Bà Dương Thị Thư (thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, Thạch Hà) đăng ký xây dựng vườn mẫu từ năm 2013, đến nay, sau 11 năm, khu vườn của bà Thư là điển hình tiêu biểu, góp phần phát triển thu nhập của gia đình, giữ vững các tiêu chí NTM nâng cao của địa phương.
Với tổng diện tích vườn 2.400 m2, bà Thư đầu tư canh tác nhiều giống cây hoa màu như: mướp đắng, mướp ngọt, đậu cove, rau thơm… Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế, bà Thư nuôi thêm ốc bươu, lợn nái, bò nái... tận dụng tối đa nguồn thức ăn có sẵn tại vườn.
Toàn bộ khu vườn mẫu được bà Thư đầu tư hệ thống tưới nước thông minh, dẫn nước đến từng gốc cây, giúp cho quá trình chăm sóc được thuận lợi và hiệu quả hơn. Nhờ sự đổi mới trong tư duy làm vườn, mỗi năm, vườn rau màu của bà Thư cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng, bên cạnh đó, hệ thống chăn nuôi cũng mang lại mức thu nhập khá.
Cũng đầu tư xây dựng vườn mẫu, với tổng diện tích vườn gần 3000 m2, gia đình ông Trần Văn Báu (thôn Hà Thanh, cùng xã Tượng Sơn) trồng các loại hoa màu cho thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày như: ớt cay, cà chua, bí xanh, cà tím… Đặc biệt, gia đình ông còn có vườn ổi gần 800 m2, vào mùa thu hoạch cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng/vụ; xây dựng ao (diện tích hơn 120 m2) để nuôi cá diêu hồng tăng thêm thu nhập từ kinh tế vườn.
Năm 2019, xã Tượng Sơn đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và năm 2021 đạt xã NTM kiểu mẫu. Phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu trên địa bàn được phát động triển khai trên toàn xã, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo Nhân dân. Đến nay, các sản phẩm rau, củ, quả tại xã Tượng Sơn đã được cấp chứng chỉ VietGAP.
Ông Dương Kim Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết: “Toàn xã hiện có 38 vườn đạt 5/5 tiêu chí vườn mẫu, ngoài ra, có 850 vườn hộ diện tích trên 500 m2, chủ yếu sản phẩm rau củ quả, mức thu nhập bình quân 60 - 70 triệu đồng/năm, có những vườn cho thu nhập 80 - 120 triệu đồng/năm. Các khu vườn mẫu tại xã Tượng Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững các tiêu chí nông thôn mới nâng cao như: tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; thu nhập; môi trường… Để có được thành quả đó là nhờ sự đồng lòng của Nhân dân và chính quyền địa phương. UBND xã Tượng Sơn liên tục tổ chức các buổi tập huấn cải tạo vườn, áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống để bà con tiếp tục sản xuất, canh tác".
Phong trào xây dựng vườn mẫu cũng đang được nhiều địa phương trên toàn tỉnh chú trọng thực hiện, liên tục mở rộng và nâng cấp. Những khu vườn được cải tạo sạch đẹp không chỉ mang đến diện mạo khang trang cho hạ tầng cơ sở mà còn giúp đời sống vật chất của người dân từng bước được khởi sắc, củng cố vững chắc tiêu chí vườn mẫu nói riêng và trở thành yếu tố then chốt trong việc đưa công cuộc xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thực chất, làm thay đổi đời sống của Nhân dân ở các địa phương.
Tại huyện Cẩm Xuyên, đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Cẩm Quan, Cẩm Lạc, Cẩm Duệ) và 3 xã đạt NTM kiểu mẫu (Cẩm Vịnh, Cẩm Bình, Cẩm Thành). Để phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện phá bỏ vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, đóng góp vai trò quan trọng trong việc giữ vững các tiêu chí.
Khu vườn mẫu của ông Trịnh Văn Châu (thôn Tân An, xã Cẩm Bình) có tổng diện tích hơn 3.000 m2, trong đó, khoảng 600 m2 xây dựng giàn mướp đắng; 60 m2 làm giàn mướp ngọt; hơn 300 m2 trồng bí, dưa chuột và khu vực trồng cây ăn quả. Hệ thống vườn mẫu mang đến cho ông Châu mức thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/vụ, mỗi năm cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng. Từ năm 2015, khu vườn của ông Châu đã được công nhận vườn kiểu mẫu, thường xuyên là điểm tham quan, tìm hiểu của người dân các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Duyệt - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình đánh giá, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các vườn mẫu đã phát huy hiệu quả, đóng góp vào quá trình xây dựng cảnh quan, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương: Toàn xã đang xây dựng 75 vườn hộ, nhiều vườn được công nhận vườn mẫu. Bên cạnh hệ thống vườn mẫu, địa phương còn có các mô hình nuôi trồng tổng hợp và tuần hoàn, nhờ đó, tiêu chí thu nhập bình quân được cải thiện rõ rệt theo từng năm, từ mức 57 triệu đồng/người vào năm 2022 đến mức 61 triệu đồng/người đầu năm 2024. Vào những đợt vụ mùa cao điểm, nhiều hộ dân có mức thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng/ngày, kết thúc mùa vụ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/vụ".
Cũng theo ông Duyệt, các mô hình vườn mẫu cần được nhân rộng, phát huy tối đa hiệu quả để góp phần xây dựng, giữ vững các tiêu chí NTM nâng cao ở nhiều địa phương. “Vườn mẫu đang tạo nên một diện mạo mới cho nông thôn Cẩm Bình nói riêng và toàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung, thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách để khuyến khích ngày càng nhiều hộ dân đủ điều kiện đăng ký xây dựng mô hình vườn mẫu, góp phần nâng cao thu nhập. Ngoài ra, UBND xã cũng tích cực hỗ trợ kết nối với các ngành, doanh nghiệp để đưa các sản phẩm vườn mẫu tiêu thụ ở trong và ngoài địa bàn" - ông Duyệt nói.
Giai đoạn xây dựng NTM từ năm 2021 - 2025, các khu vườn mẫu được giao cho các đơn vị cấp huyện trực tiếp ban hành các tiêu chí và tổ chức triển khai thực hiện. Một trong các nội dung được các địa phương tập trung cao chỉ đạo là nâng cao chất lượng và chiều sâu các khu dân cư NTM kiểu mẫu, phát huy giá trị kinh tế vườn hộ.
Toàn tỉnh hiện có 100% số xã đạt chuẩn NTM (181/181 xã); 33,1% xã đạt chuẩn NTM nâng cao (60/181 xã); 8,3% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (15/181 xã); 73,1% thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu (1.189/1.626); 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 3 đơn vị có 100% số xã đạt chuẩn NTM (thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Hương Khê).
Ông Ngô Đình Long - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh