Có tuổi hai mươi hóa thân vào đất mẹ …

(Baohatinh.vn) - Càng đến gần thời điểm ngày 24/7, lòng tôi lại càng rưng rưng nhớ về nơi ấy - Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Gần 25 năm đi về trên cung đường lịch sử, chưa bao giờ cảm xúc vơi đi trong tôi. Nhớ thương, tự hào về các anh các chị, những người đã hiến dâng tuổi hai mươi của mình cho đất Mẹ, càng thêm trân quý những ngày hôm nay.

Ngã Ba Đồng Lộc làm bằng xương máu (*)

Tôi nhớ rõ từng địa danh trên các cung đường ở Ngã ba Đồng Lộc và khu vực lân cận mình đã đi qua.

Các tuyến đường Ba Giang - Đồng Lộc, Khe Giao - Đồng Lộc, Lạc Thiện - Đồng Lộc, Trung Lộc nằm trên một vùng rộng lớn của các xã Đồng Lộc, Thượng Lộc, Xuân Lộc, Phú Lộc, Mỹ Lộc.

Có tuổi hai mươi hóa thân vào đất mẹ …

Lực lượng dân công hoả tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh tư liệu của TTXVN

Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm ác liệt, nơi các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), công nhân giao thông, công an giao thông, dân quân các xã, lái xe… phải tranh thù từng giờ phút để san lấp đường, bắn máy bay địch, vượt “cửa tử” để thông đường, thông xe.

“Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Đó không chỉ là khẩu hiệu mà còn là mệnh lệnh của những trái tim yêu nước. Để tránh máy bay địch, công nhân giao thông và TNXP, lái xe chủ yếu làm việc vào ban đêm, khi có yêu cầu cấp bách mới phải làm ban ngày. Ban ngày họ tranh thủ học văn hóa, làm công tác dân vận. Địa điểm đóng quân của các anh chị là các xã lân cận.

Có tuổi hai mươi hóa thân vào đất mẹ …

Hoạt cảnh tái hiện sự hy sinh của 10 liệt nữ TNXP Tiểu đội 4, C 552, Tổng đội TNXP 55 trong vở kịch “Những mùa hoa bất tử” do các các nghệ sỹ Nhà hát Dân ca Nghệ An biểu diễn tại chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc” tối ngày 22/7.

Trên cung đường dẫn tới Ngã ba Đồng Lộc, các địa danh Truông Kén (Đồng Lộc và Mỹ Lộc), Eo Út (Mỹ Lộc), ngã ba Khe Giao (giáp ranh 3 huyện Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà), cống 19 (Phú Lộc), cầu Tối, ngã ba Khiêm Ích, cầu Tùng Cóc (Đồng Lộc), xóm Mai Long (xã Xuân Lộc)… đều ghi dấu sự xả thân, hy sinh quên mình của các lực lượng.

Sự hy sinh của Anh hùng Võ Triều Chung tại cầu Tùng Cóc, hai liệt sỹ Lê Đăng Dương và Võ Xuân Tài tại cầu Tối, tinh thần quả cảm của Anh hùng Uông Xuân Lý, Anh hùng La Thị Tám, Anh hùng Nguyễn Tri Ân, Trần Văn Ca, Nguyễn Xuân Lứ, Nguyễn Tiến Tuẩn và hàng vạn người khác…tại Đồng Lộc đã góp phần tạo nên bản anh hùng ca bất tử.

Có tuổi hai mươi hóa thân vào đất mẹ …

10 cô gái tuổi đời còn rất trẻ thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 - Hà Tĩnh hy sinh khi đang san lấp hố bom, mở đường giữ huyết mạch tiền tuyến.

Có tuổi hai mươi hóa thân vào đất mẹ …

Đồng đội 10 liệt nữ TNXP về thăm lại chiến trường xưa

Đặc biệt, sự hy sinh anh dũng của 10 liệt nữ TNXP Tiểu đội 4, C 552, Tổng đội TNXP 55 vào lúc 16h ngày 24/7/1968 đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Các chị đều đang ở độ tuổi xuân xanh, tuổi đẹp nhất, nhiều hoài bão khát khao nhất của cuộc đời. Ba người nhiều tuổi nhất là chị Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc và Nguyễn Thị Nhỏ - 24 tuổi. Người trẻ nhất là chị Võ Thị Hà -17 tuổi, còn lại đều tuổi từ 18 - 21. Các chị đều đã tham gia lực lượng TNXP từ 1 đến 3 năm. Có 5 chị quê Đức Thọ, 3 chị quê Can Lộc, 1 chị quê Hương Sơn, 1 chị quê thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh).

Mỗi người một gương mặt, một tính cách, một hoàn cảnh gia đình nhưng đều gặp nhau ở lòng yêu nước, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đều có tâm hồn trong sáng, cao đẹp, lãng mạn cách mạng.

Có tuổi hai mươi hóa thân vào đất mẹ …

Khu mộ 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc được đầu tư, nâng cấp ngày một khang trang.

Những ngôi sao không tắt

Nhiều lần đọc tiểu sử các chị, nghe các đồng đội của các chị kể chuyện, đặc biệt, đọc các dòng lưu bút các chị để lại, tôi vô cùng xúc động và trân quý vẻ đẹp tâm hồn của thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ. Ai nói nơi đạn bom khói lửa, họ không còn nét mơ mộng của tuổi trẻ? Đây là những dòng thơ của chị Trần Thị Hường - chim sơn ca của Tiểu đội 4 trong cuốn sổ ghi bài hát ở Bảo tàng Đồng Lộc:

Khi tuổi trẻ ai chẳng dành những phút

Những tâm hồn cao vút giữa không gian

Để ngợi ca cuộc sống đẹp vô vàn

Lòng bỗng thấy chân trời lan lan rộng

Có tuổi hai mươi hóa thân vào đất mẹ …

3 chiếc áo sờn cũ, lấm lem của chị Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường được tìm thấy ngay tại hố bom nơi các chị đã anh dũng hy sinh.

Và đây là những dòng lưu bút của chị Trần Thị Rạng viết trong cuốn sổ lưu bút của chị Nguyễn Thị Hường (hiện sống ở đường Trung Tiết, TP Hà Tĩnh) :

“Rạng nhớ những buổi hoàng hôn trăng sáng, hai ta cùng nằm giữa sân nơi mảnh đất Phú Lộc, hai ta cùng nói chuyện về tương lai tuổi trẻ và của ta tới sau này… Hẹn với Hường ngày thống nhất ta sẽ gặp nhau trên mảnh đất quê hương…”

Có tuổi hai mươi hóa thân vào đất mẹ …

Bức thư gửi mẹ trước 5 ngày hy sinh của liệt sỹ TNXP Võ Thị Tần được lưu giữ ở Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc.

Nhiều lần đọc đi đọc lại bức thư chị Võ Thị Tần gửi mẹ, tôi cứ tiếc nuối một điều: giá không có chiến tranh, chị Tần đã có thể trở thành một nhà văn. Từng dòng thư của chị hiện lên dưới ngòi mực viết thấm đẫm tình mẫu tử, chất chứa tình yêu nước và tinh thần lạc quan, coi thường hiểm nguy, vượt lên cái chết. Tình cảm riêng của một người con đã hòa vào tình cảm chung của dân tộc:

“Chúng tưởng đâu là đường sá đã bị tan nát vì cơn mưa bom của chúng. Nhưng chúng có mắt cũng như mù, chính lúc đó là lúc đoạn đường đang được nối liền bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con… Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng, nhưng không có thể làm rung chuyển được trái tim của chúng con…”

Dẫu các chị đã không bao giờ trở về, đã anh dũng hy sinh, hóa thân vào con đường nơi ngã ba huyền thoại nhưng chiến công và tên tuổi của các chị mãi còn đó, làm rạng ngời trang sử đất nước quê hương. Các chị là những vì sao trên trời cao cứ đêm đêm lấp lánh tỏa sáng.

Có tuổi hai mươi hóa thân vào đất mẹ …

Đại biểu sinh viên Việt Nam đang học tập tại 25 nước trên thế giới về dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc

Có tuổi hai mươi hóa thân vào đất mẹ …

Tháng 7, Ngã ba Đồng Lộc đón những dòng người về bày tỏ tấm lòng tri ân.

Năm nào cũng vậy, dâng lên 10 ngôi mộ những bông hoa trắng vào ngày giỗ các chị, tôi lại để cho lòng mình thật tĩnh tại, nghĩ về giá trị, lẽ sống của một đời người.

Chắc chắn rằng không chỉ riêng tôi, những ai đã đến đây đều nhận được một lời nhắn gửi nào đó, vô hình nhưng thôi thúc mình mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn, thánh thiện hơn, yêu thương và trân trọng những tháng ngày hòa bình hạnh phúc nhiều hơn.

Có tuổi hai mươi hóa thân vào đất mẹ …

Màu xanh cuộc sống hòa bình ở Ngã ba Đồng Lộc hôm nay

(*) Ý thơ Huy Cận

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.