Chuyện người quản trang thầm lặng ở Hương Sơn

(Baohatinh.vn) - Dẫu làm quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm (ở thôn Sinh Cờ, xã Sơn Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh) chưa lâu, song, anh Hồ Thanh Hải (SN 1973) như đã gắn bó sâu nặng và tự nguyện gắn bó đến hết cuộc đời…

Chuyện người quản trang thầm lặng ở Hương Sơn

Nghĩa trang liệt sĩ Nầm.

Tình nguyện viết đơn xin làm quản trang

Đều đặn mỗi ngày, tiếng bước chân chầm chậm, tiếng chổi tre xào xạc khẽ khua lá vàng cùng đôi bàn tay lặng lẽ cắt cỏ, lau mộ… của anh Hồ Thanh Hải lại vang lên trong không gian tĩnh lặng của Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm (Hương Sơn). Công việc lặng lẽ này như mang lại hơi ấm, niềm an ủi cho những anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây.

Chuyện người quản trang thầm lặng ở Hương Sơn

Mỗi ngày, anh Hải đều dành phần lớn thời gian làm việc tại Nghĩa trang liệt sĩ Nầm.

Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm hiện có gần 1.200 ngôi mộ liệt sĩ. Làm công việc này gần 6 năm trước, đến nay, anh Hải đã thuộc nằm lòng vị trí của từng ngôi mộ.

Nói về cơ duyên gắn bó với công việc này, anh Hải chia sẻ: “Đầu năm 2018, người trông coi Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm nghỉ việc, tôi đã tự nguyện viết đơn xin làm công việc này. Dù thời điểm ấy, nhiều người thân không hài lòng do mình đang làm công việc lái xe, thu nhập khá ổn định, trong khi đó, công việc trông coi nghĩa trang chỉ dành cho những người về hưu có thời gian. Thế nhưng, được vợ động viên, tôi đã không chần chừ nhận việc và xem đó như một mối lương duyên. Để từ đó, tôi trở thành người quản trang của Nghĩa trang liệt sĩ Nầm cho đến nay”.

Chuyện người quản trang thầm lặng ở Hương Sơn

Anh Hải luôn tự tay sửa soạn, chăm sóc từng phần mộ.

Một lý do nữa khiến anh Hải quyết tâm trở thành người quản trang, bởi người chú ruột của anh là liệt sĩ Hồ Quang Huy, hy sinh năm 1973 tại Tây Nguyên hiện chưa tìm được mộ. Anh và gia đình luôn mong mỏi ở một nghĩa trang nào đó, liệt sĩ Hồ Quang Huy sẽ được thờ phụng. Công việc quản trang vì thế đã trở thành cách để anh cùng gia đình gửi gắm mong ước đó.

Với anh Hải, công việc quản trang này không quá mệt nhọc nhưng cần sự cần mẫn, tỉ mỉ và làm việc bằng cái tâm, trách nhiệm của bản thân.

Chuyện người quản trang thầm lặng ở Hương Sơn

Người thân đến thăm viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm.

Mỗi năm, nhất là vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm đón tiếp nhiều đoàn cán bộ, cá nhân, gia đình thân nhân liệt sĩ đến viếng thăm, bày tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ. Vào những dịp như vậy, công việc của anh Hải lại tăng gấp 2, gấp 3 lần so với ngày thường. Nhưng với anh, đó là một công việc rất đáng tự hào, anh làm không chỉ vì trách nhiệm mà còn bởi cái tâm của người quản trang.

Chuyện người quản trang thầm lặng ở Hương Sơn

Nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ luôn được chăm lo chu đáo.

Anh Hải tâm sự: “Tôi sinh ra trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ đã gần đi vào hồi kết, Hiệp định Paris được ký kết. Dẫu vậy, qua lời kể của cha mẹ, sự hy sinh của chú ruột, tôi thấu hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh và nỗi mất mát, đau thương của người ở lại. Sự khốc liệt ấy không chỉ đến từ sự hy sinh mà còn là nỗi đau kéo dài đến tận hôm nay, khi hàng triệu ngôi mộ liệt sĩ đang nằm khắp dọc dài đất nước, là những ngôi chưa rõ tên tuổi”.

Nguyện làm quản trang đến khi mắt mờ, chân run

Do đặc thù công việc nên thời gian anh Hải ở nghĩa trang nhiều hơn ở nhà. Những hôm trái gió trở trời, mưa lạnh hay nắng nóng thường khá vất vả nhưng, với anh, đó chỉ là những khó khăn nhất thời, bởi trên hết, anh yêu công việc này, muốn gắn bó và cống hiến đến khi mắt mờ, chân run. “Công việc âm thầm cho tôi những khoảng lặng bình yên. Tôi đã yêu công việc này như cách tôi chở che, bảo vệ gia đình của mình vậy” - anh Hải chia sẻ.

Chuyện người quản trang thầm lặng ở Hương Sơn

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ tại khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm được anh Hải trông nom, chăm sóc cẩn thận.

Cái nắng gắt những ngày cuối tháng 7 khiến lưng áo luôn ướt đẫm mồ hôi, nhưng anh chẳng nề hà mà chăm chỉ ngồi lau từng tấm bia mộ, nhổ từng ngọn cỏ để nghĩa trang được đẹp hơn hay đơn giản là việc chuẩn bị các mâm lễ được ngăn nắp hơn.

Chuyện người quản trang thầm lặng ở Hương Sơn

Công việc thầm lặng của anh Hải tại nghĩa trang liệt sĩ Nầm.

Ông Nguyễn Ngọc Thiết (quê thị trấn Phố Châu, Hương Sơn) - thân nhân liệt sĩ Nguyễn Đình Tự cho biết: "Anh trai tôi hy sinh năm 1979 tại chiến trường Campuchia và được an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm. Mỗi dịp lễ tết, tôi và gia đình đều sắp xếp về đây, thắp nén hương thơm cho anh. Đến nghĩa trang, nhìn thấy khuôn viên sạch đẹp, gọn gàng…, tôi chỉ biết nói lời cảm ơn tới anh Hải và mong anh có sức khỏe để gắn bó với công việc này”.

Với những ngôi mộ chưa xác định được thông tin, không người thân thăm viếng, anh Hải luôn xem họ như những người thân và chăm sóc chu đáo. Anh trải lòng: “Tôi nguyện một lòng chăm sóc các anh khi còn sức lực và xem đây là niềm hạnh phúc của bản thân. Và hơn hết, động lực để tôi gắn bó với công việc là sự biết ơn, tri ân của hậu thế với lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc”.

Chuyện người quản trang thầm lặng ở Hương Sơn

Anh Hải cẩn thận chăm sóc từng hàng cây xanh trong khuôn viên nghĩa trang.

Vượt qua những lời “bàn ra tán vào” khi nhận công việc quản trang ở độ tuổi còn trẻ, anh Hải vững tin hơn bởi có sự đồng hành, sẻ chia của vợ và gia đình. Chị Lưu Thị Vy Sen (SN 1979, vợ anh Hải) chia sẻ: “Công việc này thu nhập không cao, thời gian ở nghĩa trang còn nhiều hơn ở nhà, song đó là mong mỏi của chồng tôi nên tôi cùng các con đều rất ủng hộ. Đây cũng là một việc làm để tích đức cho con cháu nên chúng tôi chẳng ngại ngần”.

Chuyện người quản trang thầm lặng ở Hương Sơn

Nghề quản trang như một mối lương duyên với anh Hải.

Với anh Hải, được góp công sức làm đẹp nơi tôn nghiêm này, được giúp thân nhân các anh hùng liệt sĩ chăm sóc chu đáo cho từng ngôi mộ là điều hạnh phúc không gì có thể mua được. Để mai kia, mỗi khi thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng, họ sẽ cảm thấy an lòng, thầm cảm ơn những người quản trang thầm lặng...

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống