Câu chuyện “vỡ đất” và những đổi thay trên vùng kinh tế mới

(Baohatinh.vn) - Những vùng “kinh tế mới” ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) luôn hiện lên với vẻ đẹp thơ mộng và cuốn hút. Chúng tôi vẫn gọi đây là miền quê của những người đi “vỡ đất, mở đường” thuở trước…

Từ nhỏ, tôi được nghe bà kể về những cuộc di dân, rời quê hương đi lập nghiệp tại các vùng “kinh tế mới” ở Hương Sơn. Theo lời kể ấy, hôm nay, tôi đã ngược ngàn lên miền biên viễn để tìm đến những người “vỡ đất, mở đường”.

z5759281254088_6dae1f8f49e21461ee0873da54628759.jpg
Khung cảnh trù phú của vùng "kinh tế mới" ở xã Sơn Kim 2.

Giữa vùng rừng núi trùng điệp của dãy Trường Sơn, xã Sơn Kim 2 hiện lên với khung cảnh trù phú, thanh bình bên dòng Ngàn Phố yên ả. Thuở trước, xã Sơn Kim 2 cùng nhiều địa phương khác như: Sơn Kim 1, Sơn Hồng, Sơn Tây, thị trấn Tây Sơn được xem là vùng “kinh tế mới” ở Hương Sơn. Qua lời kể của người dân nơi đây, từ khoảng sau năm 1955, theo chính sách di dân của Nhà nước, nhiều người dân ở các xã miền xuôi huyện Hương Sơn như: Sơn Phú, Sơn Trung, Sơn Bằng, Sơn Ninh, Sơn Châu… và một số xã tại các huyện: Đức Thọ, Can Lộc… đã rời quê hương để lên vùng biên giới lập nghiệp.

Theo lời giới thiệu, tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Châu (SN 1954, trú thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2). Gia đình ông Châu cùng khoảng 20 hộ dân ở các địa phương khác là những người đầu tiên đến khai hoang, lập đất ở vùng biên giới này. Dù đã 70 tuổi nhưng những ký ức từ gần 50 năm trước cùng cha mẹ đi lập nghiệp vẫn còn in đậm trong trí nhớ của ông.

z5759271305729_f54cf47db0c3a90864f4e10ed458919c.jpg
Ông Nguyễn Văn Châu (bên phải) và ông Tô Hồng Lĩnh - Trưởng thôn Làng Chè vui mừng khi gặp nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm thuở nhỏ khi còn ở quê nhà Sơn Ninh.

Năm 1967, khi mới 13 tuổi, ông Châu đã cùng cha mẹ và 2 em từ quê nhà Sơn Ninh lên miền biên giới. Sau hành trình gần 2 ngày đi bộ, vượt núi, lội sông, cả gia đình đã tới được vùng “kinh tế mới” thuộc xã Sơn Kim 2 ngày nay.

“Lúc ấy, quê hương mới của chúng tôi tuy rộng lớn nhưng gian khó trăm bề. Giữa vùng rừng núi hoang vu không thể kể xiết những khó khăn và cả hiểm nguy từ các loại thú rừng như voi, hổ, lợn rừng… Chưa kể, thời điểm đó, chiến tranh đang bước vào giai đoạn ác liệt nên chúng tôi chỉ có thể làm việc vào buổi chiều và ban đêm để tránh máy bay địch. Cả người lớn và trẻ con thời ấy đều chỉ nhờ vào ánh trăng mà cuốc đất, vỡ hoang… “Vỡ đất” đến đâu, chúng tôi đặt tên người đầu tiên khai hoang đến đó. Đến nay, những cái tên dân dã như: đồi cố Định, ruộng bà Đào, đồng ông Mậu… vẫn được người dân trong vùng nhớ đến và gọi tên” - ông Châu bồi hồi nhớ lại.

z5759271331834_59a998759556252e57199041b2f3a142.jpg
Gắn bó với cây chè ở miền biên viễn đã giúp ông Nguyễn Văn Châu (bên trái) có đời sống khấm khá.

Nhờ bàn tay yêu lao động, gia đình ông Châu và những hộ dân khác đã dần “vẽ” nên những gam màu mới cho bức tranh kinh tế ở miền biên viễn. Ban đầu, người dân trồng ngô, lúa nương, chăn nuôi trâu bò. Dần dần, khi có sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân chuyển qua trồng chè cho Nông trường chè Tây Sơn. Không phụ công chăm bẵm, những cây chè dần bén rễ và vươn mình, phát triển xanh tươi.

Với những người khai hoang ở miền biên viễn này, họ luôn tâm niệm: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Nhờ vậy mà ngày nay, xã Sơn Kim 2 đã được khoác lên tấm áo mới đầy sức sống. Đời sống kinh tế, văn hóa của người dân ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm, toàn xã chỉ còn 31 hộ nghèo, 40 hộ cận nghèo… Năm 2020, Sơn Kim 2 là xã biên giới đầu tiên của huyện Hương Sơn, của Hà Tĩnh và của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao.

z5759271249164_39461c4ea4ab4cc355d03b022ca820f7.jpg
Lập nghiệp ở xã Sơn Kim 2 đã hơn 30 năm, ông Nguyễn Văn Chiến đã gây dựng được cuộc sống khá giả nhờ nuôi hươu, trồng chè.

Chứng kiến cảnh đổi thay và phát triển không ngừng của quê hương hôm nay, lòng tự hào và niềm vui sướng đã hiện rõ trên khuôn mặt của những người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Chiến (SN 1971, trú thôn Tiền Phong, xã Sơn Kim 2) tự hào cho biết: “Tôi quê gốc ở xã Sơn Quang (xã Quang Diệm ngày nay), là thế hệ thứ 2 lên lập nghiệp tại vùng kinh tế mới ở xã Sơn Kim 2. Tôi và gia đình đã gắn bó với mảnh đất này hơn 30 năm và được chứng kiến sự đổi thay “thần kỳ” của quê hương mới. Nếu như ngày trước, người dân thiếu thốn đủ bề thì bây giờ không còn lo phải “ăn no, mặc ấm” mà đã “ăn ngon, mặc đẹp”. Những ngôi nhà khang trang, các công trình hạ tầng phục vụ đời sống được đầu tư đã góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo của vùng đất nghèo năm xưa”.

Trong câu chuyện kể của bà, tôi còn biết tới những người “mở đường” đi làm kinh tế mới ở sâu trong vùng núi của xã Sơn Mai (xã Kim Hoa ngày nay). Họ là lớp người xung phong mở đường để “khai hoang phục hóa” những vùng từng được xem là “thâm sơn cùng cốc” ngày trước.

Là thế hệ thứ 2 được sinh ra tại vùng “kinh tế mới” ở xã Sơn Mai (cũ), ông Đậu Quang Huyến (SN 1960, trú thôn Kim Lĩnh, xã Kim Hoa) luôn biết ơn sự hy sinh của thế hệ trước đã “mở đường” cho sự phát triển của quê hương ngày nay.

Theo lời kể của ông Huyến, khoảng năm 1945, cha mẹ ông là cụ ông Đậu Hiểu (1918-1975) và cụ bà Trần Thị Bỉ (1918-2012) quê gốc ở xã Sơn Thủy (cũ) đã cùng 9 hộ dân ở các xã: Sơn Bằng, Sơn Phúc (cũ)… vào sâu trong vùng rừng núi xã Sơn Mai để lập nghiệp. Thời điểm đó, đây là vùng “rừng thiêng nước độc”, hầu như chưa có dấu chân người nên nguy hiểm luôn rình rập từ các loại thú rừng và bệnh sốt rét.

z5759273960089_a4ac08ab113ccb79c4f876923cbf4d3b.jpg
z5759276076761_a2facbcfd818e5a035618d56b6e68966.jpg
Ông Đậu Quang Huyến vui mừng trước thành quả lao động tại của gia đình và sự đổi thay, phát triển của quê hương.

Vượt qua sợ hãi thuở ban sơ, gia đình cụ Hiểu cùng những người dân khác làm chòi để ở và phát quang bụi rậm, sẻ đồi trồng ngô, khoai. Riêng gia đình cụ Hiểu, cụ Bỉ còn làm trang trại, nuôi thêm trâu bò để phát triển kinh tế. “Trại cố Bỉ” là tên gọi dân dã mà người dân trong vùng thường gọi khi nhắc tới trang trại của gia đình ông Huyến. Sau này, khi cuộc sống dần ổn định, người dân đã lấy giống cam, chanh ở miền xuôi để trồng thử nghiệm trên các triền đồi. Từ đó, cây cam, cây chanh dần bén rễ trên vùng đất này.

Ngày nay, hơn 300 hộ dân “góp” thuộc thôn Tân Hoa, Kim Lĩnh và 1 phần thôn Hội Sơn (xã Kim Hoa) đã tiếp bước cha ông phát triển kinh tế vườn đồi. Từ những “viên gạch” nhỏ, họ đã cùng người dân toàn xã vun đắp nên biết bao kết quả đáng tự hào. Ông Huyến mừng vui chia sẻ: “Từ thành quả lao động của cha mẹ, ngày nay, gia đình tôi đã có hơn 4 ha trồng cam và hơn 16 ha trồng keo, chưa kể việc chăn nuôi hươu, lợn rừng… đã đem lại nguồn thu nhập khá. Không chỉ riêng tôi, hàng trăm hộ dân cũng đã nỗ lực xây dựng kinh tế vườn đồi, góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã. Sự đói nghèo, khó khăn nay đã nhường chỗ cho no ấm, thịnh vượng và phát triển”.

Những người dân từng đi xây dựng xây vùng “kinh tế mới” năm ấy giờ người còn, người mất, người nhớ, người quên song tinh thần và sự nỗ lực “biến sỏi đá thành cơm” của họ đã được trao truyền cho thế hệ sau. Con cháu của họ đã tiếp tục cùng nhau cố gắng, cùng nhau phát triển kinh tế, dựng xây quê hương đất nước, tiếp nối ý chí cha ông.

Ngày nay, những vùng “kinh tế mới” thuộc xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng, Sơn Tây… đã có diện mạo ngày càng đổi mới, đời sống, thu nhập của người dân được nâng cao. Kỳ vọng rằng, các thế hệ người dân ở những vùng đất này sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, hăng say lao động, sản xuất để góp phần đưa huyện nhà ngày càng phát triển, trở thành điểm sáng về KT-XH của Hà Tĩnh.

Ông Trần Quang Hòa - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.
Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân Hà Tĩnh bám đồng, đẩy nhanh tiến độ làm đất đợt cuối và bắt đầu xuống giống những trà lúa đầu tiên của vụ xuân 2025.
Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Là địa phương “đi sau” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng huyện Kỳ Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, coi đây là nền móng tạo sự lan toả, đưa phong trào xây dựng NTM của huyện phát triển vững chắc.