Một vùng khói lửa đạn bom
Trà Sơn (Can Lộc) là dải đất bán sơn địa, có tuyến quốc lộ 15A, đường chiến lược 70 đi qua, gồm các xã: Nga Lộc, Phú Lộc, Nhân Lộc, Thượng Lộc, Đồng Lộc, Mỹ Lộc và Sơn Lộc. Bên Ngã ba Đồng Lộc, tọa độ lửa là các xã Trung Lộc, Xuân Lộc, Quang Lộc, Phú Lộc... Ngã ba Quán Trại, cống 19, cầu Bạng, cầu Tùng Cốc, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao... trở thành những địa danh chịu sự đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Trong đó, Ngã ba Đồng Lộc là điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch, nơi tỏa sáng chí anh hùng của tuổi trẻ, cũng là nơi hội tụ sức mạnh của lòng dân Can Lộc và Hà Tĩnh.
Những đoàn xe qua Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu.
Đặc biệt, những năm 1967 và 1968, để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, nhiều chiến dịch vận chuyển vũ khí, lương thực được đẩy mạnh. Đêm đêm, từng đoàn xe vận tải, xe tăng, tên lửa... rầm rập vượt đạn bom hướng ra tiền tuyến. Và, cùng với bộ đội, TNXP, công nhân giao thông đảm nhiệm vai trò chủ lực nơi trọng điểm Đồng Lộc, hàng vạn người trong các tầng lớp nhân dân Can Lộc đã hăng hái tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hình thành nên thế trận của lòng dân, góp phần công sức, của cải và cả máu xương làm nên chiến thắng. Đó là những người dân ngày bám đồng ruộng vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi, đêm đêm quên ăn, quên ngủ, bất chấp đạn bom kẻ thù gánh tấp bổi, phên tre, gỗ lạt, đất đá... cùng các lực lượng lên san lấp hố bom, thông đường, bắc cầu cho xe ra mặt trận.
Người dân làng Hạ Lội (nay là làng K130) dỡ nhà lát đường năm 1968. Ảnh tư liệu. (Nguồn: dangcongsan.vn)
Làng Hạ Lội (thuộc xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn) dỡ 130 ngôi nhà lát đường cho xe ra mặt trận. Người dân Vĩnh Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên) quên mình cứu chữa thương binh, chôn cất liệt sĩ trong khói bom, nhiều người trong số họ đã ngã xuống cùng các chiến sỹ anh hùng. Hàng nghìn hộ dân nhường nhà cho bộ đội, TNXP, công nhân giao thông trú quân, làm kho tàng tạm... Các bà, các chị ngày đêm lo từng bữa cơm, nước uống, canh từng giấc ngủ... cho từng đơn vị trên tọa độ lửa Đồng Lộc. Tình quân dân như cá với nước, sâu nặng vô cùng. Nhiều người dân đã anh dũng hy sinh khi lao vào khói lửa cứu những đoàn xe bị cháy, quên mình vượt qua bom đạn cứu chữa thương binh, chôn cất liệt sĩ. Cả một dải trà sơn chìm trong khói lửa, nhà cháy, người chết, nhưng bom đạn kẻ thù không thể khuất phục được ý chí anh hùng của người dân hướng về miền Nam ruột thịt.
Thông đường cho xe ra tiền tuyến ở Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu
Cụ Trần Hậu Hòa, năm nay đã 95 tuổi, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Can Lộc, Trưởng ban Đảm bảo an toàn giao thông huyện những năm chiến tranh còn nhớ như in tháng ngày ác liệt nơi chiến trường Đồng Lộc, nơi hội tụ sức mạnh của lòng dân, của tinh thần yêu nước, của chí anh hùng và khát vọng thống nhất non sông. Từ thực tiễn lăn lộn trong đạn bom cùng bà con nhân dân trong những ngày ác liệt nhất năm xưa ấy, cụ tự hào kể về những hy sinh, mất mát và đóng góp to lớn của Nhân dân Can Lộc nói riêng, Nhân dân Hà Tĩnh nói chung và khẳng định: Không có Nhân dân thì không thể có Chiến thắng Đồng Lộc.
Cụ Trần Hậu Hòa - nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Can Lộc nói chuyện với cán bộ địa phương. Ảnh Đạt Võ
Những trái tim như ngọc sáng ngời
Từ Ngã ba Đồng Lộc ngược hướng Bắc theo quốc lộ 15A chưa đầy 1 km, sẽ thấy hiện lên Đài tưởng niệm những người dân Can Lộc anh dũng hy sinh hoặc bị bom Mỹ giết hại trong chiến tranh, quanh năm khói hương trầm lặng.
Đài tưởng niệm ghi danh 1.226 người dân đã ngã xuống trong các ngày tháng đạn bom ác liệt trên chiến trường Đồng Lộc và các xã lân cận. Họ là cán bộ, xã viên hợp tác xã, dân quân, người già, phụ nữ và trẻ em... Những người đã kiên cường bám làng, bám đường, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu cùng các lực lượng giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, bốc xếp hàng hóa, chữa cháy, cứu thương, gánh tấp bổi, quên mình trong đêm san đường cho xe ra mặt trận...
Đài tưởng niệm 1.226 người dân hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc.
Đồng chí Võ Đức Phương - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lộc (nay là thị trấn Đồng Lộc) ngậm ngùi nói với tôi: Chỉ một trận bom kinh hoàng giặc Mỹ trút xuống trong đêm 15/7/1968 đã cướp đi cùng lúc sinh mạng của gần 30 người dân xã Đồng Lộc. Từ đó, 20/6 âm lịch hằng năm trở thành ngày giỗ của làng. Trận bom ngày 17/3/1968, vợ chồng ông Phan Văn Bổn và 5 người con nhỏ ở thôn Đồng Mỹ không còn ai sống sót. Không chỉ một mà nhiều gia đình đau thương đến tột cùng như thế sau những trận bom định mệnh, nhiều nhà gần như bị xóa sổ. Họ là những người kiên cường bám đất, bám làng, sát cánh cùng các lực lượng quyết từng giờ từng phút giữ cho mạch máu giao thông Đồng Lộc thông suốt.
Người dân về Đồng Lộc với mong muốn dâng nén hương thơm tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Lửa hờn căm ngút trời Can Lộc, ngàn người ngã xuống, ngàn nấm mồ mọc lên. Chỉ tính riêng 2 năm từ 1967-1968, xã Thượng Lộc đã có 122 người, Đồng Lộc 118 người, Quang Lộc 58 người, Trung Lộc 88 người, Xuân Lộc 100 người, Mỹ Lộc 65 người... bị bom Mỹ giết hại. Lòng căm thù giặc bùng lên trong từng căn nhà lửa cháy. Máu bao người nhuộm đỏ đất quê hương. Bom đạn quân thù đã san phẳng từng quả đồi Đồng Lộc, nhưng không thể ngăn nổi bước quân đi và lòng dân hướng về ngày toàn thắng. Lúa ngô, khoai sắn vẫn lên xanh trên những cánh đồng dày đặc hố bom, sự sống vẫn bật nẩy mầm non bên từng ụ pháo và những căn hầm còn đen xạm khói bom...
Toàn cảnh ngã ba Đồng Lộc hôm nay (Ảnh: Giang Nam)
55 năm đã qua, vết thương cũ lành da, đất Can Lộc đã xanh cây, bừng lên sức sống mới. Bên đền thiêng, dâng nén tâm hương kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm đồng bào đã hóa thân vào đất mẹ. Trong cát bụi, trái tim yêu nước của người dân quê tôi vẫn như ngọc sáng ngời, lấp lánh những vì sao trên trời cao Đồng Lộc. Và trên mảnh đất Đồng Lộc hôm nay, ngày ngày vẫn ngân vang những hồi chuông linh thiêng, như lời nhắc nhở về cội nguồn sức mạnh của lòng dân.
Các tập thể, cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc I. Tập thể 1. Trung đoàn Pháo cao xạ bộ đội phòng không 210 - Bộ Tư lệnh Phòng không 2. Đại đội 551 - Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh 3. Tiểu đội 4 - Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh 4. Tiểu đoàn 8 Pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh 5. Đảng bộ và Nhân dân xã Đồng Lộc, Hà Tĩnh II. Cá nhân 1. Anh hùng LLVT Nhân dân La Thị Tám - ngành GTVT Hà Tĩnh 2. Anh hùng LLVT Nhân dân Uông Xuân Lý - ngành GTVT Hà Tĩnh 3. Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Xuân Lứ - ngành GTVT Hà Tĩnh 4. Anh hùng Lao động Nguyễn Tri Ân - Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh 5. Anh hùng LLVT Nhân dân Đoàn Minh Nguyệt - bộ đội lái xe (quê Nghi Lộc, Nghệ An) 6. Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Tiến Tuẩn - ngành Công an Hà Tĩnh (đã mất) 7. Anh hùng LLVT Nhân dân Trần Văn Ca - Trung đoàn Pháo cao xạ 210 (đã mất) 8. Anh hùng LLVT Nhân dân Vương Đình Nhỏ - bộ đội công binh Tỉnh đội Hà Tĩnh (truy tặng) 9. Anh hùng LLVT Nhân dân Võ Triều Chung - Đại đội 557, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh (truy tặng) |