các bãi thải lấn biển ở vùng ven biển Hà Tĩnh. Bên cạnh đó là những vấn đề môi trường phát sinh do đổ thải, nước thải mỏ, tháo khô mỏ; nguy cơ nhiễm mặn và sa mạc hóa vùng đất ven biển Hà Tĩnh; vấn đề di dân, giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho hàng ngàn người dân xung quanh khu vực khai thác mỏ.

can can nhac het suc than trong khi quyet dinh tai dau tu du an mo sat thach khe

Đoàn công tác Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) do GS, TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch VUSTA dẫn đầu đã tiến hành khảo sát hiện trường khu vực mỏ sắt Thạch Khê.

GS.TS Đặng Trung Thuận nêu 3 phương án để lựa chọn cho mỏ sắt Thạch Khê. Thứ nhất là nối lại hoạt động khai thác, chấp nhận các rủi ro. Theo phương án này, cái được chính là tiếp nối những công việc đã làm như đã bóc đất tầng phủ 12,7 triệu m3 đến cốt -34m; đã giải ngân đến tháng 11/2016 là 1.589,59 tỷ đồng; đã đúc rút được kinh nghiệm của giai đoạn khai thác thử nghiệm; cái mất là phải chấp nhận tất cả các rủi ro, tổng hòa các rủi ro đó là nguy cơ tác động mạnh đến môi trường đất, nước, biển và an sinh xã hội… mà việc khắc phục chúng sẽ đẩy giá thành sản xuất quặng lên cao, kém sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai là chấm dứt hoạt động, cam chịu mất phần vốn đầu tư bỏ ra. Theo phương án này, cái được là tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm; cái mất là phải chấp nhận mất một khoản vốn đầu tư lớn ban đầu (1.589,59 tỷ đồng), mà việc dựa vào kinh doanh khác để bù lại là không phải dễ dàng. Tuy nhiên, đây không phải mất trắng, vì rằng khoản tiền đền bù di dân, tuy lớn, nhưng có thế xem như là quà của nhà nước và doanh nghiệp cho cộng đồng cư dân nghèo khó của huyện Thạch Hà.

Thứ ba là tạm dừng hoạt động của dự án. Nếu theo phương án này thì việc dừng lại dự án một thời gian cho đến khi những vấn đề về môi trường có được phương thức xử lý tốt: các khó khăn về kỹ thuật và công nghệ được khắc phục. Cái mất của phương án này là phải chấp nhận tạm dừng các hoạt động khai thác quặng sắt Thạch Khê, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn, việc làm của Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) và kế hoạch phát triển sản xuất của chủ đầu tư. Cái được lớn nhất của phương án này là tránh được những rủi ro không mong muốn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cả xã hội trong thời gian tiếp theo của 52 năm dự án.

Cùng quan điểm với GS Thuận, TS Nghiêm Gia - Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam cho rằng, nếu dự án tiếp tục triển khai thì còn nhiều vấn đề thách thức đòi hỏi chủ đầu tư là TIC phải giải quyết một cách khoa học, có cơ sở, đúng trình tự pháp lý nhằm mang lại hiệu quả, bảo vệ môi trường bền vững, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân tại vùng mỏ, lợi ích cho nhà nước và lợi nhuận của doanh nghiệp một cách lâu dài.

Ông Lưu Đức Hải - chuyên gia từng tham gia đoàn khảo sát trước đó tại Hà Tĩnh cho rằng, qua tìm hiểu cho thấy người dân ở vùng phụ cận và vùng mỏ có sự trăn trở lo lắng về sự an toàn môi trường, sinh kế sau khi dự án đi vào khai thác. Sự lo lắng của người dân là có cơ sở, cần thận trọng nhất là dự án hiện tại các giải pháp của dự án chưa hoàn toàn thuyết phục.

Vấn đề được cân nhắc nhiều nhất tại hội thảo là giữa cái được và cái mất, giữa kinh tế và môi trường, giữa năng lực và thực tế của dự án. Các đại biểu đã phân tích, đề cập các góc độ về hiệu quả kinh tế, xuất quặng thô, sản xuất thép tại địa bàn Hà Tĩnh hay cung cấp quặng cho các nhà máy trong nước…. Song song với đó là hàng loạt các vấn đề môi trường liên quan đến khai thác như suy giảm nước ngầm khu vực, xả thải nguồn nước thải khoảng 200.000 m2/ngày đêm, ảnh hưởng của bãi thải lấn biển đến môi trường biển ven bờ, ảnh hưởng của vận chuyển quặng và đất đá thải tới hạ tầng giao thông của địa phương…

Ngoài ra, các nhận định từ góc độ các vấn đề xã hội của việc di dân quy mô khoảng 20.000 người, đền bù tái định cư, cấp đất và giải quyết nguồn nước sạch cho dân cư, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, nguy cơ tranh chấp và xung đột môi trường cũng đã được bàn thảo.

Về năng lực chủ đầu tư dự án, nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại TIC chưa đáp ứng được điều kiện, kể cả với giai đoạn I, trong khi đây là một điều kiện quan trọng để xác định tính khả thi của dự án. Mặt khác, trong điều kiện năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu, thiếu, khả năng huy động vốn vay cho dự án còn chưa xác định; điều kiện tự nhiên vùng mỏ để khai thác khoáng sản có rất nhiều rủi ro, việc tiếp tục thực hiện dự án là rất mạo hiểm, cần được cân nhắc thận trọng.

Được biết các nội dung tại hội thảo này, cũng như các kết quả khảo sát trước đó sẽ được Vusta tổng hợp thành báo cáo gửi trình chính phủ và các đơn vị quản lý liên quan.

Năm 2007, nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy thép trong nước, Chính phủ Việt Nam đã quyết định khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Công ty TIC được thành lập ngày 17/5/2007 gồm 9 cổ đông với vốn điều lệ là 2.400 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là cổ đông chủ lực để thực hiện Dự án “Đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh” trên diện tích đất sử dụng là 3.877 ha.

Ngày 24/02/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép hoạt động khoáng sản số 222/GP-BTNMT cho Công ty TIC. Cũng vào năm đó, Công ty TIC bắt đầu thử nghiệm khai thác lộ thiên bằng thiết bị cơ giới. Vị trí khai trường đầu tiên được chọn tại xã Thạch Đỉnh, đổ thải về phía Bắc trên địa phận xã Thạch Bàn.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, năm 2011, hoạt động khai thác mỏ Thạch Khê tạm dừng sau khi đã bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3, tạo ra moong mỏ có kích thước rộng 0,6x1,0 km, sâu hơn 30m và một bãi thải dạng đồi với độ cao 50m, chiếm diện tích 125 ha.

Năm 2017, moong mỏ trở thành một hồ nước lớn mà theo cán bộ kỹ thuật của TIC, nếu bơm với công suất 2.500m2/h thì khoảng 2 tháng mới tát cạn hồ này.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025